Nghệ An: Công bố quy hoạch hệ thống di tích

Sáng 05/6, tại TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Nghệ An xưa nay vốn nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 2.602 di tích đã được kiểm kê, bao gồm 413 di tích đã xếp hạng, gồm 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên; Địa điểm mốc số 0 – Đường chiến lược Hồ Chí Minh; Khu lưu niệm Phan Bội Châu; đình Hoàng Sơn), 135 di tích cấp quốc gia, và 274 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng có 960 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục kiểm kê và nhận diện, 3 danh mục được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, dân ca ví giặm đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Ký kết bàn giao di tích cho UBND các huyện, thành thị trên địa bàn

Khối lượng di tích – danh thắng phong phú đó là nguồn tài nguyên quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng cho nhân dân.

Những năm qua, Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, với mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và giành được khá nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy vậy, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn chưa được triển khai một cách căn cơ, chiến lược, vẫn chưa bảo tồn một cách thực sự khoa học, đạt được các chuẩn mực quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, chưa khai thác được một cách đầy đủ giá trị của di sản văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội.

Nhận thức sâu sắc tiềm năng, giá trị và tầm quan trọng của di sản văn hóa, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành văn hóa tiến hành lập đồ án quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đồng chí Lê Minh Thông – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại lễ công bố quy hoạch

Theo đó, quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trở thành yếu tố cốt lõi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nhân văn của địa phương; thiết lập các giải pháp tổng hợp hướng tới bảo tồn tích cực các di tích theo chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện các cấu trúc không gian, chức năng phụ trợ, hạ tầng cho từng di tích gắn với chương trình hoạt động, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị di tích; đề xuất các giải pháp thực thi, cơ chế chính sách tương ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích một cách bền vững; chuyển hóa các khu vực di tích, di sản vật thể, danh lam thắng cảnh cùng di sản phi vật thể gắn kết với cộng đồng dân cư, trở thành động lực phát triển kinh tế di sản và du lịch. Lộ trình thực thi sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn.

Sau buổi công bố, các đại biểu đã được tham quan triển lãm đồ án quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An bằng hình ảnh cụ thể, sinh động.

Đình Tiệp

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/nghe-an-cong-bo-quy-hoach-he-thong-di-tich-1254258.html