Ngày Tết, tìm hiểu và nói không với nóng giận

Đừng bao giờ đối đầu với một người đang nóng giận, đừng làm họ khổ thêm nữa, hãy chỉ đối mặt với họ bằng sự bình an, thấu hiểu và yêu thương để họ sớm nguôi cơn giận dữ, hằn thù..

Năm nào Tết đến cũng cãi nhau

Năm nào Tết đến xuân về vợ chồng chị Nguyễn Thị Hòa (Hải Phòng) cũng hục hặc, thậm chí cãi nhau ỏm tỏi.

Vợ chồng chị đã kết hôn được 8 năm, có hai con đủ nếp tẻ, ngoan ngoãn. Chồng chị làm văn phòng, chị là công nhân nên kinh tế gia đình chật vật, và cảm thấy cuộc sống ngày càng tồi tệ đi bởi anh chồng ngày càng xấu tính, keo kiệt. Anh làm ra được đồng nào thì giữ tiêu riêng mình, mỗi lần chị hỏi thì gắt gỏng, bảo là tiền ai làm ra người ấy tiêu. Nói thế nhưng ngày nào anh cũng ăn đủ cơm 3 bữa ở nhà, con thì hết thời bỉm sữa, tới thời ăn học vẫn một mình chị cáng đáng.

Vài lần chị liệt kê những khoản cần chi tiêu trong nhà, bảo anh cùng gánh góp, nhưng anh bảo không có tiền thì nhịn đói đi. Thế là chị cứ phải gồng mình nuôi cả nhà, mua đồ sinh hoạt thiết yếu, tiền đóng học cho con bằng đồng lương ít ỏi của mình và đương nhiên là luôn thiếu trước hụt sau và Tết đến năm nào cũng cãi nhau vì tiền tiêu Tết.

Năm nào hai vợ chồng cũng cãi nhau vì tiền tiêu Tết. Ảnh minh họa.

Năm nào hai vợ chồng cũng cãi nhau vì tiền tiêu Tết. Ảnh minh họa.

Tết năm ngoái hai vợ chồng cãi nhau là bởi trước Tết 1 tháng chị sinh con thứ hai, lại sinh non. Khi đó chồng bảo Tết sắp đến, nghỉ làm ở nhà dọn dẹp, chuẩn bị sinh con rồi chăm con cho đỡ tốn tiền nuôi ô sin. Chị nghe theo vì sức khỏe cũng yếu, và định sinh xong con cứng cáp đi làm lại. Nhưng con bé sinh thiếu tháng nên quấy khóc suốt, chồng không ngủ được thì chửi chị là "đồ vô tích sự, có ăn rồi dỗ con mà không xong". Thế là chị bật khóc vì tủi hờn hết cả Tết.

Nhưng nào đã xong, sinh đẻ mà chị không được kiêng khem, vẫn luôn chân tay làm việc nhà bởi hôm nào đi làm về anh cũng nằm dài chờ cơm, muộn cơm lại lèm bèm: "Có mỗi việc trông con mà cũng không xong, nhà cửa bừa bộn"… cứ thế gần 3 tháng trời một mình chị đánh vật với con và đống việc nhà không hề được chồng giúp, hay nhờ mẹ chồng gần đó đến giúp cho chị đỡ mệt... và chị biết bị rơi vào trầm cảm, stress nặng, bơ phờ mệt mỏi. Có lần chị nói chồng muốn mời mẹ chồng ở cuối xóm đến giúp, nhưng anh gạt đi vì "tốn thêm một miệng ăn".

Được cái bố mẹ chồng rất tốt. Hai ông bà ở cuối xóm nên đỡ đần chị bằng cách hàng ngày thay nhau giúp đưa cháu đích tôn đi học, cho ăn uống mỗi khi chị mệt mỏi. Vậy nên năm nay gần Tết thì mẹ đẻ ở quê gọi điện nói gửi ra con gà trống thiến nặng gần 4kg ra cho chị lo Tết. Gà đưa đến đúng lúc anh sắp đi làm, anh khen con gà to chắc, lông mượt thế kia là thịt ngon lắm... Chị ở nhà nghĩ Tết này cũng chẳng có tiền biếu bố mẹ chồng, nên chồng đi làm thì chị cũng mang con gà ngon sang biếu ông bà ăn Tết.

