Nghệ An chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Việc phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã được lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng các địa phương chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, thực hiện chủ trương này vẫn còn những bất cập, hạn chế mà tỉnh cần chú ý quan tâm trong thời gian tới.

Lớp bồi dưỡng về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ phụ nữ thôn bản người dân tộc Thái ở huyện Anh Sơn.

Lớp bồi dưỡng về dân số - kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ phụ nữ thôn bản người dân tộc Thái ở huyện Anh Sơn.

Những kết quả bước đầu

Thực hiện chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác dân tộc, trong đó có chính sách phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều năm qua, Nghệ An đã chú trọng, ưu tiên phát triển đội ngũ này về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Ðến nay, đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã miền núi đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định về cả trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Không ít cán bộ, công chức viên chức (CBCCVC) cấp huyện, cấp xã đã có trình độ chuyên môn thạc sĩ, có đồng chí đã có trình độ tiến sĩ kinh tế và trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.

Huyện rẻo cao biên giới thuộc diện 30a Kỳ Sơn nằm phía tây của Nghệ An có hơn 95% bà con DTTS sinh sống, trong đó dân tộc Khơ Mú chiếm 36,3%, dân tộc Mông 33,4%, dân tộc Thái 26,1%… Ðây cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ DTTS của tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy rất chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ người DTTS hợp lý và hài hòa, tránh tình trạng cục bộ địa phương, dòng họ... Cơ cấu nhân sự từ BTV, Ban Chấp hành (BCH) Huyện ủy, HÐND huyện đến các phòng, ban cấp huyện đều có đủ các thành phần DTTS và thường chiếm từ 60 đến 80%. BCH Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020 có 28 trong số 38 người DTTS (gồm 14 người Thái, tám người Mông và sáu người Khơ Mú); Thường trực Huyện ủy và Trưởng ban Tổ chức gồm đủ thành phần người Thái, người Mông, người Khơ Mú và người Kinh (cán bộ luân chuyển của tỉnh)… Ở cấp xã có hơn 90% cán bộ, công chức xã là người DTTS; trong đó, phần lớn cán bộ chủ chốt là người DTTS.

Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Xã Thị Xí cho biết: Hằng năm, căn cứ vào số lượng biên chế được giao, yêu cầu vị trí việc làm, tỷ lệ nam, nữ và các thành phần dân tộc hiện có, Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu cho Thường trực Huyện ủy đăng ký nhu cầu về số lượng, điều kiện, tiêu chuẩn về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để tuyển dụng cán bộ hợp lý. Chủ động phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ công tác, kiến thức quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng… Từ năm 2015 đến nay, Kỳ Sơn đã chọn, cử 10 trong số 18 đồng chí người DTTS tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 148 trong số 247 cán bộ người DTTS học trung cấp lý luận chính trị. Ngoài ra, huyện cũng phối hợp mở nhiều lớp đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành: Luật, kinh tế nông nghiệp, tài chính - kế toán, sư phạm cho hơn 800 cán bộ, chủ yếu cấp xã và người DTTS. Sau quá trình học tập, bồi dưỡng kiến thức, lớp cán bộ này đều tốt nghiệp và trở về địa phương công tác với trình độ chuyên môn vững vàng. Trong số 74 người là DTTS là CBCCVC cấp huyện thì có 58 người có trình độ cử nhân và thạc sĩ.

Ðể có đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu công việc như hiện nay, Thường trực Huyện ủy, BTV Huyện ủy xác định rõ, trong quá trình công tác, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị các cấp phải tin tưởng giao nhiệm vụ cho họ. Thường xuyên kèm cặp, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và góp ý để cán bộ tiếp thu, phát huy những mặt ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập... Những điều này đã góp phần thuận lợi cho Kỳ Sơn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại vùng đồng bào DTTS, nhất là việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như vận động nhân dân làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ trồng cây thuốc phiện.

Cùng với Kỳ Sơn, tại một số huyện miền núi như Quế Phong, Con Cuông… tỷ lệ người DTTS đều chiếm tỷ lệ khá cao trong BTV, BCH, HÐND hay CBCCVC cấp huyện. Tại huyện Quế Phong, số người Khơ Mú và dân tộc khác chỉ chiếm 3,5% dân số nhưng vẫn được ưu tiên năm CBCCVC cấp huyện; trong đó, một cán bộ ủy viên BTV Huyện ủy, một cán bộ người dân tộc Khơ Mú được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại xã biên giới Tri Lễ
(Quế Phong), nơi có số đông người Mông sinh sống, Bí thư Ðảng ủy xã Tri Lễ Lô Văn Ðiệp cho biết: "Dân số của xã có hơn 10 nghìn người, trong đó hơn một nửa là người Thái, hơn 1/3 người Mông và số ít còn lại là người Khơ Mú. Xã quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ hài hòa với đầy đủ thành phần các DTTS".

