Nghệ An 7 năm đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo 117 chợ

Thực hiện Nghị Quyết 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, số chợ trên địa bàn Nghệ An được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo tăng lên hàng năm; từ năm 2011 đến năm 2017 là 117 chợ, tổng số vốn đầu tư xây dựng trên 200 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 405 chợ, trong đó 7 chợ hạng 1,18 chợ hạng 2 còn lại là chợ hạng 3 và các chợ chưa được phân hạng.

Phối cảnh Trung tâm thương mại Tân Kỳ. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 3/2018, với tổng mức đầu tư 177 tỷ đồng.

Từ năm 2004 đến năm 2010, có 85 chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo với tổng vốn đầu tư chợ theo ngân sách hỗ trợ là 91,129 tỉ đồng.

Số chợ nông thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo từ năm 2011 đến năm nay là 117 chợ. Tổng số vốn đầu tư xây dựng chợ trên 200 tỷ đổng, trong đó tổng số vốn hỗ trợ đầu tư theo Quyết định 56/2010/QĐ-UBND là 80,68 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm LIFSAP Nghệ An đã thực hiện nâng cấp và bàn giao đưa vào sử dụng 41 khu bán thực phẩm tươi sống tại 41 chợ trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 86,8 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, mạng lưới chợ tự phát từ lâu đời đã được quy hoạch cụ thể, đầu tư xây dựng có trọng điểm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh và cả nước; thu hút được sự tham gia đầu tư xây dựng chợ của các cấp chính quyền và nhiều thành phần kinh tế trong xã hội.

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chợ; nhiều địa phương, ngành đã tranh thủ được một số chương trình, dự án vào việc xây dựng chợ trên địa bàn (như chương trình 135, xây dựng nông thôn mới,...) tạo được xu thế xã hội hóa đầu tư đối với mọi thành phần kinh tế.

Việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch cụ thể đã tăng cường công tác quản lý và khai thác chợ. Nguồn thu ngân sách qua chợ được tăng theo từng năm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, đảm bảo công tác quy hoạch hạ tầng thương mại nông thôn tạo được chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng miền.

Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo chợ từ ngân sách, huy động vốn động của các thương nhân và các thành phần kinh tế còn hạn chế.

Theo ông Phan Đức Thịnh - Phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh, quy hoạch phát triển chợ đã được duyệt thì giai đoạn 2010 - 2015 cần 688 tỷ đồng, giai đoạn 2015 - 2020 cần 578 tỷ đồng. Thế nhưng, hàng năm ngân sách tỉnh và Trung ương chỉ mới bố trí được khoảng từ 10 -15 tỷ/năm. Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách, huy động của các thương nhân và các thành phần kinh tế còn hạn chế; công tác xã hội hóa đầu tư phát triển chợ tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với xu thế phát triển. Thực tế chỉ những chợ có lợi thế thương mại mới được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư./.

Đinh Nguyệt

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-7-nam-dau-tu-xay-moi-nang-cap-cai-tao-117-cho-215067.html