Ngày thơ, ngắm chân dung các nhà thơ tên tuổi Việt Nam qua tranh ký họa

Các thi sĩ xuất hiện mỗi người mỗi vẻ qua bộ tranh ký họa chân dung kỳ công của họa sỹ Lê Sa Long.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngày thơ Việt Nam năm nay không thể diễn ra ở các tỉnh, thành trên cả nước. Nhân dịp này, họa sỹ Lê Sa Long giới thiệu bộ tranh ký họa sinh động chân dung các nhà thơ có nhiều đóng góp tích cực trên văn đàn thi ca Việt Nam.

Không còn xa lạ trong giới mỹ thuật TPHCM, họa sỹ Lê Sa Long (hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM) khiến giới mộ điệu và công chúng yêu thích với nhiều bức vẽ sống động, khắc họa chân thực nhiều nhân vật khác nhau.

Chia sẻ với Tiền Phong, họa sĩ Lê Sa Long bộc bạch: "Thơ là sự diễn đạt ngôn từ thuần khiết nhất, vì vậy tôi cảm nhận khuôn mặt mỗi nhà thơ như một cánh hoa rất đẹp - vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn. Cho nên ở mỗi tranh, tôi đều đem hết khả năng, trút hết lòng mình với chân dung họ như một lời cảm ơn vì những cảm xúc duy mỹ mà họ mang lại làm phong phú tâm hồn tôi; cũng như họ đã làm “giàu” thêm tiếng Việt thân yêu".

Trong quá trình sáng tác, họa sĩ Lê Sa Long chứng kiến nhiều câu chuyện đến giờ anh vẫn khắc khoải mỗi khi nhớ về. Ký ức những ngày thực hiện ký họ nhà thơ Lê Minh Quốc là một trong những kỷ niệm sâu sắc mà Lê Sa Long còn nhớ mồn một. Anh kể: “Ở Việt Nam, tên tuổi nhà thơ Lê Minh Quốc có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người và việc anh lên xe hoa ở tuổi 59 thực sự gây chấn động cho giới cầm bút. Tháng 4/2018, lễ cưới được tổ chức và năm sau bé Mì (Lê Minh Quốc Ấn) chào đời… Có cô con gái xinh xắn, anh càng làm việc hăng say hơn, cả chủ đề thơ trước đây dành cho phái đẹp nay nhường hết cho bé Mì… Vì anh không thể xa con nên khi vẽ anh, tôi phải khệ nệ mang giá, toan vẽ, màu dầu, cọ vẽ sang nhà anh 4 buổi. Khi vẽ, tôi được nghe tiếng chuông chùa gần nhà anh xen lẫn tiếng cười, khóc của bé Mì. Tinh ý bạn sẽ thấy có những vết xước là lạ trên tranh - là dấu tích do bé cũng 'xuất thần' muốn cùng tôi vẽ ba Quốc".

Chân dung ký họa nhà thơ Lê Minh Quốc dưới nét vẽ sống động của họa sĩ Lê Sa Long.

Chân dung ký họa nhà thơ Lê Minh Quốc dưới nét vẽ sống động của họa sĩ Lê Sa Long.

Họa sĩ Lê Sa Long cũng cho hay, tên bức tranh là “Những đôi mắt trong đêm” cũng xuất phát từ ngụ ý cho việc nhà thơ quê Quảng Nam hay thức khuya sáng tác – như những ánh đèn trên các tòa cao ốc của thành phố vẫn bật sáng xuyên đêm.

"Xúc động nhất là hôm 30/12/2020, NXB Hội Nhà văn phối hợp với Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi ra mắt ấn phẩm thơ Đoàn Vị Thượng (người mà Lê Sa Long đã quen từ hơn 10 năm trước - PV). Buổi ra mắt sách thật đặc biệt khi tác giả cuốn sách không thể có mặt, nhưng bạn bè thân quý vẫn đến chật kín khán phòng.Tôi cũng có vẽ một chân dung tặng anh như một sự thể hiện tình nghĩa, tình thơ, tình bè bạn nhiệt thành, ấm áp dành cho anh.

