Ngày Tết con cháu ở xa, đành cúng tổ tiên qua... online

Ngày Tết, các kỹ sư tại đài hóa thân hoàn vũ vẫn phải làm việc, họ không những không được nghỉ vì khối lượng công việc thậm chi' còn nhiều hơn ngày thường. Không những vậy, chuyện 'tắc đường' về với tổ tiên của người khuất núi cũng diễn ra vào dịp Tết.

"TẮC ĐƯỜNG" VỀ VỚI ÔNG, BÀ

Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức (Phù Ninh – Phú Thọ) những ngày cuối năm nhiều chiếc xe tang nối dài chờ đến lượt để đưa người thân qua đời vào làm lễ và hỏa thiêu.

Dịp cuối năm, có đến vài chục ca đã đăng ký làm thủ tục hỏa táng. Trong số đó, có những trường hợp mất vì bệnh tật tuổi già, nhưng cũng có không ít trường hợp bị tai nạn thương tâm qua đời khi tuổi đời còn trẻ.

Chuyện 'tắc đường' cũng xảy ra với người quá cố.

Chuyện 'tắc đường' cũng xảy ra với người quá cố.

Ông Nguyễn Nô En – Phó giám đốc Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức cho biết, đối với các cán bộ làm việc tại đây, ngày Tết cũng vẫn làm việc như những ngày thường. Tuy nhiên, trong những ngày Tết các cán bộ phải chia nhau ra để trực vì thế số cán bộ làm việc ít hơn, nên công việc nhiều và vất vả hơn.

Tết, các lò hỏa thiêu chỉ nghỉ duy nhất một ngày mùng 1, còn lại vẫn hoạt động bình thường. “Ngày mùng 1, nếu gia đình có người qua đời đến đăng ký vẫn có bộ phận tiếp nhận và để ngày mùng 2, mùng 3 đưa đi hỏa táng”, ông Nô En nói.

Dịp Tết, nhân viên làm việc ở đài hóa thân hoàn vũ phải làm việc vất vả. Cảnh “tắc đường”, đợi chờ để người thân được vào làm lễ và hỏa thiêu diễn ra tại đây.

Ông Nô En chia sẻ rằng vì một số lý do, cảnh 'tắc đường' cũng diễn ra với người mất.

Thông thường với những gia đình có người mất trong ngày 29 hoặc 30 họ sẽ đưa đi hỏa táng ngay chứ không để qua năm mới. Còn đối với những người mất ngày mùng 1 Tết, họ sẽ không phát tang ngay mà để đến ngày mùng 2, mùng 3 Tết. Bởi vậy mới xảy ra tình trạng “tắc đường”.

Một trong những lý do mà ngày Tết, nhân viên hầu như không được nghỉ là do số người mất do tai nạn giao thông tăng.

TẾT LÀM VIỆC HẾT CÔNG SUẤT

Anh Hoàng Văn B. (SN 1990) – nhân viên tại đây cho biết, dù trong những ngày Tết số ca có tăng lên nhưng khi làm việc, các nhân viên đều phải tuân thủ đủ quy trình và nguyên tắc khi hỏa táng.

Nói về công việc của mình khi làm vào dịp đầu năm, anh B. cho biết, với nhiều người kiêng cữ tránh gặp người mất trong ngày Tết vì sợ vận đen, nhưng anh và các đồng nghiệp của mình lại không nghĩ vậy.

“Với công việc này, chúng tôi chỉ tâm niệm sẽ tận tâm, trách nhiệm hơn để người thân được an lòng, còn người mất được siêu thoát”, anh B, chia sẻ.

Tết xa nhà của các nhân viên tại công viên Thiên Đức.

Việc xa gia đình ngày Tết thường đem lại cảm giác chạnh lòng, nhưng với anh B. và nhân viên làm nghề này, phải san sẻ công việc cho nhau.

