Ngày xuân nâng chén

Tết đến, xuân về, người Việt có rất nhiều thứ để vui, trong đó không thể thiếu chén rượu. Nâng chén rượu đầu xuân để chúc nhau được nhiều sức khỏe, gặp điều may mắn, tốt đẹp trong suốt cả một năm là điều ý nghĩa.

Không ai biết rượu có từ khi nào. Chỉ biết từ rất xa xưa trong quá trình chinh phục thiên nhiên, con người đã mượn men rượu để chống lại cái lạnh lẽo, tạo sự hứng khởi, tăng hiệu quả trong lao động sản xuất. Rượu giúp người ta quên đi nỗi cô đơn hiu hắt giữa đồng không mông quạnh, giữa sông nước mênh mang, giữa rừng thiêng nước độc…

Tết đến, xuân về, người Việt có rất nhiều thứ để vui. Trong đó không thể thiếu chén rượu.

Với người sống, rượu đã trở thành thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, cưới xin, tiệc tùng, hội hè, đình đám… cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Với người đã khuất, rượu là cầu nối tâm linh giữa dương gian và nơi chốn vĩnh hằng…

Uống rượu đã trở thành một truyền thống, một nét văn hóa riêng của mỗi vùng miền cũng như của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, trong các lễ hội cúng đình, cúng miễu, rượu cũng luôn luôn có mặt, và giữ vai trò quan trọng về mặt nghi lễ.

Rượu đi vào thơ ca nhạc họa: “Rượu ngon mà thiếu bạn hiền/ không mua không phải không tiền không mua”. Chung rượu cũng làm nên lớp diễn để đời của hai người bạn tri giao là hàn sĩ Nhuận Điền và quan trạng Trần Minh trong tuồng hát Bên cầu dệt lụa. Rượu là biểu tượng của sự tri kỷ, tri âm. Rượu còn được xem là thú vui tao nhã. Rượu làm cho đầu óc khai thông, tâm hồn cởi mở…

Trong giao tiếp hằng ngày, rượu còn được quy ước hẳn hòi: "Trà tam rượu tứ",“Vô tửu bất thành lễ”. Rượu cũng dùng làm thước đo bản lĩnh đàn ông: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Con người ta vừa lọt lòng mẹ rượu đã có mặt trong tiệc đầy tháng, thôi nôi… Lớn lên dựng vợ gả chồng, rượu không thể thiếu trong đám hỏi, cưới. Cho đến khi kết thúc một đời người, trong tang lễ, rượu cũng được dùng để cúng tế. Tóm lại, rượu hiện diện xuyên suốt trong cuộc đời mỗi con người.

Thực tế cuộc sống chứng minh, ngày càng có nhiều tai nạn, nhiều vụ án xảy ra mà nguyên nhân là do rượu. Nói đến tai nạn và tội ác do rượu gây ra thực là vô cùng.

Bây giờ, rượu không còn là đặc quyền của đàn ông nữa, ngày càng có nhiều phụ nữ gia nhập hàng ngũ “đệ tử Lưu Linh”.

Buồn thay, ngày nay, nét đẹp văn hóa này đã bị biến tướng. Rượu bị lạm dụng tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa người Việt. Người ta sát phạt, thúc ép nhau cho bằng “chết” mới “đã nư”, bất chấp tửu lượng mỗi người mỗi khác.

Thực tế cuộc sống chứng minh, ngày càng có nhiều tai nạn, nhiều vụ án xảy ra mà nguyên nhân là do rượu. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết hàng loạt người do tài xế say rượu. Nói đến tai nạn và tội ác do rượu gây ra thực là vô cùng.

Tình cảm vợ chồng rạn nứt, thậm chí sát hại lẫn nhau vì rượu, như vụ người vợ dùng hai tay chèn mạnh lên cổ chồng dẫn đến tử vong ở Cần Giờ vào hồi năm ngoái do anh chồng suốt ngày say xỉn về chửi mắng đánh đập vợ con.

Có khi ngay bản thân người uống cũng bỏ mạng hoặc suýt bỏ mạng vì ngộ độc rượu như vụ việc hy hữu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Bác sĩ đã phải dùng gần 5 lít bia truyền vào đường tiêu hóa để cứu sống một bệnh nhân bị ngộ độc rượu đang trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.

Tất nhiên không phải ai, lúc nào, uống rượu cũng để lại những hậu quả xấu nếu như chúng ta biết cân nhắc, chừng mực, điều độ và có giới hạn.

Rượu vào, con người không kiểm soát được hành vi, nhận thức, ói mửa lung tung, chân nam đá chân chiêu, quàng xiên, vẹo vọ, nói năng văng mạng, tay chân táy máy… vừa hại sức khỏe vừa mất tư cách con người.

Tết Nguyên đán đã đến, đây là dịp để mọi người có cái cớ hợp tình hợp lý mà chén tạc chén thù. Trước Tết là tất niên, tổng kết, họp mặt cuối năm. Trong Tết là thăm viếng lễ nghĩa, chúc tụng. Sau Tết là tân niên, xuất hành, khai trương…

Tất nhiên không phải ai, lúc nào, uống rượu cũng để lại những hậu quả xấu nếu như chúng ta biết cân nhắc, chừng mực, điều độ và có giới hạn.

Mong rằng mỗi người chúng ta sẽ có được những ngày Tết vui vẻ an toàn.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/ngay-xuan-nang-chen-157100.html