Nghệ An: Chưa đầy 22% phụ nữ mang thai thực hiện siêu âm tầm soát trước sinh

Kết quả thực hiện chỉ tiêu tầm soát trước sinh và sơ sinh từ năm 2011 đến nay tại tỉnh Nghệ An: Vận động được hơn 73.500 phụ nữ mang thai thực hiện siêu âm tầm soát trước sinh, đạt tỉ lệ 21,7%; phát hiện 218 ca nghi ngờ dị tật bào thai.

Là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, Nghệ An có diện tích rộng lớn nhất so với các tỉnh trong cả nước (16.498km2) với 21 huyện, thành, thị và 480 xã, phường, thị trấn và dân số hơn 3,1 triệu người (đứng thứ 4 trong cả nước).

Trong những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, để thực hiện thành công Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, góp phần giảm số lượng trẻ kém phát triển về trí tuệ và thể lực do hậu quả của các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, qua đó giảm thiểu số người tàn tật, giảm gánh nặng về chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số, xây dựng nguồn nhân lực, từ năm 2011, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện Mô hình tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại 21 huyện, thành, thị...

Mục tiêu đặt ra: Nâng cao nhận thức về tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh triển khai Đề án; đào tạo kỹ năng tuyên truyền tư vấn về tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho cán bộ Y tế, dân số các cấp; Cung cấp thông tin cho các bà mẹ có thai về tầm soát trước sinh và sơ sinh; xây dựng và duy trì hoạt động mạng lưới tầm soát trước sinh đến tuyến huyện và tầm soát sơ sinh đến tuyến xã...

Các bà mẹ có thai được tuyên tuyền và chủ động tham gia hoạt động tầm soát trước sinh tại Bệnh viện Sản Nhi TP Vinh (tháng 9/2018)

Đề án bắt đầu được triển khai thực hiện năm 2011 tại 5 huyện, thị và 30 xã, phường, thị trấn; đến năm 2018 đã được triển thực hiện tại 21 huyện, thành, thị và 480/480 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với các hoạt động: Hàng năm Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm đồng thời giao chỉ tiêu thực hiện tầm soát trước sinh, sơ sinh cho các huyện, thành, thị; In ấn và cung cấp sổ theo dõi và quản lý các đối tượng được tầm soát trước sinh và sơ sinh cung cấp cho các đơn vị thực hiện đề án…

Về hoạt động tuyên truyền trên Đài PT-TH tỉnh, huyện và Đài phát thanh tuyến xã; Tổ chức các cuộc truyền thông nói chuyện chuyên đề cho nhân dân và tư vấn cho phụ nữ mang thai, tại cộng đồng; Cung cấp tờ rơi, tờ gấp cho các đối tượng...; Phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thị mở các lớp đào tạo mới lại và đào tạo lại kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân cho cán bộ y tế tham gia đề án; Các lớp tập huấn kỹ năng truyền thông cho cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động, tư vấn, quản lý đối tượng tham gia tầm soát trước sinh và sơ sinh các tuyến; Cử cán bộ là Bác sỹ thuộc Chi cục Dân số/KHHGĐ, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, Trung tâm tư vấn dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tỉnh tham gia các lớp đào tạo siêu âm sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương khi có chỉ tiêu…

Lãnh đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Nghệ An đang trao đổi chuyên môn, cung cấp thông tin về tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh (tháng 9/2018)

Công tác kiểm tra, giám sát được tỉnh quan tâm và đưa vào kế hoạch hoạt động từng năm. Hàng năm, Chi cục Dân số -KHHGĐ tỉnh phối hợp các đơn vị Y tế, Trung tâm chẩn đoán trước sinh, sơ sinh tại Nghệ An tổ chức các cuộc Hội thảo trao đổi chuyên môn, cung cấp thông tin về tầm soát trước sinh, sơ sinh cho cán bộ Dân số, Y tế các cấp….

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thương Huyền (đứng) - Trưởng phòng KHHGĐ, Chi Cục dân số tỉnh Nghệ An, cho biết: “Hoạt động tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn"

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thương Huyền: "Hiện ở Nghệ An, kỹ thuật thực hiện tầm soát trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm hình thái thai nhi, xét nghiệm máu mẹ, sinh thiết gai rau, xét nghiệm nước ối mới chỉ thực hiện ở một số bệnh viện tuyến tỉnh, độ chính xác còn hạn chế…; Chưa có nhiều điều kiện để triển khai chương trình đối với các đơn vị xa thành phố; Việc quản lý đối tượng sau khi được chuyển tuyến còn gặp nhiều khó khăn (do không có sự phản hồi từ các đơn vị y tế tuyến trên), nên ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán tầm soát trước sinh và theo dõi quản lý bệnh nhân…".

Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động tầm soát, chẩn đoán, và điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh ở Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Bá Tân Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi Cục dân số - KHHGĐ tỉnh Nghệ An - đề xuất: “Trong thời gian tới, Tổng cục Dân số/KHHGĐ cần sự tham mưu đề xuất Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo hướng dẫn hệ thống Bệnh viện, Trung tâm Y tế phối hợp thực hiện việc siêu âm tầm soát, chẩn đoán trước sinh, lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sàng lọc sơ sinh và đề nghị quy định kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân tầm soát sơ sinh là xét nghiệm thường quy và giao chỉ tiêu cho các cơ sở Y tế; Đề xuất Bộ Y tế có chủ trương để việc tầm soát trước sinh, sơ sinh và điều trị các bệnh trong tầm soát sơ sinh được bảo hiểm Y tế chi trả; Đề nghị Tổng cục Dân số/KHHGĐ cấp phát vật tư tiêu hao và mẫu máu cho tỉnh sớm ngay từ đầu năm để các đơn vị đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lấy mẫu máu gót chân.

Ngoài ra, Nghệ An là tỉnh nghèo, dân số đông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện xã hội hóa tầm soát trước sinh và sơ sinh còn khó thực hiện; đề nghị Trung ương xem xét để giao chỉ tiêu tầm soát trước sinh, sơ sinh hàng năm phù hợp cho tỉnh”.

T.Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/nghe-an-chua-day-22-phu-nu-mang-thai-thuc-hien-sieu-am-tam-soat-truoc-sinh-post48469.html