Nhân viên B. nói rằng, đa số là những người ở địa phương, nên ngày nghỉ vẫn có thể về được với gia đình. Khác với chỗ khác, sẽ không có nhạc mừng năm mới, không có tiếng cười sảng khoái hay lời chúc rộn vang...

CÚNG ONLINE CÁCH HÀNG NGÀN CÂY SỐ

Với những gia đình ở xa không thể về tạ mộ tổ tiên, ông bà ngày cuối năm, họ sẽ áp dụng phương pháp cúng online để bảy tỏ lòng thành kính.

Thời đại 4.0, quỹ đất làm nghĩa trang ngày càng bị thu hẹp khiến nhiều người dân phố thị và định cư nước ngoài phải đưa người thân đến các nghĩa trang tập trung chôn cất. Chính vì thế việc thường xuyên đến chăm sóc mộ phần, nhang khói cho người quá cố gặp không ít khó khăn vì khoảng cách địa lý.

Những ngày cuối năm các công nhân tại đây miệt mài làm việc với khối lượng công việc nhiều hơn ngày thường, lượng người đổ về thắp hương cho người thân cũng tăng lên đáng kể.

Nhiều người bận bịu công việc hoặc ở xa không trực tiếp đến mộ phần đành phải sử dụng việc cúng online để tưởng nhớ tới ông bà, tổ tiên.

Anh Hùng, một công nhân chăm sóc mộ phần cho biết, ngoài việc phải chăm sóc, dọn dẹp mộ phần thì các cán bộ nhân viên làm việc ở đây còn phải lo hương khói, cúng tạ mộ cho hàng trăm ngôi mộ.

Trong số các mộ phần an táng tại nghĩa trang này có những gia đình ở xa, thậm chí là ở tận nước ngoài nên họ không thể về cúng tạ cho người thân vào dịp cuối năm. Chính vì thế, nhân viên ở nghĩa trang sẽ đảm nhận luôn cả việc cúng bái cho các phần mộ này.

Không thể về cúng trực tiếp nhưng người thân cũng có thể cúng online hoặc xem phát trực tiếp khi các cán bộ, nhân viên nghĩa trang làm lễ.

“Theo yêu cầu của gia đình, khi cúng, nhân viên sẽ chụp ảnh, quay video trực tiếp để gia đình xem. Các vật dụng, đồ lễ cúng đều được chuẩn bị đầy đủ và cúng có bài bản vì thế các gia đình ở xa cũng rất yên tâm”, anh Hùng chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Cương – Chánh văn phòng BQL Công viên Thiên Đức cho biết, đối với việc chăm sóc mộ phần không chỉ dịp cuối năm, mà tất cả những ngày trong năm các công nhân vẫn thực hiện thường xuyên.

Theo ông Cương đối với những người vào làm việc tại đây đều được sát hạch và tuyển chọn kỹ lưỡng, bởi đây là công việc liên quan đến tâm linh, vì thế người làm phải có tâm có đức.

Ông Cương ví von việc chăm sóc mộ phần, nhất là khi lau chùi phải làm sao cho sạch sẽ nhất như... lau mặt mình.

Ông Hoàng Văn Cương trả lời phỏng vấn

Ông Cương cho rằng đây là xu thế cúng online nở rộ ở thời đại 4.0. Việc làm này giúp cho những người đi làm ăn, công tác xa nhà vẫn làm trọn hiếu nghĩa với người đã khuất.

“Việc về trực tiếp thắp nén hương lên tổ tiên và cho những người đã khuất vẫn là tốt nhất. Nhưng trong điều kiện bất khả kháng thì việc cúng online cũng là một giải pháp nên áp dụng. Điều cốt yếu là họ một lòng hướng về tổ tiên bằng sự chân thành và tìm thấy sự bình an, thanh thản khi đã làm tròn đạo nghĩa với tổ tiên, ông bà...”, ông Cương chia sẻ.

Đoàn Tuấn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tet-khong-tieng-cuoi-chuyen-tac-duong-ve-voi-to-tien_69211.html