Nghệ An đang tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng

Các nhà khoa học tính toán rằng, riêng cơ cấu dân số 'vàng' đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân mỗi năm 1,2% trong giai đoạn 2009-2019.

Nhân dịp ngày Dân số Việt Nam (26/12), Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, nguyên Viện trưởng Viện Dân số & các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Việc giảm sinh đã giúp giảm áp lực về môi trường, giáo dục, y tế, tạo điều kiện cho con trẻ được học tập trong môi trường giáo dục chất lượng. Ảnh: MH

Việc giảm sinh đã giúp giảm áp lực về môi trường, giáo dục, y tế, tạo điều kiện cho con trẻ được học tập trong môi trường giáo dục chất lượng. Ảnh: MH

PV: Thưa GS.TS Nguyễn Đình Cử, năm nay nước ta kỷ niệm 60 năm ngành Dân số Việt Nam (26/12/1961 - 26/12/2021) với chủ đề “60 năm ngành Dân số - Vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Trải qua hơn nửa thế kỷ, theo Giáo sư kết quả nào của công tác dân số là “điểm nhấn sâu đậm nhất”?.

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Nửa cuối của thế kỷ trước, dân số Việt Nam chưa nhiều nhưng mức sinh rất cao và tăng rất nhanh. Năm 1960, Việt Nam mới có 30,2 triệu dân, nhưng bình quân mỗi phụ nữ sinh khoảng 7 con. Tỷ lệ tăng dân số hằng năm lên tới 3,8%, nghĩa là cứ 19 năm dân số lại tăng gấp đôi.

Nhận rõ tác động mạnh mẽ của dân số đến phát triển, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 216/CP về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”. Từ đó, chính sách dân số như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong các văn kiện của tất cả các kỳ Đại hội Đảng.

Sau hàng chục năm kiên trì và đẩy mạnh Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), tình trạng sinh sản ở nước ta đã có sự thay đổi căn bản. Số con trung bình của một bà mẹ giảm từ khoảng 7 con trong thập niên 60 xuống 2,1 con (mức sinh thay thế) vào năm 2005, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW đề ra; mức sinh thấp này vẫn được giữ vững cho đến nay.

So với thế giới, tại thời điểm năm 2005, các nước đang phát triển mức sinh vẫn còn khá cao: 2,8 con/phụ nữ; đặc biệt, các nước kém phát triển là 4,7 con/phụ nữ, tức là cao hơn Việt Nam rất nhiều.

GS.Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, nguyên Viện trưởng Viện Dân số & các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: MH

Như vậy, ngày nay phụ nữ Việt Nam chỉ sinh số con chưa bằng 1/3 cách đây nửa thế kỷ. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh sản, một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Với thành tích xuất sắc về KHHGĐ, ngay năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng Giải thưởng Dân số cho Việt Nam.

PV: Việc giảm từ mức sinh trung bình 7 con/cặp vợ chồng xuống chỉ còn sinh 2 con/cặp vợ chồng đã đóng góp như thế nào cho “Việt Nam phát triển bền vững”, thưa Giáo sư?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Việc giảm sinh tác động vô cùng to lớn đến các mặt môi trường, kinh tế, xã hội ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Thứ nhất, là tác động đến tài nguyên và môi trường. Như tôi đã nói, nếu tỷ lệ tăng dân số hàng năm sẽ là 3,8% thì năm nay nước ta sẽ có ít nhất 240 triệu dân. Chúng ta thử hình dung, năm nay nước ta có hơn 200 triệu người thì tài nguyên, môi trường sẽ ra sao? Thật may, nhờ sớm đẩy mạnh KHHGĐ, giảm sinh, Việt Nam đã khống chế được tình trạng “bùng nổ dân số” thường thấy ở các nước đang phát triển.

Người dân huyện Tương Dương tìm hiểu về việc thực hiện chính sách dân số. Ảnh: MH

Do đó, năm 2020, nước ta chỉ có 97,3 triệu người. Trong hoàn cảnh “đất chật, người đông” (hiện nay, mật độ dân số nước ta đã cao hơn thế giới gần 5 lần và gấp hơn 10 lần các nước đã phát triển), thành tựu giảm sinh, khống chế được bùng nổ dân số đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Thứ hai, về kinh tế, ở tầm vĩ mô, mức sinh giảm, dân số dưới 15 tuổi giảm làm cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta thay đổi mạnh mẽ. Năm 1979, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi rất cao, tới 43%; trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) thấp, chỉ có 52%. Năm 2019, các tỷ lệ nói trên, tương ứng là 24% và 68%, hình thành nên cơ cấu “dân số vàng”! Các nhà khoa học tính toán rằng, riêng cơ cấu dân số “vàng” đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân mỗi năm 1,2% trong giai đoạn 2009-2019.

Ở tầm vi mô, mức sinh giảm, quy mô gia đình ngày càng nhỏ. Kết quả điều tra mức sống dân cư từ năm 1992 đến nay đều cho thấy, quy mô gia đình càng nhỏ thì thu nhập và chi tiêu bình quân 1 người/1 tháng càng cao. Điều đó đã thực sự góp phần nâng cao mức sống dân cư và xóa đói, giảm nghèo.

