NGÀY XUÂN VẮNG HỘI

'Một mùa xuân không lễ hội'! Không ít người đã bày tỏ tâm trạng tiếc nuối như vậy trước thực trạng nhiều địa phương phải dừng các hoạt động đón du khách tại các lễ hội truyền thống đầu năm, vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Không chỉ lễ hội, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, rất nhiều các hoạt động ở các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục… đều phải tạm dừng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ.

Sở dĩ lễ hội được dư luận truyền thông và công chúng dành sự quan tâm đặc biệt, bởi đó là nét đẹp phong tục được lưu truyền từ ngàn đời. Trong thời đại ngày nay, lễ hội văn hóa, tín ngưỡng truyền thống đầu năm còn là kênh đầu tư, phát triển du lịch, xúc tiến thương mại đem lại hiệu quả to lớn.

Tuy nhiên, nói "một mùa xuân không lễ hội", quả chưa thật chính xác. Chúng ta đều biết, tất cả các lễ hội theo phong tục, văn hóa tín ngưỡng ở các vùng, miền trong cả nước đều được cấu thành bởi hai nhân tố chính, đó là “lễ” và “hội”. Đời sống kinh tế phát triển, làn sóng giao thoa, hội nhập, tiếp biến của văn hóa khiến phần “hội” luôn có sự thay đổi lớn theo thời gian. Nhiều lễ hội truyền thống trước đây chỉ trong phạm vi làng xã, họ tộc, nay được quảng bá rộng rãi, trở thành sản phẩm du lịch chủ lực, đặc trưng của địa phương. Thông qua môi trường lễ hội, hình ảnh, giá trị kinh tế, tiềm lực thu hút đầu tư của địa phương được xúc tiến mạnh mẽ. Các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách cũng theo đó đổi mới, phát triển không ngừng. Ngược lại, phần “lễ”, tức hồn cốt, bản sắc của văn hóa tín ngưỡng thì luôn được gìn giữ. Các nghi thức tế lễ truyền thống trong lễ hội từ đời này qua đời khác phải được bảo tồn nguyên vẹn. Vậy nên, mặc dù không mở cửa đón du khách rầm rộ nhưng hoạt động văn hóa của các lễ hội đầu năm vẫn được duy trì trong khuôn khổ tín ngưỡng, phong tục. Nhiều địa phương đã chuẩn bị chu đáo kế hoạch, kịch bản lễ hội trong bối cảnh phải tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hát Quan họ tại Hội Lim. Ảnh: baomoi.com.

Hát Quan họ tại Hội Lim. Ảnh: baomoi.com.

Dân ta có truyền thống cần cù, sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh. “Khát” lễ hội là tâm trạng có thật của một bộ phận không nhỏ người dân và du khách, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không có cách truyền cảm hứng, cảm xúc, không khí lễ hội cho cộng đồng. Theo đó, các nghi thức truyền thống, tức phần “lễ” của các lễ hội ở nhiều địa phương vẫn được tổ chức bài bản theo phong tục, tín ngưỡng. Hình ảnh hoạt động của lễ hội được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong môi trường truyền thông. Với tiện ích tuyệt vời của mạng lưới công nghệ hiện đại, người dân và du khách vẫn được thưởng lãm, thụ hưởng không khí lễ hội một cách gián tiếp thông qua các phương tiện nghe, nhìn. Sự vào cuộc mạnh mẽ với những cách làm sáng tạo, hấp dẫn, người dân dù không trực tiếp tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, nhưng vẫn được sống trong bầu không khí lễ hội đầu năm. Hoạt động xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư vẫn được tiến hành thông qua môi trường công nghệ 4.0.

Ngày xuân vắng hội, nhưng lễ thì vẹn nguyên bản sắc trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào ta. Phong tục thờ cúng tổ tiên, tri ân các anh hùng liệt sĩ, báo hiếu ông bà, cha mẹ, thầy cô; các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận… trong những ngày đầu năm là nét văn hóa được hun đúc từ mỗi nếp nhà, mỗi gia đình, họ tộc và có trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Văn hóa của mỗi người được biểu hiện thông qua thái độ, hành vi. Văn hóa của một cộng đồng, xã hội và của cả quốc gia, dân tộc là sự tích hợp, giao thoa của hành vi văn hóa từ mỗi người đến mọi người.

Ngày xuân vắng hội nhưng nét đẹp văn hóa thì không bao giờ mất đi. Chọn cách ứng xử với lễ hội trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay cũng chính là cách để mỗi người dân thể hiện thái độ văn hóa, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/ngay-xuan-vang-hoi-609587