Ngày Tết, khói hương thải ra bụi mịn nhiều gấp 3 lần đốt thuốc lá

Thắp hương trong nhà kín gây ô nhiễm không khí nhiều hơn là nhà có người hút thuốc, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây kích ứng da cho trẻ nhỏ.

Hương khói tác động gần giống như hít phải khói thuốc lá thụ động

Hương khói tác động gần giống như hít phải khói thuốc lá thụ động

Sợ Tết vì hương khói

Chị Nguyễn Thu Nga (TP.HCM) nhớ mãi tết năm ngoái cậu con trai mới 2 tuổi phải nằm viện cả tuần trị viêm phổi vì khói nhang, khói nấu bánh chưng nhà hàng xóm. Con cứ ăn rồi lại nôn thốc nôn táo khiến vợ chồng chị phải cho đi viện điều trị, hết cả Tết. Năm nay, vợ chồng chị quyết định cho con về quê ngoại trên Đà Lạt ăn Tết sớm.

Nỗi sợ nhang khói của mỗi độ Tết khi về quê chồng mấy ngày đầu Xuân khiến chị Thái Thu Hương (Quảng Nam) chia sẻ: "Thật không muốn đưa con về quê ăn Tết. Bởi về mấy ngày Tết nội cứ thắp hương từ 4h sáng hằng ngày và thắp liên tục. Năm trước bé con về khi mới tròn tuổi, nhang khói khiến bé ho hen, dù con bé xíu vẫn phải bế đi rong để tránh. Mình tế nhị nhắc ông bà thắp ít lại thì bị cho là khó ưa. Không biết phải làm sao cho phải nhẽ".

Còn chị Kiều Xuân Hoa cho hay, chị sống trong khu người Hoa nên mấy ngày Tết thì nhang khói nghi ngút suốt ngày. Ngay nhà chị cắm nhang đêm 30 cây to dài đốt từ đêm 30 đến chiều mùng 1 mới hết, đèn cầy thì đốt suốt đêm đó luôn. Khói ám khó chịu, nhưng ở chung với ông bà nên phải chịu. Mấy ngày này giải pháp là dắt con ra ngoài chơi.

Hương khói độc ra sao với trẻ nhỏ?
Theo nghiên cứu khoa học, xét về mặt khối lượng, một nén hương có 21% là bột gỗ và thảo mộc; 35% hương liệu; 11% bột kết dính; còn lại là ruột tre. Khói hương chứa các hạt bụi mịn (particulate matter, PM) và các hợp chất hữu cơ. Với cùng một lượng châm đốt, khói hương còn thải ra bụi mịn nhiều gấp 3 lần đốt thuốc lá. Khói hương còn phát sinh các khí như CO, CO2, NO2, SO2 và sinh các hợp chất hữu cơ như benzen, toluen, xylen.

Với các thành phần phát thải từ hương khói gây ảnh hướng tới sức khỏe là tới từng tế bào và rõ ràng làm nặng thêm các bệnh hô hấp ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, việc hít nhiều hoặc có quá nhiều khói hương trong không gian hẹp kín gây đau đầu, chóng mặt, khó thở tức ngực, đồng thời cũng gây kích ứng, dị ứng, viêm mũi họng và khởi phát cơn hen ở mọi độ tuổi.

Đáng ngại nhất là việc châm hương trong nhà, đóng cửa với số lượng lớn và kéo dài sẽ còn gây ô nhiễm không khí nhiều hơn là nhà có người hút thuốc.

Theo bác sĩ nhi khoa, hương khói tác động gần giống như hít phải khói thuốc lá thụ động nên nếu hít khói hương nhiều và kéo dài thì tương đương với các tác hại của khói thuốc lá: Tăng tỉ lệ mắc, tăng tỉ lệ tái phát, tăng nặng khi bị bệnh hô hấp, tăng triệu chứng ho ở trẻ em, tăng nguy cơ khởi phát cơn hen, kích thích phản ứng viêm và có thể gây viêm da tiếp xúc...

Để giảm tác hại của khói hương theo các bác sĩ, các gia đình cần lưu ý, tránh thắp hương khi trong phòng có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mạn tính tim mạch - hô hấp; Mở thoáng, bật thông gió, hút mùi, lọc khí khi thắp hương; Sử dụng vừa đủ, không châm hương quá nhiều một lúc hoặc châm hương liên tục; Cần chọn loại hương an toàn không tẩm hóa chất độc hại. Khi chọn hương người dùng nên chọn hương có màu vàng sậm tự nhiên, bởi đây là màu của bột thảo mộc. Không chọn loại hương có màu vàng óng vì đó thường là hương nhuộm hóa chất tạo màu..

Uyên Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-me-bim-sua-can-biet-huong-khoi-ngay-tet-doc-the-nao-voi-con-tre-d450304.html