Ngày tồi tệ nhất từ khi dịch bùng phát ở Mỹ

Nước Mỹ ghi nhận hơn 4.000 người chết vì Covid-19 trong ngày 7/1, lần đầu tiên con số này vượt mốc 4.000 kể từ tháng 1.

Ngày 7/1 vì thế lập kỷ lục ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch bắt đầu hoành hành ở Mỹ. Tổng cộng hơn 360.000 người đã chết vì Covid-19 ở nước này.

Trong 10 ngày tính đến 8/1, có đến 5 ngày được xem là ngày có ca nhiễm cao kỷ lục, CNBC dẫn số liệu thống kê của Đại học John Hopkins.

Mức tử vong cao chưa từng thấy xảy ra vào đúng thời điểm xảy ra cuộc tấn công vào Điện Capitol, để lộ ra sự chia rẽ chính trị sâu sắc. Xung đột và chia rẽ đã cản trở nỗ lực chống lại đại dịch của quốc gia này, theo CNBC.

 Phòng tiếp nhận cấp cứu trong lều tại một bệnh viện ở Quận Cam, California vào ngày 4/1. Ảnh: Reuters.

Phòng tiếp nhận cấp cứu trong lều tại một bệnh viện ở Quận Cam, California vào ngày 4/1. Ảnh: Reuters.

Quyết định ai sống ai chết

Số ca nhiễm đang tăng nhanh ở một số bang, trong đó California là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo báo cáo hôm 7/1 đã có 1.042 ca tử vong do Covid-19 trong hai ngày trước đó. Số lượng bệnh nhân tăng nhanh buộc các bệnh viện phải phân bổ nguồn lực chăm sóc. Họ phải đưa ra những quyết định khó khăn, cứu sống ai và để ai chết.

Các hướng dẫn được đăng trên trang web của Bệnh viện Methodist Nam California cảnh báo: “Nếu một bệnh nhân yếu dần và rất khó có thể qua khỏi, nguồn lực chữa bệnh có thể được phân bố cho một bệnh nhân khác có nhiều khả năng sống hơn”.

“Các bệnh nhân như đang chết đuối trên giường bệnh, ngay trước mắt chúng tôi”, bác sĩ Jeffrey Chien, phòng cấp cứu tại Trung tâm Y tế Khu vực Santa Clara, cho biết “Chúng tôi yêu cầu sự giúp đỡ khẩn cấp, chúng tôi không phải là các bác sĩ tuyến đầu".

Hạt Los Angeles - hạt đông dân nhất quốc gia với 10 triệu cư dân - và gần hai chục hạt khác về cơ bản đã hết giường bệnh trong các khoa chăm sóc đặc biệt.

Barbara Ferrer, Giám đốc y tế công cộng của Los Angeles, cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng chưa từng có".

Cũng tại California, các cơ quan y tế báo cáo có 583 trường hợp tử vong mới vào ngày 7/1, một ngày sau đó là 459 người chết. Tổng số người chết ở bang này là hơn 28.000 người. Tiểu bang cũng ghi nhận hơn 250.000 trường hợp nhiễm mới hàng tuần.

Florida đã phá kỷ lục về số trường hợp mắc bệnh trong một ngày với hơn 19.800 người, trong khi số người chết lên tới 22.400 người.

Trong khi đó, số người được tiêm vaccine ở Mỹ đã tăng lên ít nhất 5,9 triệu vào ngày 7/1, có khoảng 600.000 người được tiêm chủng trong một ngày, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Nhưng vẫn còn hàng trăm triệu người cần được tiêm chủng để ngăn chặn đại dịch này.

Có khoảng 1,9 triệu người trên thế giới đã chết, riêng ở Mỹ đã có hơn 360.000 người tử vong vì Covid-19. Tháng 12 được cho là tháng có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất của quốc gia này. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tháng 1 có thể còn khủng khiếp hơn vì các cuộc họp mặt gia đình và nhu du lịch trong những ngày lễ tăng cao.

Một biến thể mới của Covid-19, dễ lây lan hơn, đang lan rộng trên toàn cầu và ở Mỹ. Nó cũng gây ra hậu quả khó lường khi hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump tụ tập để biểu tình ở Washington, trong đó rất nhiều người không đeo khẩu trang.

Lo ngại virus lây lan sau bạo động

Ông Trump từ lâu đã coi thường Covid-19 và việc đeo khẩu trang phòng dịch. Vì vậy nhiều người ủng hộ ông cũng không đeo khẩu trang nơi công cộng. Tổng thống cũng phản đối việc đóng cửa của các bang và kích động người dân biểu tình chống lại các quy định đó ở nhiều nơi. Hậu quả là những người ủng hộ có trang bị vũ trang đã chiếm các phòng họp nghị viện của các bang vào mùa xuân năm ngoái.

Người ủng hộ Tổng thống Trump, cũng như tổng thống, không coi trọng khẩu trang. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Eric Topol, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Scripps, cho biết: “Những kẻ khủng bố trong nước đã áp đảo cảnh sát ở Điện Capitol. Giống như cách Covid-19 đang tấn công người Mỹ. Chúng ta đã mất quyền kiểm soát với đám đông do Tổng thống Trump kích động và cả với loại virus đang lan rộng do sự coi thường của ông ta".

Tiến sĩ Eric Toner, một học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế viện Johns Hopkins, nói: “(Người tung) thông tin sai lệch sử dụng đại dịch để trục lợi chính trị, nó làm cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ hơn".

Quốc Chí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-toi-te-nhat-tu-khi-dich-bung-phat-o-my-post1171503.html