Ngày Xuân... nghĩ về đạo tôn sư

'Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy' - câu thành ngữ như sự đúc kết một nét đẹp trong văn hóa 'tôn sư' của người Việt, cội nguồn của truyền thống hiếu học, coi trọng sự học.

Ngày Xuân... nghĩ về đạo tôn sư

Ngày Xuân... nghĩ về đạo tôn sư

Mang giá trị nhân văn sâu sắc, mang nét đẹp của văn hóa ứng xử. Cả năm quan trọng ba ngày Tết, một trong ba ngày hệ trọng đó, các thế hệ học trò sẽ dành ra để viếng thăm, chúc tết thầy cô giáo đã dạy mình khôn lớn.

Câu chuyện ấy đã lặp lại nhiều lần, nhưng sự xúc động nhất thời đã không đủ sức lay động giúp tôi cảm nhận được tất cả những ý nghĩ, tình cảm được truyền tải trong món quà con nhỏ. Ngày Tết, một tờ tranh vẽ hoa đào mộc mạc, vẽ cảnh gia đình đoàn viên… con tặng, nét vẽ run run. Năm tháng qua đi, tôi không nhớ đã nhận bao nhiêu những yêu thương từ con trẻ như thế. Đơn giản với tôi, nó chỉ là một món quà từ sản phẩm một chủ đề môn học đã được soạn theo thời khóa biểu. Và bỏ qua cả một thế giới tuổi thơ đầy trong trẻo của con, của đạo lý “tôn sư trọng đạo” từng đã tạo dựng tâm hồn bao thế hệ Việt Nam.

Thêm một cái Tết, trước khi con đủ lớn, tôi kịp nhận ra, giá trị thực của những món quà nhỏ bấy lâu tôi đã nhận, nhận tấm lòng của thầy cô gửi tặng, nhận sự giáo dục lòng biết ơn cha mẹ những ngày đặc biệt, nhận sự hiếu thảo của con từ thầy cô truyền dạy. Thầy cô đã dạy các con tự tay mình tạo ra những món quà nhỏ để tặng mẹ cha. Còn con, con đã làm gì để tặng thầy cô? Câu chuyện như quà tặng cuộc sống, quà tặng nhắc ta truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc.

Đạo đức luôn là nền tảng của giáo dục

Đạo hiếu xưa kia

Không phải ngẫu nhiên những câu tục ngữ, ca dao, hay lời đúc kết của tiền nhân “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”,“Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”,… lại đi vào cuộc sống hàng ngàn năm của dân tộc, thể hiện thành truyền thống văn hóa “Tôn sư trọng đạo” bao đời. Khẳng định vai trò của người thầy, trong xã hội phương Đông thời xưa “Quân – sư – phụ”. Hình mẫu người thầy luôn đặc biệt được đề cao và trân trọng.

Nhớ lại, suốt hàng chục thế kỷ tồn tại của xã hội phong kiến, giáo dục Việt Nam trên đại thể được gọi là nền giáo dục Nho giáo. Và giá trị nhân bản tốt đẹp của nền giáo dục này thể hiện rất rõ ở “hằng số văn hóa” thầy – trò, ở đạo hiếu “tôn sư”. Để rồi, nhiều đời truyền lại những cái tên thầy muôn đời tỏa sáng như bậc hiền nho Chu Văn An – được ví như bậc thầy của muôn đời, giai thoại về ông trong đạo lý thầy – trò còn được dân gian truyền lại rất nhiều. Rồi những bậc tài hiền như Tư đồ Trần Nguyên Đán, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, như nhà giáo Lương Đắc Bằng. Ở thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi là một nhà yêu nước vĩ đại, Người cũng từng là một thầy giáo mẫu mực của trường Dục Thanh (Phan Thiết)…

Bao thế kỷ qua đi, hình ảnh thầy ra thầy, trò ra trò của nền giáo dục Nho gia hãy còn in đậm. Không ai quên câu chuyện nhập môn theo học sách thánh hiền của trò nhỏ ngày xưa. Lễ tiết, tuần tự, trang trọng, thể hiện sâu sắc tính chất “tôn sư trọng đạo”. Thời đó, trước khi cho con đến theo học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình có một “lễ mọn”, mang tính chất “lòng thành” dâng lên thầy.

