Nghệ An: Dân 'tố' một công ty sữa thải phân bò trực tiếp ra môi trường

Thời gian qua, nhiều người dân sống tại xóm Yên Khang, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An liên tục phản ánh với PV tình trạng phân bò được cho là của một công ty sữa thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Clip ô tô chở nước thải trực tiếp xả ra sông được PV trực tiếp ghi lại

Xả nước thải trực tiếp ra môi trường

Xe trở phân thải đổ trực tiếp vào bể lộ thiên thô sơ

Xe trở phân thải đổ trực tiếp vào bể lộ thiên thô sơ

Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, PV đã theo những chiếc xe chở thải từ Trang trại bò sữa của công ty sữa, đến nơi được cho là 3 bể chứa chất thải của doanh nghiệp này thuộc địa phận xóm Yên Khang, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn để tìm hiểu và xác minh.

Vào ngày 2/7/2019 tại địa phận xóm Yên Khang, xe ô tô chở phân mang BKS 29C-38001 đã tiến vào đổ một số lượng phân rất lớn (phân bò tươi) trực tiếp xuống hố.

Diện tích bể thu gom phân lộ thiên rất lớn và mùi hôi thối nồng nặc

Tiến lại gần, PV bất ngờ vì 2 trong 3 bể chứa này có một lượng phân thô thải ra rất lớn, mùi hôi thối trở nên tràn ngập khiến chúng tôi phải bịt khẩu trang. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những bể chứa này được xếp thứ tự, hai bể lọc và 1 bể chứa để bơm ra môi trường, nhưng 3 bể chứa này có kết cấu thô sơ, không có hệ thống lọc và được thông nhau trực tiếp.

Máy bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường

Chưa dừng lại ở đó, trên 3 bể chứa chất thải này có 2 máy bơm công suất lớn hoạt động hằng ngày, mỗi máy bơm có một ống dẫn dài hàng trăm mét, được nhân viên ở đây cho là dùng để tưới cây. Nhưng thực tế, theo quan sát của PV, thì chất thải được bơm trực tiếp xuống đất tạo ra nhiều vũng nước đọng lại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao.

Trong quá trình PV mục sở thị vườn cây quanh đó, chúng tôi nhận thấy rằng, những vòi bơm phân từ bể lên để thải trực tiếp ra đất. Phải chăng, tưới cây chỉ là cái cớ để xả thải, nếu lượng phân từ bể chứa dùng để tưới cây thì sẽ không có chuyện tạo ra nhiều hố voi phân tồn đọng lại trên đất. Bên cạnh đó, trên thực tế chỉ có 2 nhân viên canh máy bơm, nên việc di chuyển vòi tưới hết diện tích lớn cây quanh khu vực bãi chứa chất thải này không hề đơn giản.

Dân kêu khổ vì mùi “hôi thối”

Đáng lo ngại hơn, hàng ngày có một lượng chất thải khá lớn không qua một hệ thống xử lý ban đầu, xả trực tiếp ra môi trường. Như vậy thì hệ lụy cho môi trường, nguồn nước mà các hộ dân sống gần đó sẽ cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe là điều khó tránh khỏi.

Các “hố voi” đọng nước thải gây ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Văn L,. một người dân sống gần đó phản ánh với PV: “Nhà tôi cách không xa bể chứa thải của Trang trại nuôi bò sữa của công ty sữa, nên hàng ngày phải ngửi mùi hôi thối từ phân bò trong các hố xử lý chất thải thô của công ty này Mùi thối dẫn đến ruồi nhặng, muỗi nhiều vô kể, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sức khỏe của gia đình tôi. Nghiêm trọng hơn, với khí hậu khắc nghiệt như vùng này, nắng nóng và gió Lào thì mùi hôi thối càng nặng mùi hơn”.

Được biết, theo quy định, trước khi thải chất thải ra môi trường, chất thải phải qua một quy trình lọc rất cẩn thận. Nước thải thu gom từ các nhà máy được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và chứa vào các bể chứa. Sau đó, bể chứa được cấp khí ở đáy bể nhằm đảo trộn đồng đều các chất ô nhiễm trong nước thải và oxy hóa một phần các chất ô nhiễm dễ bị oxy hóa.

Tiếp theo, chất thải từ bể chứa được bơm lên bể xử lý hóa lý. Nước trong sẽ tiếp tục được xử lý theo quy trình trên 2 cấp nữa trước khi chuyển sang công đoạn xử lý sinh học. Bùn thải từ bể chứa bùn hóa lý được đưa sang máy ép bùn, bùn khô từ máy ép bùn được đưa vào lò đốt chất thải nguy hại của nhà máy. Tro xỉ sau đốt được ổn định hóa rắn. Nước thải sau khi xử lý sinh học được lọc áp lực để loại bỏ các thành phần cặn lơ lửng trong nước, sau đó được khử trùng nước sau xử lý đạt QCVN có thể thải vào nguồn tiếp nhận.

Vậy đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Điều 37, Nghị định số 38/2015/NĐ – CP ngày 24/4/2015 quy định vềThu gom, xử lý nước thải” như sau:

1. Các khu công nghiệp phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm đủ công suất xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh của các cơ sở trong khu công nghiệp và phải được xây dựng, vận hành trước khi các cơ sở trong khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp gần nhau có thể kết hợp sử dụng chung hệ thống xử lý nước thải tập trung.

2. Các khu đô thị, khu dân cư tập trung, tòa nhà cao tầng, tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo quy hoạch và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống thu gom nước mưa và thu gom, xử lý nước thải theo các hình thức sau:

a) Tự xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của cơ sở đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường;

b) Bảo đảm yêu cầu nước thải đầu vào trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp hoặc làng nghề theo quy định của chủ sở hữu hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp hoặc làng nghề;

c) Chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý bên ngoài cơ sở phát sinh theo quy định: Đối với nước thải nguy hại thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này; đối với nước thải không nguy hại thì chỉ được phép chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.

Công Thiện-Đặng An

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nghe-an-dan-to-th-true-milk-thai-phan-bo-truc-tiep-ra-moi-truong-62209.htm