Tận dụng tốt cơ cấu dân số vàng sẽ là động lực cho sự phát triển. Cơ cấu này chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 35 - 45 năm trong lịch sử phát triển của một quốc gia. Ảnh: MH

Về mặt xã hội, mức sinh giảm nên dân số trong độ tuổi học phổ thông giảm. Điều này đã tháo gỡ áp lực dân số lên ngành Giáo dục, làm giảm mạnh nhiều chỉ báo, như: Số học sinh/một trường, số lớp/một trường, tỷ số học sinh/giáo viên... tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao học vấn là cơ sở vững chắc để phụ nữ nâng cao năng lực, vị thế, thực hiện bình đẳng giới.

Ngoài những tác động nói trên, số liệu thực tế cho thấy mức sinh giảm tác động tích cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, như: Làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em, nâng cao tuổi thọ người dân... và tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của đất nước.

PV: Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói về khái niệm “dân số vàng”. Xin Giáo sư giải thích rõ hơn khái niệm này. Để tận dụng hiệu quả lợi thế “dân số vàng”, chúng ta cần phải có giải pháp gì?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Ở góc độ kinh tế, người ta chia dân số ra làm 3 nhóm: (1) Nhóm trẻ em - những người dưới 15 tuổi, (2) Nhóm dân số có khả năng lao động (những người từ 15 đến 64 tuổi) và (3) Nhóm cao tuổi (những người từ 65 tuổi trở lên).

Sự phát triển kinh tế của đất nước phụ thuộc chặt chẽ vào nhóm: “Dân số có khả năng lao động”. Khi nhóm dân số (15-64 tuổi) chiếm ít nhất 66% tổng dân số, nghĩa là cứ 2 người có khả năng lao động mới có 01 trẻ em hoặc người cao tuổi thì người ta gọi là “cơ cấu dân số vàng”. Cơ cấu này rất hiếm gặp. Nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 35 - 45 năm trong lịch sử phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, nó quý và hiếm như “vàng”. Việt Nam đã bước vào giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” từ năm 2006; dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài khoảng 40 năm.

Nhiều nước có sự phát triển kinh tế thần kỳ trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Các nhà khoa học tính toán rằng, riêng cơ cấu dân số “vàng” đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân mỗi năm 1,2% trong giai đoạn 2009-2019.

Tư vấn về việc thực hiện các biện pháp tránh thai cho người dân xã Môn Sơn - Con Cuông. Ảnh: MH

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, “cơ cấu dân số vàng” mới chỉ là “tỷ lệ dân số trong độ tuổi hoạt động kinh tế” cao, và “số người trong độ tuổi hoạt động kinh tế” lớn mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã trực tiếp có ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Để tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng” còn phải trả lời những câu hỏi sau: Bao nhiêu phần trăm những người trong “độ tuổi hoạt động kinh tế” có khả năng làm việc? Bao nhiêu phần trăm những người “có khả năng làm việc” có việc làm? Bao nhiêu phần trăm “những người có việc làm” làm việc với năng suất, thu nhập cao?

PV: Trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế thì Nghệ An vẫn còn là một tỉnh có mức sinh cao, đứng thứ 2 cả nước. Nhìn trên bình diện chung, sự “đi sau” này của Nghệ An sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác dân số của tỉnh nhà?

GS. Nguyễn Đình Cử: Năm 2005, tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình có 2 con”. Trong khi đó, đến năm 2019, bình quân mỗi phụ nữ trong tuổi sinh đẻ của Nghệ An vẫn ở mức 2,75 con/phụ nữ (cao thứ hai so với các tỉnh trong toàn quốc, chỉ sau tỉnh Hà Tĩnh với 2,8 con/phụ nữ). Theo kinh nghiệm của cả nước, để giảm từ mức sinh 2,7 con/phụ nữ xuống 2,1 con/phụ nữ như mục tiêu đề ra, Việt Nam cần khoảng 10 năm (từ năm 1996 đến 2005). Như vậy, dù có đẩy mạnh KHHGĐ thì Nghệ An ít nhất cũng phải 5 năm nữa mới đạt mục tiêu về mức sinh.

Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình là một trong 2 nhiệm vụ của ngành dân số Nghệ An. Ảnh: MH

Cần nhấn mạnh rằng, phải sau 12 năm (2005 - 2017) từ khi cả nước đạt mục tiêu mức sinh thấp (bình quân 2,1 con/phụ nữ), Nghị quyết số 21/ NQ -TW mới chính thức đề ra chủ trương “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Tuy cùng thực hiện chủ trương này nhưng nếu mục tiêu của cả nước là “duy trì vững chắc mức sinh thay thế” thì Nghệ An lại phải là: Tiếp tục đẩy mạnh KHHGĐ để sớm đạt được mức sinh thay thế.

Bên cạnh đó, Nghệ An vẫn cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần đưa tỉnh ta phát triển nhanh, bền vững. Điều này cho thấy khó khăn bội phần của công tác dân số của Nghệ An so với cả nước.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-dang-tan-dung-hieu-qua-co-cau-dan-so-vang-299853.html