Ngày xuân kể chuyện người Mông trên những đỉnh núi

Khi những đợt gió mang theo hơi nước lùa về trên lũng núi là lúc các bản làng người Mông rộn ràng đón tết, vui xuân, tấp nập chuẩn bị cho một cái tết sum vầy bên người thân và gia đình.

Cây đào, cây mận hiện là cây trồng chủ lực của đồng bào ở Mường Lát.

Cây đào, cây mận hiện là cây trồng chủ lực của đồng bào ở Mường Lát.

“Vị vua” của xứ mù sương

Những ngày giáp tết, trời chưa về chiều mây đã giăng kín lối. Sáng sớm, những mái nhà lợp proximăng phủ tuyết lấm tấm. Nhà nào cũng đang vỗ béo lợn để mổ ăn tết và dành thức ăn cho cả năm tới. Giữa những ngọn núi quanh năm mây phủ, từng mái nhà lúp xúp của bà con dân bản nằm rải rác trong thung lũng. Đồng bào Mông không làm nhà sàn để tránh thú rừng như nhiều nơi khác mà làm nhà gỗ trên đất, mái nhà không cao để tránh cái rét thấu xương của mùa đông. Họ là ví dụ điển hình của sự thích nghi và sinh tồn. Đúng như câu dân ca Mông: “Loài cá sống ở nước/ Loài chim bay trên trời/ Người Mông sống ở núi”.

Đi và viết nhiều về đồng bào dân tộc Mông, tôi luôn có một thắc mắc: Tại sao họ lại chọn sống nơi lưng trời? Tại sao họ không di cư xuống vùng thấp hơn? Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc người Mông sống trên đỉnh núi là một sự lựa chọn tất yếu của lịch sử. Vào khoảng ba thế kỷ trước, người Mông bị truy đuổi bởi người phương Bắc nên dạt về phương Nam là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Ở Thanh Hóa, người Mông tập trung tại các huyện phía Tây: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Trong đó, huyện Mường Lát có 39 bản Mông thuộc 6 xã: Quang Chiểu, Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý và Mường Lý, với hơn 3.000 hộ, chiếm 43% tổng dân số. Và khi họ di cư đến đất này, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ. Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Nơi địa hình đa số là đá. Đá trong lòng đất, đá chạm bước chân, đá đứng sừng sững, đá cao tới trời.

Nhưng ngay cả sau này khi được lựa chọn, nhờ thích nghi điều kiện tự nhiên cộng thêm bản tính kiêu hãnh, độc lập mà người Mông đời đời vẫn bám trụ trên những đỉnh núi, quyết không rời bỏ quê hương, dòng tộc. Chính điều này tạo ra những hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội như tỷ lệ đói nghèo cao, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ quá dày, đẻ nhiều, suy dinh dưỡng nặng, mù chữ, bản sắc văn hóa bị mai một...

Nhằm thích nghi với hoàn cảnh sống, họ đã sáng tạo ra kỹ thuật thổ canh hốc đá, tức là lấy đất ở chỗ khác, đổ vào hốc đá và chọn các loại cây thích hợp như cây ngô, cây bí, cây đậu để trồng. Chẳng những vậy, để ngăn nước, giữ đất sau những trận mưa, người Mông còn đem cây sa mộc từ rừng về để trồng ở bản làng... Cứ thế để bám vào đá, cấu vào đá và cày lên thớ đất, những bóng người nhỏ bé cứ chênh vênh chân duỗi chân quỳ trên triền dốc đứng, chênh vênh như chính phận đời của họ.

Ấy thế mà chỉ vài chục năm, từng cung đường dốc cao “thúc gối vào ngực” đã được Nhà nước đầu tư để hạ cấp, đổ bê tông, nhiều tuyến đường đã lựa thế núi, chẻ núi mở đường dẫn về từng thôn bản. Các đoàn công tác theo đường mòn, ngược dốc “cõng” các chương trình, dự án của Nhà nước như: Nghị quyết 30a, Chương trình 134, 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... về hỗ trợ đồng bào. Theo con đường ấy là biết bao câu chuyện đổi đời của người Mông.

