Nghệ An có gần 2.100 doanh nghiệp thuộc ngành, nghề nguy cơ cao về tai nạn lao động

Nghệ An hiện có hơn 42.000 lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy vậy, việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm.

Sáng 12/4, đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị Đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu, chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu, chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Trên địa bàn toàn tỉnh có gần 2.100 doanh nghiệp làm ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).

Năm 2018, mặc dù công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được ngành lao động và các ban ngành quan tâm nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính bởi số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tương đối lớn nhưng chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo về công tác An toàn vệ sinh lao động. Ảnh: Mỹ Hà

Việc chấp hành các quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp chưa tốt; nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế, chưa có kỹ năng ATVSLĐ.

Thống kê trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ tai nạn lao động làm 31 người bị nạn. Ngoài ra, toàn tỉnh xảy ra 98 vụ cháy, nổ trong sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.

Qua kiểm tra, đoàn thanh tra liên ngành cũng đã phát hiện 43 đơn vị vi phạm trong công tác ATVSLĐ.

Nghề may tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động. Ảnh: Mỹ Hà

Từ thực tế này, tại buổi họp, đại diện của các ban, ngành cũng có nhiều ý kiến để chỉ ra tồn tại, khó khăn.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu thời gian tới các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp và chủ lao động nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm để thấy được hiệu ứng của công tác thanh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, các ban ngành cần quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm rủi ro cho người lao động.

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-co-gan-2100-doanh-nghiep-thuoc-nganh-nghe-nguy-co-cao-ve-tai-nan-lao-dong-239826.html