Hôm ấy anh không có mặt nhưng anh trai anh đã thay mặt cảm ơn tôi và chia sẻ là nhà thơ rất thích và xúc động về tình nghệ sĩ", họa sỹ Lê Sa Long chia sẻ, và cho biết chưa đầy hai tháng sau ngày đó nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã ra đi mãi mãi. "Viếng anh, nhìn thấy tranh anh treo ở phòng lòng tôi như chùng xuống", họa sĩ Lê Sa Long bộc bạch.

Chân dung nhà thơ Đoàn Vị Thượng.

Lê Sa Long cho biết anh thích vẽ trực họa nhân vật hay người mẫu, vì nó đem lại cảm xúc mạnh và khi đó người họa sĩ có thể điều chỉnh góc độ, bố cục, ánh sáng…

"Tôi quan niệm rằng, nếu sáng tác theo chủ đề nào thì tùy vào cảm hứng, tâm trạng mà người họa sĩ chọn ra bố cục và sử dụng màu sắc; còn nếu đã vẽ chân dung thì yếu tố quan trọng đầu tiên là phải vẽ “giống thần thái” nhân vật đó, không cần ghi tên vẫn nhận ra nhân vật. Có những bức khi vẽ gần xong mà thấy không ra thần thái, tâm hồn nhân vật hoặc thiếu cảm xúc thì tôi đành bỏ, vẽ lại tranh mới" - Lê Sa Long.

Cũng có những tác giả/ bạn thơ ở xa không thể tiếp xúc, hay đã mất thì họa sĩ Lê Sa Long đành phải nhờ cậy vào nguồn hình ảnh tư liệu gia đình, trang Facebook cá nhân hay trên Internet. "Có khó khăn vì không phải hình nào cũng chuẩn cũng đẹp, cũng rõ, và nhất là phải tạo ra cảm xúc, cũng như phải tưởng tượng “nhập vai” như đang vẽ tác giả trước mặt. Trên thế giới, các họa sĩ đều gặp tình huống này và phải xử lý tình huống như vậy (nhất là khi vẽ tranh đề tài lịch sử) hay chân dung gia đình…", họa sĩ Lê Sa Long nói thêm.

Họa sĩ Lê Sa Long cho biết, nếu cuối năm nay dịch COVID-19 đi qua, anh sẽ ra mắt triển lãm tranh chân dung Văn nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có chân dung các nhà thơ yêu quý để phục vụ rộng rãi nhu cầu thưởng lãm của công chúng, bạn bè.

Cùng ngắm loạt tranh chân dung các nhà thơ được họa sĩ Lê Sa Long ký họa:

Chân dung nhạc sĩ, thi sĩ Văn Cao.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Hữu Loan.

Nhà thơ Nguyễn Duy.

Nhà thơ Du Tử Lê.

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã.

Nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn.

Nhà thơ Lê Thị Kim.

Họa sĩ Lê Sa Long sinh năm 1968 tại Sa Đéc ( Đồng Tháp). Từng đậu thủ khoa Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1994. Anh hiện là giảng viên Đồ họa Trường Đại học Mở TPHCM, hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM.

Họa sĩ Lê Sa Long từng đoạt giải nhất “Chân dung ký họa màu nước” do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức (năm 1999), giải nhì cuộc thi “Vẽ về Đất nước con người Rumani” nhân kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Rumani (1/12/1918 – 1/12/2018) do Lãnh sự quán Rumani tại TPHCM tổ chức (1/2019), cùng nhiều giải thưởng khác. Anh cũng tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước.

Tháng 4/2020, họa sĩ Lê Sa Long thực hiện triển lãm cá nhân “Lời thiên thu gọi” gồm 32 tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau đó là triển lãm “Khẩu trang và người nổi tiếng” gồm 40 tranh người nổi tiếng đeo khẩu trang, diễn ra từ ngày 24/10 đến đầu tháng 11/2020.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ngay-tho-ngam-chan-dung-cac-nha-tho-ten-tuoi-viet-nam-qua-tranh-ky-hoa-1798852.tpo