Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5): Thuốc lá và các bệnh về phổi

Theo Tổ chức Y tế thế giới và thống kê của các nhà khoa học, trong thuốc lá có đến hơn 4.000 loại hóa chất trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe bao gồm chất gây nghiện và chất gây độc. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có chất gây nghiện nicotin và khoảng 70 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân của 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: Ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá. Hút thuốc thụ động tại nơi làm việc, tại nhà, trong môi trường khép kín... cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho người không hút thuốc, nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó 80% ca tử vong sớm là ở các nước đang phát triển.

Diễu hành, cổ động, tuyên truyền trên các trục đường chính của TP Thanh Hóa truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippines. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và ước tính đến năm 2030 số ca tử vong có thể lên đến 70.000 người. Tại Thanh Hóa, các bệnh liên quan đến tác hại của thuốc lá cũng không ngừng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính luôn chiếm tỷ lệ khá cao. Tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt người đến khám, chữa bệnh, trong đó số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số bệnh nhân điều trị. Hiện nay việc điều trị cho các bệnh nhân liên quan đến thuốc lá chỉ có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh chứ không thể chữa trị hoàn toàn.

Thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) và Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia PCTHCTL đến năm 2020. Trong thời gian qua, với sự giúp đỡ hỗ trợ từ Quỹ PCTHCTL - Bộ Y tế, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của người dân, công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực và đạt được mục tiêu đề ra. 100% các đơn vị, địa phương đã kiện toàn và thành lập ban chỉ đạo, hoạt động PCTHCTL tại các địa phương, cơ quan, công sở và một số nơi công cộng đã có kết quả nhất định; các hiện tượng vi phạm về kinh doanh thuốc lá và hút thuốc lá không đúng nơi quy định đã được cải thiện rõ rệt...

Hàng năm, thông qua các lớp tập huấn đã lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, vận động cán bộ, nhân viên các đơn vị không hút thuốc lá hoặc hút thuốc đúng nơi quy định, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Treo biển cấm hút thuốc lá hoặc biển hướng dẫn khu vực hút thuốc lá tại vị trí dễ quan sát; kịp thời nhắc nhở khách hút thuốc đúng nơi quy định; không để gạt tàn tại các khu vực cấm hút thuốc lá và các buồng ngủ (trừ phòng ngủ dành riêng cho khách có nhu cầu hút thuốc); bảo đảm môi trường sạch sẽ, an toàn tại các khu vực trong khách sạn, đặc biệt là khu vực buồng ngủ. Vận động các cơ sở lưu trú xây dựng mô hình đơn vị không khói thuốc, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh. Từ năm 2015, áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015 về xếp hạng khách sạn, tiêu chí “gạt tàn thuốc lá” được bãi bỏ, tiêu chuẩn này cũng khuyến khích các khách sạn đạt tiêu chuẩn nên có khu vực hút thuốc riêng, đặc biệt đối với khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao yêu cầu bắt buộc có khu vực hút thuốc riêng cho khách. Đồng thời các sở, ban, ngành thành viên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để lồng ghép các hoạt động PCTHCTL đảm bảo việc thực thi nghiêm chỉnh Luật PCTHCTL trước hết là trong phạm vi quản lý của ngành mình... Tuy vậy, công tác PCTHCTL tại Thanh Hóa hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hút thuốc lá không đúng nơi quy định, đặc biệt là tại cơ quan, công sở khiến hiệu quả của việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá vẫn còn hạn chế; đa số người dân còn chưa nhận thức được mức độ tổn thất to lớn về sức khỏe, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây nên, chưa thấy được tác hại của thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và bệnh tật.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” nhằm thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về phổi; đồng thời, kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá. Các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, từ các bệnh ung thư đến các bệnh hô hấp mạn tính và vai trò quan trọng của lá phổi khỏe mạnh đối với sức khỏe con người; kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các chính sách PCTHCTL hiệu quả để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động PCTHCTL.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-5 đến ngày 31-5), Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội đối với công tác PCTHCTL. Đưa công tác PCTHCTL thành một nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; đặc biệt tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong công tác PCTHCTL trên địa bàn quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh tăng cường chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật PCTHCTL; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục các tầng lớp nhân dân về PCTHCTL nhằm làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, tập quán đối với việc hút thuốc, đặc biệt là hút thuốc nơi công cộng...

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/ngay-the-gioi-khong-thuoc-la-31-5-nbsp-thuoc-la-va-cac-benh-ve-phoi/101875.htm