Ngày về đau thắt

Ngày 18-10, TP Huế tạnh ráo đủ để đường về của 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67 không còn lạnh lẽo. Trên đường các anh về, người dân xếp hàng dài, nghẹn ngào tiễn biệt.

Từ sáng sớm, người dân ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung rất đông quanh căn nhà nhỏ trên đường Sông Bồ. Không tiếng nói cười, mọi gương mặt buồn bã chờ đoàn xe đưa linh cữu ông Nguyễn Văn Bình (SN 1978, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, một trong 13 người hy sinh trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3) trở về.

Đồng đội chào tiễn biệt 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67

Đồng đội chào tiễn biệt 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm Kiểm lâm 67

Đúng 13 giờ 30 phút, đoàn xe đưa linh cữu về đến. Hơn 10 chiến sĩ cùng ghé vai, đưa cỗ quan tài từ từ vào nhà. Người nhà ông Bình thẫn thờ theo sau. Căn nhà nằm nép bên sông của người đứng đầu UBND huyện Phong Điền không mấy rộng nay đã chật cứng bởi hàng trăm người dân thương tiếc ông Bình tụ họp về chỉ để được nhìn ông lần cuối. Nhiều người không nén được cảm xúc tiếc thương đã bật khóc. Tiếng nấc nghẹn của đám đông mỗi lúc một lớn, quyện với tiếng kinh cầu, hòa thành lời tiễn biệt sau cùng với vị cán bộ đã hy sinh khi trên đường cứu nạn.

Cách đó không xa, tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, người dân làng Hiền Lương cũng đã chuẩn bị tang lễ cho đại úy Trương Anh Quốc (nhân viên điệp báo chiến dịch Phòng Tham mưu - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế). Từ đêm hôm trước, đồng đội của đại úy Quốc đã huy động ghe, xuồng đặc dụng để phòng lũ tiếp tục dâng cao, chuẩn bị cho linh cữu anh về nhà. Ông Trần Hữu Nẵng (sống cạnh nhà bố mẹ anh Quốc) cho biết những ngày qua, nước lũ dâng cao khiến cả thôn Hiền Lương gần như không di chuyển được. "Tôi cứ sợ nước lụt lại dâng cao, không làm được đám tang cho cháu" - ông Nẵng nói.

Đại úy Trương Anh Quốc là con đầu trong gia đình 4 anh em. Anh ra đi để lại người vợ và 2 con gái nhỏ, cháu lớn mới lên 5. Vợ anh là giáo viên tại một trường phổ thông ở thị xã Hương Trà. Giữa năm 2020, vợ chồng anh chắt bóp, vay mượn thêm người thân xây một ngôi nhà nhỏ tại TP Huế nhưng còn chưa thành hình. Là bộ đội, anh Quốc tranh thủ từng ngày phép để về tự xây từng viên gạch nhằm tiết kiệm nhân công. Tiền vay mượn xoay xở được bao nhiêu cũng chỉ đủ để dành mua vật liệu. "Đến bây giờ, nhà Quốc cũng mới chỉ tháo gỗ cốp-pha, bức tường gạch còn chưa tô được. Quốc nói đổ sàn xong sẽ mua tạm mấy tấm tôn về lợp lên để tạm che nắng che mưa. Giờ thì dở dang hết rồi..." - ông Nẵng nghẹn ngào.

Một đồng đội của đại úy Trương Anh Quốc cho biết chiều 11-10, anh và Quốc cùng làm nhiệm vụ trong đoàn đón Thiếu tướng Nguyễn Văn Man thị sát tại các xã Phong Mỹ và Phong Hiền. Có thời điểm, đoàn cách làng Hiền Lương chỉ 1-2 km. Dù rất muốn, đại úy Quốc cũng không thể về thăm nhà. Anh nhớ lại: "Quốc nói với tôi: "Ước chi mình được ghé nhà. Về gần nhà nhưng không vô thăm được ông bà nội". Sau đó, tôi ở lại đơn vị, Quốc theo đoàn vào Rào Trăng 3 rồi gặp nạn".

Căn nhà cấp 4 của ông Nguyễn Văn Bình, tổ ấm ước mơ còn dang dở của đại úy Trương Anh Quốc... Hai người đã hy sinh trên đường cứu nạn các công nhân bị vùi lấp, để lại mẹ già, vợ hiền, con thơ bơ vơ khiến lòng chúng tôi quặn thắt mỗi khi nhìn thấy nước lũ lại đang về...

Bài và ảnh: Quang Luật

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ngay-ve-dau-that-20201018224949886.htm