Cán bộ xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (là người dân tộc thiểu số) vận động người dân bản Xốp Mạt bài trừ tệ nạn ma túy.

Tìm nguồn để phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở

Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất nước, trong đó miền núi chiếm 83%. Dân số có hơn 3,1 triệu người, trong đó ở miền núi có 1,22 triệu người (chiếm 41%). Riêng đồng bào DTTS phân bố ở 11 huyện miền núi có 466 nghìn người, với năm dân tộc sinh sống gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Ðu... (chiếm 15,3% dân số cả tỉnh). Ðội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS ở cấp tỉnh và cấp huyện hiện có 246 người, chiếm 0,33% tổng số CBCCVC toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức tới việc phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS. Bên cạnh lý do khách quan do trình độ đội ngũ cán bộ người DTTS còn hạn chế thì một số địa phương chưa biết cách phát huy khả năng, sở trường của cán bộ trong quá trình giao việc cho người DTTS, dẫn đến tình trạng đội ngũ CBCCVC người DTTS dần thưa vắng.

Huyện Nghĩa Ðàn có hơn 30% người DTTS nhưng trong số 11 ủy viên BTV Huyện ủy không có người DTTS. Ðội ngũ CBCCVC cấp huyện và BCH Huyện ủy là người DTTS chỉ chiếm lần lượt gần 8,7 và 10,8%... Huyện vùng cao Tương Dương có 90% số dân là người DTTS, trong đó dân tộc Khơ Mú và dân tộc Mông chiếm gần 20%, nhưng trong số 129 CBCCVC cấp huyện chỉ có một người Mông, hai người Khơ Mú công tác ở hội đoàn thể…

Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Ban Bí thư về một số công tác ở vùng đồng bào Mông, trừ số cán bộ người Mông ở huyện Kỳ Sơn, thì trong số CBCCVC cấp huyện ở Tương Dương và Quế Phong chỉ có một người Mông, dù tại các địa phương này, số người Mông chiếm gần 5% số dân. Xã Yên Na, huyện Tương Dương có 65% dân tộc Thái và 34% dân tộc Khơ Mú, nhưng chỉ có ba trong số 45 cán bộ, công chức và bán chuyên trách của xã là người Khơ Mú được sắp xếp bố trí ở khối mặt trận, đoàn thể.

Ở cấp tỉnh, các nhiệm kỳ trước đều có cán bộ người DTTS giữ chức vụ trong BTV Tỉnh ủy thì nhiệm kỳ này "vắng bóng". Số lượng ủy viên BCH Tỉnh ủy cũng như CBCCVC ở các sở, ban, ngành, MTTQ, khối đoàn thể là người DTTS giảm dần so với các nhiệm kỳ trước. Theo báo cáo làm việc của tỉnh Nghệ An với Ðoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo T.Ư về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào Mông, cho thấy: Nhiệm kỳ 2015-2020, hiện có bảy ủy viên BCH Tỉnh ủy là người DTTS (chiếm 9,85%), so với nhiệm kỳ trước là 13,8%, giảm hai BCH, một BTV Tỉnh ủy. CBCCVC công tác ở khối Ðảng, MTTQ và các đoàn thể chỉ chiếm 2,8%; khối chính quyền chiếm 4,6%; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ năm 2010 đến nay chỉ có sáu trong số 172 người DTTS, chiếm 3,5%... Ðây là những con số khá thấp so với con số hơn 15% dân số là người DTTS ở những vùng biên giới khó khăn, trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Thời gian qua, một số địa phương đã quan tâm tới các sinh viên người DTTS học lực giỏi để sau khi tốt nghiệp, mời họ về quê hương công tác. Ðó là trường hợp cô Xeo Thị Phon, dân tộc Khơ Mú, ở Huyện đoàn Tương Dương, vốn là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở Trường đại học Vinh. Tuy nhiên, việc tìm nguồn để phát triển cán bộ DTTS hiện nay tại Nghệ An còn khó khăn. Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, cùng với nguồn từ các lĩnh vực khác thì nguồn cán bộ người DTTS có thể tuyển chọn từ các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang: Công an, Quân đội, các ngành giáo dục, y tế...

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Phúc Hợp cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác tuyển dụng, tiếp nhận và bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển CBCCVC là người DTTS để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý cho Nghệ An. Tỉnh sẽ thực hiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, để sử dụng cán bộ người DTTS một cách hợp lý nhất.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/40864802-nghe-an-chu-trong-phat-trien-doi-ngu-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so.html