Ngày Tết người Việt thường kiêng kị gì để không bị xui?

Kiêng đổ rác, kiêng mặc áo trắng, kiêng đổ vỡ là ba trong số rất nhiều thứ mà người Việt tránh trong ba ngày Tết.

Người Việt chuẩn bị ăn Tết từ cuối tháng 12 âm lịch, và có thể sẽ chơi Tết tới hết rằm tháng Giêng. Các hoạt động của Tết gồm nhiều nghi lễ tế tự, tiệc vui, chúc mừng, giao đãi xã hội… Bên cạnh các hoạt động ấy, người Việt cũng thường kiêng khem một số việc trong ba ngày Tết, đặc biệt là ngày Nguyên đán mồng một.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng viết trong Khảo luận về Tết, người miền Nam khi vào khem là “bắt đầu tuân thủ những điều kiêng kị, những việc kiêng khem vào đầu năm mới và thực hành một số tập tục với những quy ước nghiêm ngặt”.

Vào khem là từ được Lê Văn Phát ghi lại trong chuyên khảo về phong tục tập quán Nam kỳ đầu thế kỷ 20. Thời điểm vào khem bắt đầu sau lễ rước ông bà và dựng nêu, tức suốt đêm 30 đến mùng Một, cho đến khi có người khách xông đất đầu năm.

Trong thời gian đó, tất cả mọi người ở trong nhà, cửa chỉ mở hé và tất cả mọi người đều giữ im lặng, riêng trẻ con được dặn phải ngoan ngoãn để có được một năm mới tốt lành. Người ta kiêng quét nhà vì cho rằng việc quét nhà sẽ làm mất đi của cải và nếu có quét nhà thì quét từ phía trước nhà ra đằng sau, tuyệt đối không quét ra phía trước.

Có những người kỹ tính kiêng không mở tủ vì ngại của cải tài sản bị trộm (quần áo, đồ trang sức mặc vào dịp Tết đều lấy để sẵn bên ngoài), đặc biệt phải giấu tiệt tất cả các loại chổi, vì tin rằng bọn trộm sẽ rình lấy chổi vào đêm cuối năm, và nếu chổi bị trộm thì sang năm mới trộm sẽ quét sạch tài sản của nhà mình.

Tục kiêng khem của người miền Nam ngày Tết được viết rõ trong cuốn Khảo luận về Tết.

Người miền Bắc, miền Trung cũng có nhiều tục kiêng kị đầu năm. Nhất Thanh viết trong Đất lề quê thói: “Ngày đầu năm, ta hết sức tránh những ngôn ngữ những hành động có thể đem lại sự không may mắn suốt cả năm, gọi là giông hoặc nói là xui”.

Ngày Tết, kiêng giữ gìn không cau có, giận dữ, gắt gỏng, la lối, không để cho trẻ con khóc. Bên cạnh đó, có loạt hành động phải kiêng kị như: kiêng đánh vỡ chén, bát, gương; kiêng đánh đổ (điếu hút thuốc lào, dầu hôi); kiêng mặc áo trắng (vốn là điềm tang chế)...

Ngày Tết, người ta cũng kiêng cho lửa vì sợ làm mất đi vận may gia đình; kiêng không để đèn dầu trên bàn thờ hết dầu lụi tắt; kiêng mắng chửi con cái cốt để gia đình được cả năm thuận hòa, yên ổn.

Những người trong năm có đại tang phải giữ đạo hiếu không đi lễ, đi chúc Tết, đồng thời kiêng cho người ta, không đến với y phục sô gai.

Người ta cũng kiêng hốt rác đổ đi, lúc quét nhà, phải vun vào một xó đợi sau khi động thổ (động chạm đất, phải xem lịch trong mấy ngày đầu năm ngày nào đẹp để chạm đất) thì mới có thể đổ rác.

Với nhiều người ngày nay thường không hiểu tại sao ngày Tết lại kiêng không đổ rác. Nhất Thanh lý giải tục này là do ở Sưu thần ký chép truyện một người lái buôn đi qua hồ Thanh Thảo được Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyện, đêm về nhà ít năm thì giàu có. Một hôm, nhằm mày mồng một Tết đánh nó, nó chui vào đống rác biến mất. Từ đấy, người lái buôn kia lại nghèo như xưa. Ta bắt chước người Tàu không đổ rác ngày Tết là do ở truyện ấy.

Một số điều kiêng kị trong cộng đồng cũng được thực thi ngày Tết, như các cửa họ và đền miếu đều phải hóa vàng và đóng cửa sau buổi tế lế trưa ngày mồng ba. Ngoài ra, người xưa cho rằng ngày mồng ba là ngày để cho các học trò đi bái thầy, và là ngày hoàn toàn của gia đình, không ai đi lễ, đi chúc Tết ngày mồng ba.

Mọi kiêng kị này thực hiện cốt tạo những điều tốt lành vào ngày đầu năm, và cho đó là điểm cát tường cho cả năm tới.

Tần Tần (Theo Zing)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ngay-tet-nguoi-viet-thuong-kieng-ki-gi-de-khong-bi-xui-1498546.html