Ngày Thơ Việt Nam – ngày hội của những tâm hồn đồng điệu

Đã mấy năm nay, cứ gần đến dịp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Thanh Hóa (ngày rằm tháng giêng), nhịp sống của ông Bùi Khắc Miện (75 tuổi, thôn Tiến Thành, xã Hoằng Lộc) lại sôi động hẳn lên bởi những cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các 'thi huynh, thi hữu'.

Không gian trưng bày, giới thiệu các tác phẩm do hội viên sáng tác của Câu lạc bộ thơ Trường Thi TP Thanh Hóa tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII tại Thanh Hóa.

Từ khi tiếp nhận chủ trương, cách thức tổ chức, tham gia từ chủ nhiệm các hội thơ mà mình tham gia, ông Miện đã háo hức chuẩn bị đâu ra đó cho “cuộc chơi lắm công phu” của mình. Ông ngồi hàng giờ trước tập bản thảo thơ do ông sáng tác, tỉ mỉ chọn lọc ra những bài tâm đắc nhất dành để gửi đi tham dự các gian trưng bày thơ trong Ngày Thơ Việt Nam tại Thanh Hóa. Ở nhà chẳng có máy vi tính, máy in, ông lại lóc cóc đạp xe ra mấy tiệm photocopy trong làng thuê đánh máy, in ấn. Đâu chỉ có ngày thơ, cách chừng năm, bảy ngày, ông lại có bản thảo thơ mang đi đánh máy, in ấn để kịp gửi cho các hội thơ, thi quán mà ông tham gia sinh hoạt. Sau khi “tuyển chọn” được tác phẩm cũng xem như đã xong một phần việc quan trọng, ông và bạn bè rôm rả hẹn nhau ngày xuất phát, phân công nhiệm vụ đưa đón những thành viên khác, lặn lội từ khắp các vùng quê lên phố tham dự ngày thơ. Tuy mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh sống nhưng dường như tất cả đều ăm ắp bầu nhiệt huyết. Đối với họ, thơ không đơn thuần chỉ là thú vui tuổi già mà hơn tất thảy, nó là niềm đam mê mạnh mẽ chảy trong huyết mạch, lan tỏa nguồn sống yêu đời, sống tích cực. Nhìn cái cách họ và biết bao tâm hồn cùng hòa quyện, thăng hoa trong từng hình ảnh, ngôn ngữ mới cảm nhận được tình cảm, niềm say mê mà đất và người xứ Thanh ưu ái dành cho thơ. Thông qua hoạt động sôi nổi, tích cực của người yêu thơ, các câu lạc bộ thơ trên địa bàn toàn tỉnh trên cùng một “sân chơi” để có được nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị nhân văn to lớn của Ngày Thơ Việt Nam.

Lần giở lại lịch sử, theo dấu mốc sự kiện để công chúng ngày hôm nay có cái nhìn bao quát hơn về nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Thơ Việt Nam. Năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, vua Lê Thánh tông có ghé vào chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vãn cảnh đề thơ. Xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vua đã ứng khẩu thành thơ và cho khắc bài thơ lên vách đá. Từ đây, núi Truyền Đăng thường được gọi là núi Bài Thơ. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử này, theo đề nghị của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, năm 1988, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định lấy ngày 29-3 dương lịch hằng năm làm Ngày Thơ Quảng Ninh. Sau các lần tổ chức, Ngày Thơ Quảng Ninh đã gây được tiếng vang trong phạm vi cả nước, trở thành hoạt động văn hóa sôi nổi, thu hút đông đảo công chúng tham gia. Trước sức lan tỏa rộng rãi và ý nghĩa tốt đẹp mà Ngày Thơ Quảng Ninh mang lại đã góp phần nhen nhóm lên ý tưởng tổ chức một ngày thơ chung cho cả nước. Sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến chấp thuận của các ban, ngành cấp trên, tại Kỳ họp thứ 8, khóa 7, ngày 26-12-2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày rằm tháng giêng hằng năm (ngày Tết Nguyên Tiêu) làm Ngày Thơ Việt Nam.

