Nghệ An có hơn 950 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật

Hiện tỉnh đã điều tra, khảo sát 240 điểm, lũy kế đến năm 2019 đã và đang xử lý 62 điểm. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiếp tục rà soát 714 điểm còn lại, có phương án xử lý những điểm có thông số vượt mức cho phép. Được biết, để xử lý mỗi điểm tồn dư thuốc BVTV cần nguồn kinh phí lớn, khoảng 7- 8 tỷ đồng.

Tại phiên họp chuyên đề tháng 11/2019 của UBND tỉnh diễn ra sáng 12/11, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình bày Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019, nhiệm vụ năm 2020 và nhận được nhiều ý kiến quan tâm từ các đại biểu dự họp.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra điều kiện kinh doanh thuốc BVTV tại Diễn Châu. Ảnh minh họa: Phú Hương

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra điều kiện kinh doanh thuốc BVTV tại Diễn Châu. Ảnh minh họa: Phú Hương

11 loại hình đặc trưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 11 loại hình đặc trưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bao gồm: Các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); khu công nghiệp (KCN); cụm công nghiệp (CCN); chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH); làng nghề; các dự án khai thác khoáng sản; các nhà máy thủy điện; các trang trại chăn nuôi tập trung; các cơ sở chế biến nông, lâm sản; các cơ sở chế biến thủy, hải sản và bệnh viện.

Trong đó đáng lưu ý là trên địa bàn tỉnh có 954 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, hiện đã điều tra khảo sát xong 240 điểm, đang điều tra 714 điểm. Lũy kế đến năm 2019 đã và đang xử lý cho 62 điểm, trong đó 25 điểm đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao hoàn trả mặt bằng cho địa phương, 18 điểm đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 19 điểm đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên tắc là phải điều tra, đánh giá sơ bộ, nếu điểm nào thông số vượt chuẩn thì mới xử lý. Các điểm chưa vượt ngưỡng cho phép thì không xử lý ngay mà có giải pháp cảnh báo và bảo vệ. Cũng theo ngành này, để xử lý triệt để mỗi điểm tồn dư thuốc BVTV cần khoảng 7-8 tỷ đồng, trong đó Chính phủ hỗ trợ 50% kinh phí xử lý, còn lại 50% là từ ngân sách của tỉnh.

Làm rõ thêm nguồn phát thải từ các bệnh viện, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có 50 cơ sở bệnh viện công lập và bệnh viện tư phát thải chất thải y tế. Một số bệnh viện đầu tư xây dựng lò đốt và khu xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên, thực tế là lò đốt hoạt động không hiệu quả, khu xử lý nước thải khi kiểm tra đồng hồ phát hiện hoạt động không đáng kể, nhiều bệnh viện xả thải ra ngoài... Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm và có giải pháp quản lý tập trung, vì loại hình này gây ô nhiễm rất cao.

Với việc giải quyết chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, theo thông tin, toàn tỉnh quy hoạch 20 điểm xử lý chất thải sinh hoạt, theo hình thức chôn lấp và đốt. “Cần xem lại cách xử lý rác thải bằng hình thức đốt. Còn chôn lấp thì như ở Bình Dương, người ta đầu tư lớn, bài bản, sau khi chôn tận dụng lượng khí sinh ra để sản xuất điện... Kèm theo đó là phải xây dựng hệ thống xử lý nước từ rác để đảm bảo tiêu chuẩn khi thải ra...”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý lưu ý quan tâm đến các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thu Giang

Hạn chế gây ô nhiễm môi trường

Nhấn mạnh môi trường là vấn đề hết sức nóng, thời sự, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống dân sinh, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý những vấn đề liên quan đến ô nhiễm trực diện. Đồng chí khẳng định, 11 nguồn nguy hại đã thống kê là rất đáng lo ngại, và cần chú ý theo dõi, nguồn ô nhiễm phát sinh tại đâu thì phải giải quyết ở đó để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo chính quyền tỉnh Nghệ An đặc biệt lưu ý đối với nguồn tồn dư thuốc BVTV, ngành tài nguyên và môi trường cần phải tiếp tục tích cực khảo sát các điểm tồn dư, đánh giá 714 điểm còn lại, để xem đâu là điểm đặc biệt nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe người dân, gây bệnh ung thư... để có phương án tập trung giải quyết ngay.

Riêng với các KCN, CCN, đồng chí đặt câu hỏi vì sao đến nay mới chỉ 3/7 KCN và 8/22 CCN có dây chuyền xử lý nước thải, yêu cầu các đơn vị hữu quan khẩn trương quan tâm, lên kế hoạch và xây dựng lộ trình cụ thể, đầu tư kịp thời để thu hút doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm và đảm bảo môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát, kiểm tra quy trình vận hành và xử lý rác thải của Nhà máy xử lý chất thải rắn Hoàng Mai thuộc Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam hồi tháng 5/2019. Ảnh tư liệu: Đào Tuấn

Dẫn chứng Nam Định, đơn vị vừa đăng cai Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc, hiện đã có cách làm hay nhằm phân loại rác từ nguồn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành của Nghệ An học hỏi, tiếp thu.

“Tôi đã đi xem tận mắt mô hình ở Nam Định, mỗi hộ dân đều bố trí sẵn 2 thùng rác, 1 thùng chứa rác thải hữu cơ, thùng kia chứa chất thải rắn. Họ làm đồng bộ, rộng khắp cả tỉnh, rất bài bản. Chúng ta phải học tập, phải đặt câu hỏi tại sao họ làm được mà tỉnh mình không làm được? Phân loại rác xong rất thuận lợi cho quá trình xử lý rác thải của các nhà máy sau này”, đồng chí Thái Thanh Quý phát biểu.

Riêng với ngành Y tế, lãnh đạo tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế quan tâm thu hút, kêu gọi nguồn lực để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải ở các bệnh viện hiện còn thiếu, đơn cử là bệnh viện trên địa bàn huyện Đô Lương và Tân Kỳ, tránh gây ô nhiễm ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân.

Thu Giang

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-co-hon-950-diem-ton-luu-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat-257209.html