Nghệ An: Báo động tình trạng trẻ em đuối nước

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, tai nạn đuối nước ở Việt Nam xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung nhiều nhất vào trẻ em. Ở Nghệ An, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ đuối nước, nạn nhân phần lớn là học sinh.

Liên tiếp những vụ việc thương tâm

Trong những đợt nắng nóng đầu mùa năm nay, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã diễn ra trên địa bàn tỉnh. Trong 2 ngày (18 và 19/5) có 2 vụ đuối nước trên sông khiến 1 em học sinh lớp 4 ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), 1 nam thanh niên ở xã Đại Sơn (Đô Lương) tử vong. Ngày 28, 29/5 đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 1 học sinh lớp 12 ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu), 1 học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nam Thanh (Nam Đàn), 1 học sinh lớp 9 ở xã Thanh Đồng (Thanh Chương) tử vong. Đặc biệt ngày 23/5 có 3 em nhỏ bị đuối nước: hai chị em ruột (9 - 11 tuổi) trong 1 gia đình ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) sau khi đi học về đã rủ nhau xuống ao tắm và bị đuối nước, tử vong trong ao nhà bà nội, 1 em nhỏ ở phường Cửa Nam (TP. Vinh) được người dân phát hiện nổi trên hồ.

Mới đây, trong 2 ngày 5 - 6/6, có 3 vụ đuối nước khiến 1 em học sinh (11 tuổi) ở xã Nhân Sơn (Đô Lương), 2 em học sinh lớp 2 ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), 1 em học sinh lớp 10 ở TX. Thái Hòa tử vong...

Nắng nóng, người dân đổ xô ra các hồ đập, sông, suối để tắm. Ảnh tư liệu

Nắng nóng, người dân đổ xô ra các hồ đập, sông, suối để tắm. Ảnh tư liệu

Nguyên nhân đuối nước xuất phát từ nhiều phía. Trước hết là do các em không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ. Sau nữa là do môi trường sống nhiều hiểm họa rình rập, do sự bất cẩn của người lớn, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước... Tuy vậy, trách nhiệm của gia đình, của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng và giám sát con cái để tránh khỏi những tai nạn đuối nước thương tâm vẫn đóng vai trò quan trọng.

Hầu hết những vụ tai nạn đuối nước vừa qua đều ít nhiều liên quan đến việc thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ, đã để con cái tự do vui chơi những nơi nguy hiểm, tiềm ẩn không ít rủi ro. Đa số các em ở nông thôn rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ một cách tự phát, không có sự giám sát của phụ huynh. Sự thiếu cẩn thận trong khi vui chơi, hoặc phụ giúp gia đình khi ra đồng, sông, suối mò cua, bắt cá... cũng như không được nhắc nhở, dặn dò, khiến các em chủ quan, sa sẩy dẫn đến những vụ việc thương tâm.

Học sinh nông thôn rủ nhau đi tắm sông, hồ một cách tự phát, không có sự giám sát của phụ huynh. Ảnh: Huy Thư

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, tính từ đầu năm đến ngày 7/6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ đuối nước làm 18 trẻ bị thiệt mạng. Phần lớn những vụ đuối nước này xảy ra vào tháng 5. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu tính những nạn nhân chưa đầy 16 tuổi. Còn rất nhiều vụ đuối nước thương tâm khác mà nạn nhân đã là học sinh THPT, trên 16 tuổi không được đưa vào báo cáo này.

Tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm

Dịp nắng nóng này, cầu Mụ Bà trên sông Đào ở xã Đông Sơn (Đô Lương) thu hút khá nhiều người dân xứ Lường về tắm mát, giải nhiệt. Là một địa điểm từng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, đã được chính quyền, đoàn thể địa phương dựng biển cảnh báo, nhưng hàng ngày, mỗi chiều ở đây vẫn có hàng trăm người, đủ già, trẻ đến đây bơi lội, nhảy cầu... Sự việc trên đã tiếp diễn trong nhiều năm qua, đặt ra lo ngại, phải chăng còn thiếu sự phối hợp “tay ba” giữa gia đình - nhà trường và xã hội.