Việc quyết định lấy ngày Tết Nguyên Tiêu hằng năm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam đọng lại trong lòng người dân đất Việt nhiều cảm xúc. Bởi lẽ, trong tâm thức của người Việt, Tết Nguyên Tiêu (hay còn gọi là Rằm Tháng Giêng, Tết Thượng Nguyên) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm, mang hàm ý là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Với quan niệm: “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt” nên vào ngày này, người Việt thường đi lễ chùa và làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng với người đã khuất và nhất tâm “hướng thiện” cầu phúc, cầu bình an, may mắn. Chẳng thế mà dân gian lưu truyền câu nói: “Cúng quanh năm không bằng Rằm Tháng Giêng”. Ngoài ý nghĩa tâm linh, Tết Nguyên Tiêu gợi nhắc trong lòng mỗi người dân đất Việt về hình ảnh đáng kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới với bài thơ “Nguyên Tiêu” nổi tiếng: “Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Xuân Thủy dịch nghĩa: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Mười tám năm qua đi; nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến công chúng cả nước, bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế, Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự trở thành mỹ tục, sự kiện văn hóa độc đáo được đông đảo công chúng háo hức đón đợi. Nét độc đáo của ngày thơ không chỉ nằm ở sự kết nối về mặt thời gian, không gian tổ chức mà còn nằm ở sự giao lưu, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Trong ngày thơ, bên cạnh việc tôn vinh các sáng tác thơ nổi tiếng trong quá khứ, tên tuổi của các nhà văn đang nỗ lực sáng tạo, nhất là các cây viết trẻ sẽ được giới thiệu tới công chúng thông qua các sáng tác tiêu biểu của họ. Đặc biệt, tuy hướng đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhưng Ngày Thơ Việt Nam không mang nặng yếu tố học thuật, hàn lâm mà liên tục đổi mới, sáng tạo trong cách thức tổ chức nhằm xây dựng “sân chơi thơ” có tính mở, tạo điều kiện để công chúng có thể hòa mình vào tình yêu thơ bằng tất cả sự nhiệt thành. Bởi vậy, vào ngày thơ, tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều diễn ra các hoạt động phong phú như: Kéo cờ thơ, ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, sáng tác thơ, xem thư pháp thơ, giao lưu thơ giữa nhà thơ với nhà thơ, nhà thơ với công chúng... Tại Thanh Hóa – mảnh đất ưa chuộng thi ca, Ngày Thơ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng nhân dân. Hằng năm, tại Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ (TP Thanh Hóa), Ngày thơ Việt Nam được tổ chức long trọng với các hoạt động: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức lễ kéo cờ thơ, thả thơ, dựng quán thơ nhằm tạo dựng không gian trưng bày, giới thiệu sách, báo, thơ của các tác giả và tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các tác giả, tác giả với công chúng...

Rằm tháng giêng năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 (nCoV) gây ra nên Ngày Thơ Việt Nam 2020 hoãn mặc dù kế hoạch tổ chức, kịch bản chương trình đã được xây dựng một cách công phu, kỹ lưỡng từ trước thời điểm Tết Nguyên đán. Dẫu có chút ngậm ngùi, hụt hẫng nhưng việc hoãn tổ chức Ngày Thơ Việt Nam trên phạm vi toàn quốc là quyết định kịp thời, đúng đắn, cần thiết đối với xã hội. Đó cũng là suy nghĩ chung của đông đảo các văn nghệ sĩ và người yêu thơ. Tuy hoãn tổ chức nhưng thông qua nhiều hình thức khác nhau, những tiếng thơ vẫn tha thiết cất lên trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Hình ảnh lá cờ nhuốm màu sắc rực rỡ, mang theo chim Lạc đang sải cánh bay cùng chữ Thơ sẽ mãi là biểu tượng thanh cao, tao nhã, đồng hành trong suốt hành trình xây dựng và phát triển của dân tộc.

Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ngay-tho-viet-nam--ngay-hoi-cua-nhung-tam-hon-dong-dieu/114497.htm