Ai ngờ chồng đi làm về biết chuyện mắng chửi chị xối xả, nào là: "Gà ngon để ăn cho sướng miệng, còn lấy sức khỏe đi làm. Nào là ông bà có của ăn của để, già rồi nhận gà ăn làm gì cho lắm, trong khi con cháu nhịn miệng". Chị bảo cả năm qua ông bà giúp đỡ con cháu rồi, Tết có con gà biếu bố mẹ đẻ mà anh cũng nổi khùng, tiếc rẻ là sao? Chị trách anh sao ngày càng tham ăn, xấu tính thế, đến bố mẹ đẻ còn không xót thì vợ con có là gì? Thế là cả hai vợ chồng cãi nhau ầm ĩ.

Suốt đêm ấy và ngày hôm sau chồng vẫn chì chiết chuyện con gà, chị Hoa đã quá mệt mỏi và tính chuyện ăn Tết xong phải ly hôn ngay người chồng tham lam, bủn xỉn chỉ biết tới mình chứ chẳng chịu nghĩ tới người thân xung quanh.

Tết đến mà chồng vẫn chì chiết chuyện con gà biếu bố mẹ chồng, khiến chị muốn ly hôn ngay người chồng tham lam, bủn xỉn. Ảnh minh họa.

Vì một mùa Tết nói không với nóng giận

Khi một ai đó đang giận là người đó đang rất khổ, càng giận nhiều là người đó khổ càng nhiều. Đôi lúc nỗi khổ ấy còn được di truyền từ thế hệ này xuống thế hệ khác. Con người thường ít khi có năng lực để quên, nhưng thù lâu, nhớ dai thì rất giỏi và chính điều đó làm mình ngày càng giận dữ và khổ đau.

Vậy nên đừng bao giờ đối đầu với một người đang nóng giận, đừng làm họ khổ thêm nữa, hãy chỉ đối mặt với họ bằng sự bình an, thấu hiểu và yêu thương để họ sớm nguôi cơn giận dữ, hằn thù... Nhưng để làm được thế cần có sự bình an từ sâu bên trong mình, để có đủ nguồn năng lượng tích cực đối chọi lại với năng lượng tiêu cực mà đôi khi họ vì giận quá mà bắn tỉa lên chúng ta.

Trong cuốn "Hiểu về trái tim", sư thầy Thích Minh Niệm đã viết: "Hạnh phúc là một quả cầu thủy tinh rơi xuống đất và vỡ làm nhiều mảnh. Ai cũng có thể nhặt lên. Người may mắn có thể nhặt được rất nhiều mảnh. Lúc nhặt miếng thủy tinh rơi nếu như không cẩn thận có thể bị cạnh sắc nhọn của mảnh vỡ làm đứt tay khiến cho những người đi lượm hạnh phúc đau đớn không thôi".

Vì vậy những ai đang giận dữ, khó chịu, hãy quay về bên trong để kết nối với chính mình, quan sát, không phản ứng, buông xả vì tất cả chỉ là vô thường. Mọi cảm xúc và cả khổ đau cũng vậy. Hãy kết thúc những cơn nóng giận, để con trẻ không thấy có một tuổi thơ đau buồn vì cha mẹ, hay anh chị em (để rồi con trẻ tự nhủ lớn lên nó sẽ không bao giờ giận dữ và hành xử giống cha mẹ, nhưng rồi nhiều năm sau nó lại hành xử y chang bố mẹ, chỉ vì những vết thương trong lòng vẫn còn đâu đó).

Chuyên gia tư vấn Hạnh phúc Gia đình Tuệ An

(CEO Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Hạnh phúc)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/ngay-tet-tim-hieu-va-noi-khong-voi-nong-gian-20210210160521251.htm