Nghệ An: Đào đá khan hiếm, giá tăng kỷ lục từ trước tới nay

Năm nay, do nhu cầu chơi đào đá chưng Tết tăng cao, cộng với diện tích đào ngày càng bị thu hẹp và lại nở sớm nên khiến cho giá đào đá tăng lên kỷ lục.

Những cành đào đá được dựng hai bên đường liên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Hồ Phương

Những cành đào đá được dựng hai bên đường liên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Hồ Phương

Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích đào đá khá lớn. Số lượng này tập trung ở 3 huyện miền núi là: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, đặc biệt là 2 huyện Kỳ Sơn khoảng 300 ha và Quế Phong khoảng 200 ha. Ngoài ra, có một số lượng lớn cành đào đá được tư thương mua từ bên nước bạn Lào mang về bán tại Nghệ An.

Đào đá được trồng trên các nương rẫy, nơi có địa hình cao. Hoa của đào đá thường có cánh to, màu phớt hồng và tuổi thọ của hoa khá lâu. Tại Nghệ An, các tư thương trực tiếp vào nương rẫy, vườn nhà của người dân để thu mua theo vườn. Hàng năm, vào dịp gần Tết, tư thương đi đến các vườn trồng đào đá trên nương rẫy của người dân để đặt cọc. Đến những ngày cận Tết sẽ trực tiếp đến để thu hoạch và chở ra thị trấn, về xuôi để bán.

Có một số ít diện tích đào nằm ở địa bàn quá xa thì người trồng đào trực tiếp thu hoạch và chở ra trung tâm huyện, xã để bán cho thương lái.

Do phải vận chuyển qua nhiều chặng đường và tính độc lạ nên giá của mỗi cành đào đá thường cao hơn đào ta rất nhiều. Năm nay, giá cành đào đá tăng lên “chóng mặt” khiến nhiều người chơi đào đá khó khăn trong việc lựa chọn.

Những cành đào tiền triệu được xếp từng dãy tại một điểm bán ở huyện Quế Phong. Ảnh: Hồ Phương

Ông Nguyễn Văn Mạnh, một doanh nhân kinh doanh vật liệu xây dựng ở địa bàn huyện Quỳ Hợp cho biết: “So với các năm trước, giá đào năm nay cao hơn gấp đôi, thậm chí là gấp 3 lần. Các năm trước lên địa bàn vùng cao như Tri Lễ (Quế Phong), hay thậm chí ở địa bàn thị trấn Kim Sơn chỉ cần bỏ ra 3 đến 5 triệu đồng là có thể sở hữu cành đào đẹp, mang đi làm quà biếu và chưng Tết. Năm nay, để có được cành đào vừa ý, giá mỗi cành phải từ 10 đến 15 triệu đồng. Có người không biết sẽ bị “hét” từ 20 đến 30 triệu đồng là chuyện thường”.

Mỗi dịp Tết đến, anh Vi Văn Huỳnh trú tại xóm Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn lại lên các nương rẫy thuộc xã Mường Lống, Nậm Cắn, Tây Sơn săn đào đá chở xuống địa bàn thị trấn bán cho người dân địa bàn và một số lượng lớn bán cho thương lái chở về miền xuôi. Năm nay, giá đào đá tăng cao nên số lượng anh lấy cũng ít và bán cũng rất khó.

Đào đá hay còn gọi là đào mốc, đào phai... là đặc sản ở các huyện miền núi Nghệ An. Ảnh: Hồ Phương

“Mọi năm vào bản mua cành nào là về bán được cành đó. Mỗi mùa Tết tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng từ việc bán đào. Năm nay gần đến Tết rồi nhưng chưa bán nổi chục triệu đồng" - anh Huỳnh nói và cho biết sở dĩ đào đội giá là do thời tiết năm nay nắng nhiều vào mùa đông nên đào nở sớm, bên cạnh đó do việc khai thác không khoa học nên diện tích trồng đào ngày càng bị thu hẹp. Do đó ngay tại gốc, giá đào đã cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Nhiều người săn đào cảm thấy "choáng" với giá đào đá năm 2019. Ảnh: Hồ Phương

Một nguyên nhân nữa khiến giá đào đá ngày càng cao là bởi nhu cầu sử dụng cành đào đá (hay còn gọi là đào mốc) để chơi Tết ngày càng nhiều. Đến những ngày giáp Tết, có nhiều thương lái ở các huyện đồng bằng còn đánh xe siêu trường đổ xô lên các huyện biên giới, có địa hình cao “săn” đào về bán.

Những cành đào đá từ trên núi cao được chở về xuôi mất rất nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Hồ Phương

Đào rừng ngày càng khan hiếm do người thu mua thường chặt tận gốc, trong khi đồng bào vùng cao chưa tính đến trồng đào thương phẩm cũng là lý do khiến do giống đào này càng cao giá và cạn nguồn.

Hồ Phương

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-dao-da-khan-hiem-gia-tang-ky-luc-tu-truoc-toi-nay-232500.html