Ngày thường ở Chi nhánh Ven biển

Chi nhánh Ven biển (CNVB) thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, đi vào hoạt động từ giữa năm 1988. Gần 30 năm qua, CNVB là nơi thu hút các nhà khoa học Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay đến làm việc, nghiên cứu khoa học (NCKH) và đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tựu NCKH của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga.

Hằng ngày, vào đầu giờ làm việc tại CNVB thường rộn ràng tiếng cười nói, chào hỏi của các bạn Nga từ khu nhà ở chuyên gia đi lên các phòng thí nghiệm và làm việc. Như thành thói quen, trước khi vào phòng làm việc của mình, Giám đốc CNVB phía Nga, ông Nicolai Philitrep, luôn rẽ vào phòng của Giám đốc CNVB phía Việt Nam, Đại tá Bùi Bá Xuân, chào buổi sáng, trao đổi kế hoạch trong ngày và uống nước chè Thái Nguyên, đặc sản của Việt Nam.

Ông Nicolai Philitrep và vợ ông, bà Valentina đã làm việc tại CNVB từ năm 1999 đến nay. Ông gắn bó với Nha Trang, coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Mỗi khi về phép, ông rất nhớ Việt Nam và muốn nhanh chóng quay lại Việt Nam làm việc. Ông nhớ các đồng nghiệp Việt Nam, nhớ Nha Trang với tiếng sóng biển du dương quen thuộc. Quê ông ở thành phố thảo nguyên Tambov, cách Moscow 100km, không có biển, nên ông rất yêu mến thành phố biển Nha Trang.

Các nhà khoa học Nga khám hình thái di truyền ở trẻ em sinh ra tại vùng bị rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh. Ảnh: TÂM TRUNG

Cùng làm việc với ông Nicolai Philitrep còn có hàng chục lượt cán bộ Nga mỗi năm sang CNVB để NCKH. Họ là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, trình độ cao với những kinh nghiệm nghiên cứu cơ bản vững chắc, đã đóng góp nhiều kết quả trong NCKH của LB Nga.

Ngoài giờ làm việc, các bạn Nga còn chơi thể thao cùng cán bộ Việt Nam. Các bạn Nga rất yêu quý con người, đất nước Việt Nam và có chung nhận xét: Cán bộ Việt Nam rất thông minh, siêng năng và chịu khó, đó là yếu tố để Việt Nam phát triển bền vững.

Ở CNVB, các nhà khoa học LB Nga và các nhà khoa học Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu trên ba hướng: Độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới. Trên h­ướng nghiên cứu độ bền nhiệt đới, CNVB tập trung nghiên cứu, thử nghiệm đánh giá độ bền, độ tin cậy và tuổi thọ của các vật liệu, vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự trong quá trình khai thác, sử dụng và cất giữ ở điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm; trong đó, bao gồm cả các vật liệu và phương tiện phòng, chống vũ khí công nghệ cao. Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu, phương tiện và công nghệ bảo vệ chống ăn mòn, lão hóa và phá hủy sinh học cho vũ khí, thiết bị quân sự và công trình theo tiêu chuẩn Nga trong điều kiện Việt Nam. Về sinh thái nhiệt đới, CNVB chú trọng nghiên cứu về đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ở ven biển vịnh Nha Trang, sông hồ Việt Nam và nghiên cứu đa dạng sinh học các hệ sinh thái cạn tại một số vùng rừng núi; nghiên cứu hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường sinh thái. Trong nghiên cứu về y sinh nhiệt đới, CNVB đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình là các nghiên cứu về hậu quả y sinh học của chất độc sinh thái chứa dioxin đối với sức khỏe con người; về khả năng thích ứng của bộ đội Việt Nam đối với trang thiết bị quân sự do nước ngoài sản xuất trong điều kiện nhiệt đới; về các bệnh nhiệt đới nguy hiểm... CNVB còn xây dựng được những cơ sở khoa học cho việc chẩn đoán, giám định y khoa, dự phòng và phục hồi sức khỏe con ngư­ời, đạt trình độ tiên tiến. Các kiến nghị về ph­ương pháp luận khoa học nghiên cứu độc học trong các vùng có nguy cơ cao ở Nga và Việt Nam đã nhận được sự công nhận rộng rãi của các chuyên gia trong và ngoài n­ước thuộc lĩnh vực độc học, y học về dioxin.

Những kết quả mà CNVB đạt được góp phần khẳng định mô hình hợp tác quốc tế về NCKH như Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đạt hiệu quả cao, có khả năng thực hiện nhiệm vụ không chỉ trong khuôn khổ hiệp định đã ký giữa hai nước, mà còn có khả năng giải quyết hoặc tham gia giải quyết nhiều vấn đề khoa học-công nghệ mang tầm quốc tế.

BÙI NGUYỄN XUÂN SONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngay-thuong-o-chi-nhanh-ven-bien-522889