Những bông hoa trong đá

Anh Thào A Thái, bản Tà Cóm, xã Trung Lý được mệnh danh là tỷ phú vùng biên khi sở hữu hơn 60 con trâu, bò; cá dưới ao; 3 ha rừng vầu; hơn 20 ha rừng xoan sắp thu hoạch. Mỗi năm, gia đình Thào A Thái thu nhập gần 100 triệu đồng. Theo lời anh Thái, năm 2010, anh Thái mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để mua bò sinh sản. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình anh nhận giao khoán hơn chục ha đất rừng để trồng vầu, xoan. Năm 2015, anh vay thêm 30 triệu đồng để đào ao nuôi cá. Dần dần các con vật, cây trồng bắt đầu cho thu nhập, anh Thái trả hết nợ cho ngân hàng, lại có vốn quay vòng để đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Năm 2017, nhận thấy gia đình mình không còn nghèo và để làm gương cho các hộ trong bản, anh Thái đã làm đơn lên xã xin được thoát nghèo.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Thái còn giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế. Anh chủ động tặng giống trâu, bò, lợn, gà... làm “cần câu cơm” cho những gia đình khó khăn trong bản. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. “Để những hộ nghèo bỏ ra cả chục triệu đồng mua một con bò gây dựng cơ nghiệp thì rất khó trong khi gia đình tôi giờ đã no đủ, đàn trâu bò cũng sinh sản đều nên tôi tặng bò giống cho những hộ nghèo khác làm “cần câu cơm”. Hy vọng trong vài năm tới, con bò đó sẽ đẻ ra nhiều con bò khác, như vậy bản làng sẽ thoát được nghèo đói. Tới đây, mình sẽ cùng bà con trong bản trồng thêm cây vầu, cây xoan, vì đây là những loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất khó này”, anh Thái tâm sự.

Theo ông Quách Văn Mỵ, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, xã có hơn 8.000 ha đất sản xuất. Toàn xã có 1.335 hộ dân, trong đó 67,62% là đồng bào dân tộc Mông. Bà con trong xã đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực học hỏi phương pháp sản xuất mới. Nhất là chuyển diện tích đất nương trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây ăn quả và các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, bà con cũng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô đàn và nâng cao chất lượng vật nuôi. Họ làm chuồng trại chăn nuôi gia súc; thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; trồng 5 ha cỏ voi lấy thức ăn chăn nuôi... Hiện, toàn xã có 1.171 con trâu, bò; 2.057 con lợn; 678 con dê; trên 11.693 con gia cầm... Chăn nuôi đã và đang góp phần giúp người dân Trung Lý xóa nghèo bền vững.

Cách đó không xa, gia đình ông Lâu Văn Chá A, sinh năm 1952, ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi lại được xem là gia đình trồng nhiều đào nhất của xã với khoảng 500 gốc, toàn bộ là đào đá, đào rêu mốc, trong đó có gần 50 gốc đào già - khoảng 20 năm tuổi. Hàng năm, gia đình ông Lâu Văn Chá A chặt cành bán và giữ gốc lại, sau 3 - 4 năm cành bị chặt sẽ tiếp tục phát triển trở lại và lại cho thu hoạch. Nhờ vườn đào mà hàng năm, gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.

Được biết, cùng với cây mận, những năm qua toàn xã Pù Nhi đã trồng mới gần 10.000 gốc đào, nâng tổng số đào của cả xã lên 23.000 gốc/10 ha, tập trung chủ yếu ở các bản: Cơm, Pù Toong, Pù Ngùa, Pù Quăn... Anh Lâu Văn Dính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pù Nhi, cho biết: “Trước kia, cây đào tự sinh, tự diệt, quả ít thì ăn, nhiều thì bán. Gần chục năm nay, nhiều người dưới xuôi lên mua cành đào chơi tết. Giá cành đào từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng, tùy vào hình dáng, nụ, rêu mốc tầm gửi bám ở thân cây... Chưa kể, đến mùa quả bán cũng rất được giá. Thấy đào dễ trồng, lại không mất nhiều công chăm sóc mà bán được giá, nhiều hộ dân đã học tập, chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng đào. Nhiều hộ đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả cây trồng, trong đó có giống đào lai”.

Cứ thế, các hộ gia đình noi gương nhau, các xóm, bản cũng thi đua với nhau làm kinh tế. Mấy năm gần đây, các xã Mường Chanh, Mường Lý, Trung Lý... bà con hồ hởi bảo nhau trồng thí điểm cây gai xanh. Đây là loại cây không kén đất, chi phí đầu tư thấp mà bán được giá cao với thị trường tiêu thụ ổn định. Rồi làm kinh tế hộ gia đình hay kinh tế thôn bản, đồng bào Mông đều tự tin thử sức mình, bởi vì đồng hành cùng bà con, luôn có Đảng, Nhà nước; có sự động viên, khích lệ chân thành và nhiệt tình của cán bộ địa phương, bộ đội biên phòng... giúp đỡ đồng bào trong cuộc chiến xóa đói nghèo.

Giữa lưng trời chỉ có đá và đá, đồng bào dân tộc Mông ở Thanh Hóa đã ngoan cường, không ngừng thích ứng để tồn tại đồng thời xây dựng nên một cộng đồng gắn kết với bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt. Để rồi hôm nay, khi mùa xuân mới sắp về, họ đã có thể thảnh thơi nắn nót phím khèn. Khèn kể về những cơ cực của kiếp người sống đời du canh, du cư, mải miết đuổi chim, tìm thú; khèn cảm động vì những chính sách định canh định cư của Nhà nước, của quân đội dành cho đồng bào; khèn réo rắt tươi vui gieo hy vọng về cuộc đời ấm no bền vững cho muôn đời con cháu mai sau.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ngay-xuan-ke-chuyen-nguoi-mong-tren-nhung-dinh-nui/26201.htm