Trò khi xưa thường theo học ở nhà thầy, và gắn bó tới khi lai kinh ứng thí “công thành danh toại”. Trong suốt thời gian ở nhà thầy, học trò không chỉ học chữ nghĩa mà quan trọng là học đạo thánh hiền, phải biết tu dưỡng bản thân, rèn nhân cách sống. Đạo trò xưa không chỉ rất khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ rất lớn lao. Trong các sử liệu còn ghi lại, đạo hiếu “tôn sư” hãy mãi còn sâu đậm như một nét đẹp văn hóa ngàn đời…

Những ngày này, dư luận rộ lên vụ thầy giáo tát học sinh tại Quỳ Hợp, Nghệ An

Truyền thống xưa và hiện tại hôm nay, có thể trong sự vận động của thời cuộc, văn hóa tôn sư ít nhiều thay đổi nhưng truyền thống ngàn đời hãy vẫn còn được gìn giữ, phát huy. “Tôn sư trọng đạo” cũng là cách răn mình sống nhân văn, đúng đạo hiếu.

Đạo thầy trò trong ước vọng hôm nay

Trở lại câu chuyện con trẻ tặng quà. Món quà nhỏ ngày tết mà hàm sâu ý nghĩa. Nhắc nhở ta đạo hiếu “tôn sư”. Cũng là thêm sự tin yêu với “người chở đò tri thức” hôm nay. Cần lắm những người thầy như con tôi đã gặp, cần lắm những món quà như tôi đã nhận và cần hơn sự rung động cần thiết trước những việc tưởng như nhỏ bé.

Lâu nay, tôi biết không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều những người như thế hệ tôi, trong sự hối hả của lối sống công nghiệp, những món quà gửi tới thầy cô cũng vội vàng. Tôi giật mình, mấy năm rồi, tôi chưa có một chuyến viếng thăm thầy. Tôi đã tự mình đánh mất thói quen cùng bạn bè thăm thầy mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Phải chăng, lỗi do thời cuộc mang lại, do mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội, những hiện tượng chạy trường, mua điểm, học giả bằng thật, ăn bớt khẩu phần trẻ nhỏ… đã làm xói mòn dần những quy chuẩn “tôn sư” một thời? Trong tâm thức mọi thời đại, hình ảnh người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức, nhân cách người thầy mới là tấm gương để thuyết phục học trò. Cái “xấu” chỉ là thiểu số; cái tốt, cái đẹp, đạo hiếu “tôn sư trọng đạo” mới là gốc rễ sâu bền. Có lẽ tôi và một vài người quanh tôi nữa, đang ngày bị cái xấu ám ảnh nhiều hơn? Thế hệ chúng tôi, hình ảnh những thầy giáo làng, những thầy giáo “ông đồ” sống lúc giao thời của những năm sau khoa thi Hán học cuối cùng, dù có thể bị thế sự, bị cuộc sống cơm áo gạo tiền tưởng như “vắt kiệt” thì cốt cách nhà giáo thanh cao vẫn luôn như ngọn nguồn tỏa sáng. Những năm tháng ấy, và cả những năm tháng sau này, mỗi năm đôi lần, như thành thông lệ, học trò thế hệ chúng tôi vẫn cố gắng thu xếp để có một cái Tết bên thầy bên cô.

Thế mà bẵng đi đã một thời gian, cuộc sống bon chen mất dần cả những thói quen tốt đẹp. Ngày nay nhà giáo được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí.” Và không giống những nghề cho ra đời những sản phẩm vật chất, nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo đức. Gạn đục khơi trong, những thầy cô giáo vẫn hàng ngày miệt mài gieo tri thức cho học trò.

Thêm một mùa xuân mới về, thêm một cái Tết cổ truyền trong lòng dân tộc. Và như đã thành thông lệ có giá trị nhân văn sâu sắc, không ai nhắc nhau, mỗi dịp Tết đến xuân về, lệ thường tình các thế hệ học trò lại tụ họp cùng nhau tới chúc Tết, thăm hỏi sức khỏe thầy… Tết này tôi lại được về thăm thầy!

Định Giao

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ngay-xuan-nghi-ve-dao-ton-su-n23806.html