Ngay và luôn đi thưa thầy Bộ trưởng!

Với tư cách là người đóng thuế, các bạn có đồng ý với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về một chính sách lương nhà giáo 'được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp'?

Lương cho giáo viên là một trong những vấn đề cần sớm được giải quyết.

Câu chuyện nhà giáo sống được bằng lương, đã được đặt ra từ cách nay 2 thập kỷ và được nhắc lại mỗi năm 2 lần.

Vào dịp 20.11, với những cô giáo mầm non 37 năm trong nghề chết lặng với khoản lương hưu 1,3 triệu đồng. Hoặc tết, với những món thưởng “cân mì chính”. Sau đó thì sao, sau đó họ tiếp tục lương không đủ sống, tiếp tục đói nghèo, tiếp tục bị buộc phải “thanh cao và nghèo”. Bởi ngay cả những lời hứa tới năm 2010 sống được bằng lương cũng dần rơi vào quên lãng.

Cho nên, với một chính sách dạng luật vừa được trình Chính phủ, các thầy cô, và cả dư luận xã hội đang đặt kỳ vọng rất lớn vào quyết tâm lần này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dù còn quá sớm để nói “xếp cao nhất” trong thang bậc lương thì đã đủ sống.

Năm ngoái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng đặt hàng GS Ngô Bảo Châu và Viện Nghiên cứu toán cao cấp làm rõ mối quan hệ giữa đầu tư cho giáo dục và tăng trưởng kinh tế, bởi “Đây là bài toán cần phải minh bạch để minh chứng cho Chính phủ, Quốc hội thấy rằng đầu tư cho giáo dục là đầu tư hiệu quả”.

Tới tháng 8 năm nay, ông tiếp tục “ra đề”: Chi cho ngành giáo dục theo nghị quyết của Quốc hội là 20% đã được phân bổ như thế nào, có hợp lý không và ở những nơi chưa hợp lý thì vướng ở đâu, cần có giải pháp thế nào để giải quyết?

Đầu tư cho giáo dục ở khía cạnh thực tế, chính là đầu tư nguồn lực con người, trong hoàn cảnh mà chi tiêu cho giáo dục Việt Nam không hề thấp.

Nhắc lại, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hợp quốc, ông Vũ Quang Việt từng đưa ra những con số giật mình: Chi tiêu cho giáo dục ở VN năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2% (dân các nước phát triển cao chi trả 20%, còn ở Việt Nam dân chi trả tới 40%).

Dựa vào chi phí cho giáo dục ở Việt Nam và dựa vào tỷ lệ 62,3% chi phí thường xuyên cho giáo dục là để trả lương (theo tỷ lệ ở Việt Nam), ông Vũ Quang Việt khẳng định rằng, đáng lẽ thu nhập của giáo viên bình quân phải là 38 triệu đồng nếu như hệ thống giáo dục được tổ chức và điều hành quy củ và hợp lý.

Đầu tư cho “quốc sách hàng đầu” không có gì phải bàn cãi, nhưng ngoài chuyện xếp hạng lương “số 1” thì chi phí giáo dục cũng không thể không tính đến. Bởi chỉ có như vậy thì lương “số 1” mới trở thành động lực, chí ít để bơn bớt câu chuyện dạy thêm học thêm, hay “tự nguyện đóng góp” mỗi đầu năm.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngay-va-luon-di-thua-thay-bo-truong-577716.ldo