Ngay trước ngày ký kết, nhiều quốc gia 'nối gót' Mỹ rời bỏ Hiệp ước Di cư toàn cầu

Ngay trước ngày Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên của Liên hợp quốc được chính thức thông qua tại Ma-rốc, nhiều nước đã tuyên bố rời bỏ hiệp ước.

Sau hai năm đàm phán liên chính phủ căng thẳng, Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên của Liên hợp quốc sẽ được chính thức thông qua vào ngày mai tại thành phố Marrakech của Ma-rốc. Mặc dù Hiệp ước này không nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các đảng phái chính trị trong thời gian đàm phán, nhưng việc áp dụng Hiệp ước này đang là một đề tài gây tranh cãi tại nhiều quốc gia, khiến nhiều nước đã phải tuyên bố hủy bỏ ngay trước ngày Hiệp ước được ký kết chính thức.

Những người di cư Syria chui qua hàng rào dây thép gai vào Hungary tháng 8/2015. (Ảnh: Reuters)

Tài liệu dài 30 trang này là một thỏa thuận không mang tính ràng buộc quốc tế, nhằm mục đích đóng góp quan trọng cho việc hợp tác trong vấn đề di cư quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong khi đó làn sóng di cư Trung Mỹ cũng đang trở nên nghiêm trọng hơn cho thấy mức độ cần thiết phải giải quyết vấn đề này ở các nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã cùng nhau đàm phán một thỏa thuận về di cư theo cách toàn diện như vậy.

Tổng thống Pháp Emanuel Macron cho rằng, Hiệp ước sẽ cải thiện mức độ hợp tác giữa các nước thành viên trong vấn đề kiểm soát di cư.

“Bước đi của Liên hợp quốc là rất tích cực và đáp ứng mong muốn của các nước. Văn kiện không ràng buộc pháp lý này sẽ giúp các nước cải thiện sự hợp tác. Ngoài ra Hiệp ước cũng đưa ra các hành động hướng tới giải pháp trong việc hợp tác giữa quốc gia xuất xứ, quốc gia quá cảnh và quốc gia mà người di cư đến. Trên tất cả là một mối quan hệ đối tác tốt hơn trong việc đối phó với mạng lưới buôn bán người. Đó là những lý do mà Pháp ủng hộ Hiệp ước”, ông Macron nói.

Mặc dù vậy, ngay trước ngày ký kết chính thức, có nhiều quốc gia đã nối gót Mỹ rời bỏ Thỏa thuận này. Đến nay, đã có hơn 10 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc tuyên bố họ không có ý định kí Hiệp ước hay đang cân nhắc làm điều này. Năm ngoái, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi Hiệp ước. Hungary nối gót theo sau đầu năm nay và đang tạo ra hiệu ứng domino tại Liên minh châu Âu trong những tuần qua. Áo, Bungary, Hungary, Cộng hòa Séc, Balan, Slovakia đã cho biết họ sẽ không ký trong khi Italia cũng bày tỏ không mấy mặn mà. Ở Bỉ, sự bất đồng sâu sắc giữa các đối tác liên minh về Hiệp ước đang đe dọa hạ bệ chính phủ.

Một số quốc gia lên tiếng phản đối không tham gia vì Hiệp ước không phân biệt người di cư hợp pháp hay bất hợp pháp. Với họ, những người di cư vì mục đích kinh tế là bất hợp pháp, gây tổn hại và là nguy cơ đe dọa an ninh. Trong khi đó, Hiệp ước dường như đang tạo ra cơ hội vàng cho các đảng dân túy và các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy lập luận rằng, các quốc gia đang mất quyền kiểm soát về chủ quyền và biên giới của họ. Thực tế, các quốc gia lên tiếng chỉ trích Hiệp ước đều có truyền thống chưa thực hiện đủ các hành động hiệu quả để kiểm soát dòng người di cư bất hợp pháp.

Trước sự quay lưng của nhiều nước, Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng bảo vệ Hiệp ước này. Theo bà, cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư là "đáp án đúng" để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu, là sự "hợp tác cùng có lợi" và không có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Cao ủy châu Âu về di cư Dimitris Avramopoulos cũng kêu gọi các nước châu Âu cần phải “ suy nghĩ lại” trước thời diểm quyết định:

“Châu Âu thực sự muốn hợp tác với các đối tác tại châu Phi trên cơ sở bình đẳng để giải quyết các thách thức này. Vì vậy, mặc dù một số quốc gia không nhất trí với Hiệp ước, tôi xin có lời kêu gọi cuối cùng rằng các nước hãy nghĩ lại và cân nhắc lại lập trường của mình. Vì như tôi đã nói, nó nằm trong lợi ích của châu Âu, của tất cả các thành viên và của tất cả các quốc gia liên quan trực tiếp hay gián tiếp”

Theo kế hoạch, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ tham dự lễ phê chuẩn tại Marrakesh. Ngoài ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ có mặt tại sự kiện này. Sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc dự kiến trong ngày 19/12 tới.

(Nguồn: VOV)

Phạm Hà

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngay-truoc-ngay-ky-ket-nhieu-quoc-gia-noi-got-my-roi-bo-hiep-uoc-di-cu-toan-cau-d444592.html