Người lớn và trẻ em kéo nhau đi tắm mát, giải nhiệt ở cầu Mụ Bà trên sông Đào ở xã Đông Sơn (Đô Lương). Ảnh: Huy Thư

Anh Nguyễn Tất Hùng - Phó Chủ tịch Hội LHTN huyện Đô Lương cho biết: “Thời gian qua, để giảm thiểu tình trạng đuối nước, các tổ chức Đoàn, Đội trên toàn huyện đã thực sự vào cuộc. 52 cơ sở Đoàn, 55 Liên đội đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, đồng thời các cơ sở Đoàn khối nông thôn tổ chức cắm biển cảnh báo đuối nước tại khu vực ao, hồ, nơi nước sâu nguy hiểm; đến tận gia đình để tuyên truyền. Một số Đoàn xã đã vận động hàng chục triệu đồng để xây dựng bể bơi nhân tạo, cụ thể có các xã như Bắc Sơn, Nam Sơn... Tuy nhiên, vai trò quan trọng vẫn là yếu tố gia đình, các bậc phụ huynh không được lơ là, mà cần phải theo dõi, quản lý chặt con em mình, có như vậy mới hy vọng giảm bớt được tai nạn đuối nước”.

Từ thực tế cho thấy, trẻ em, học sinh chỉ đến trường học tập trong một thời gian nhất định. Khoảng thời gian này, các em được trường, lớp, thầy, cô giám sát quản lý chặt chẽ. Phần lớn thời gian còn lại, các em về với gia đình, các hoạt động lao động, học tập, vui chơi đều do bố mẹ, ông bà, người lớn giám sát.

Tuy nhiên, mỗi gia đình lại có điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Sự hiểu biết của phụ huynh, cũng như sự dạy dỗ chu đáo của các bậc làm cha, làm mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục nhân cách con trẻ, trong đó có việc phòng, chống đuối nước. Hiện nay, nhiều gia đình ở cả thành thị và nông thôn, do cha mẹ bận bịu mưu sinh “đi suốt ngày” hoặc thiếu hiểu biết, nên không chú ý tới việc nhắc nhở con em khi ra sông, suối, ao, hồ, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Trẻ em chơi trò mạo hiểm trên dòng nước dữ bất chấp biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Huy Thư

Nói về vai trò của gia đình trong việc phòng, chống đuối nước, thầy giáo Nguyễn Đăng Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Khê (Thanh Chương) khẳng định: “Trong việc phòng, chống đuối nước, vai trò của nhà trường là rất quan trọng, còn gia đình là quyết định. Vì nhà trường chủ yếu là tuyên truyền, tập huấn, trang bị cho các em kiến thức, sự hiểu biết, còn gia đình sẽ tiếp tục nhắc nhở, quán triệt, giáo dục thêm kỹ năng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để cho con học bơi, học các kỹ năng khác hay không”.

Có lẽ đây không chỉ là quan niệm cá nhân của thầy Quý mà còn là sự nhìn nhận của cộng động, xã hội đối với vấn đề đuối nước. Với vai trò “quyết định” trong việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em, phải chăng chúng ta cần chú trọng hơn đến vai trò giáo dục của gia đình, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền đối với các bậc làm cha, làm mẹ, để họ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn kiến thức về phòng, chống đuối nước, thông qua đó để tác động đến con em mình. Hy vọng sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội sẽ góp phần đắc lực trong việc giảm thiểu tai nạn đuối nước hiện nay.

Đoàn viên, thanh niên tham gia dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Đức Anh

Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em nói chung, đặc biệt phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè được coi là vấn đề cấp bách cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 247 KH-UBND ngày 13/5 về Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”, trong đó có đầy đủ các nội dung, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; tổ chức ký cam kết giữa chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và cơ quan thường trực ban điều hành công tác trẻ em tỉnh về thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em” với các nội dung, giải pháp phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em; chỉ đạo, đôn đốc các huyện, các địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh bổ ích… trong dịp hè.

Bà Nguyễn Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: “Để hạn chế thấp nhất các vụ đuối nước, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức phòng tránh đuối nước cho mỗi người dân và cộng đồng, đồng thời, thông qua đội ngũ cán bộ cơ sở và giáo viên thể dục - thể thao để hướng dẫn kỹ năng bơi, kỹ năng xử lý tình huống khi có nguy cơ đuối nước và kỹ năng cứu người bị đuối nước”. Ngoài ra, phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát các dịch vụ vui chơi, giải trí liên quan đến môi trường nước”.

Huy Thư

Kỹ thuật: Thành Cường

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-bao-dong-tinh-trang-tre-em-duoi-nuoc-269004.html