Ngày Tết Độc lập trên quê Bác

Trong trái tim muôn triệu người dân đất Việt, những ngày Thu lịch sử này lại bồi hồi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tròn 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, hôm nay cuộc sống của mỗi người dân đất Việt đã ấm no, hạnh phúc.

Hòa chung trong không khí hân hoan, vui tươi của ngày Tết Độc lập của cả dân tộc, nhiều người dân trên mọi miền Tổ quốc đã hành hương về quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) để tưởng nhớ, tri ân và báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm nay, kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh 2-9 trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, nên lượng người về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh giảm hơn so với những năm trước. Một số hoạt động văn hóa, thể thao địa phương đều tổ chức hằng năm nhưng năm nay cũng hạn chế hơn. Vậy nhưng, trong trái tim mỗi người dân khi hành hương về đây và tất cả người dân quê Bác đều tỏ rõ niềm tri ân, tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Nâng niu bó hoa huệ trắng trên tay chờ đến lượt dâng lên ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), ông Lê Minh Thái ở tỉnh Hà Tĩnh nói rằng: “Công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam không gì sánh nổi. Vì thế, dịp Quốc khánh năm nay tôi dẫn con cháu về thăm quê Bác với mong muốn qua đây các thế hệ cháu con tích cực học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Người”.

 Nhiều người mang theo những bó hoa huệ trắng để dâng lên ban thờ Bác tại Khu di tích Kim Liên.

Nhiều người mang theo những bó hoa huệ trắng để dâng lên ban thờ Bác tại Khu di tích Kim Liên.

Một cách thể hiện tình cảm khác mà ông Nguyễn Văn Bình ở Làng Sen 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, cũng như nhiều người dân Kim Liên thường làm vào ngày Quốc khánh 2-9, đó là chọn thứ quả tươi nhất trong vườn nhà để dâng lên Người. Không quá cầu kỳ nhưng ông Bình luôn tâm niệm, mâm cỗ dâng Người trong những ngày này phải thật đầy đủ. Bên cạnh bàn thờ gia tiên, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở Kim Liên luôn dành một vị trí trang trọng để lập bàn thờ riêng thờ Bác. Ngày Quốc khánh 2-9, mỗi gia đình, mỗi người dân nơi đây đã chọn cho mình những cách thể hiện khác nhau nhưng trên tất cả đó chính là tấm lòng thành kính, tri ân với Bác.

Ông Nguyễn Sinh Chung, ở Làng Sen 3, xã Kim Liên chia sẻ: “Ngày Quốc khánh hằng năm thường gần với ngày giỗ Bác. Đây chính là dịp để gia đình đoàn tụ, là thời điểm thích hợp nhất để nhắc nhở con cháu nhớ tới công lao của Người. Mâm cỗ dâng lên Bác chẳng phải cao lương mỹ vị, chỉ là hoa thơm, quả ngọt vườn nhà, nhưng hơn hết là lòng thành kính, biết ơn vô hạn. Đối với người dân Kim Liên nói riêng và Nam Đàn nói chung, ngày 2-9 đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình”.

51 năm Bác Hồ đi xa cũng là chừng ấy thời gian mỗi người con đất Việt luôn tưởng nhớ và biết ơn vô hạn với những gì mà Người đã dành cho non sông, đất nước. Tấm lòng và tình cảm của Bác đã thấm sâu vào tâm thức của mỗi người dân và nhiều nơi trên thế giới, trở thành truyền thống đạo lý, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn như sinh thời Người hằng mong muốn.

Rất đông du khách hành hương về thăm quê Bác trong dịp Quốc khánh 2-9.

“Với tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hằng năm các đoàn khách lại hành hương về thăm quê hương của Người với tấm lòng thành kính và tri ân đối với lãnh tụ kính yêu. Chúng tôi là những người bảo vệ những di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm để xây dựng những kế hoạch, phương án để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho du khách đến tham quan để thể hiện tình cảm của mình đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời bố trí người thuyết minh để giới thiệu cho du khách hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Người, cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích Làng Sen, khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là điểm đến hấp dẫn, là tình cảm thiêng liêng của đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè thế giới” - ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên cho biết: “Vinh dự và tự hào là người dân quê Bác, nên mọi cán bộ, nhân dân Kim Liên luôn ra sức đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng xã nhà ngày càng giàu mạnh. Điều đó được khẳng định bằng bộ mặt của quê hương và đời sống nhân dân trong toàn xã không ngừng nâng lên. Kỷ niệm ngày Quốc khánh cũng là dịp để mọi người dân Kim Liên chúng tôi nguyện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương của Người và cũng là dịp để mỗi gia đình báo công với Bác về những thành quả đạt được trong học tập, lao động”.

Bài, ảnh: MAI SƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ngay-tet-doc-lap-tren-que-bac-633639