Ngày tàn của nhóm trộm vác bao tiền nghênh ngang trên phố

Khoảng năm 2000 trở về xã hội, gã còn nguy hiểm hơn bởi ngày càng lọc lõi mánh khóe lừa gạt người lương thiện.

Năm 1994, tròn 20 tuổi, Công “Ninja” (tức Nguyễn Thế Công, ngụ phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) lần đầu phải trả giá 7 năm tù. Nhưng gã đã kịp khẳng định “đẳng cấp” siêu trộm trong “thế giới ngầm”. Khoảng năm 2000 trở về xã hội, gã còn nguy hiểm hơn bởi ngày càng lọc lõi mánh khóe lừa gạt người lương thiện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Kẻ cắp gặp bà già”

Ngày Công ra tù, băng cũ đã tan rã nhưng gã chả mấy quan tâm. Với Công, băng nhóm chỉ là chỗ để gây thanh thế, còn trong các phi vụ, lên kế hoạch là gã, “vai chính” cũng do gã đóng luôn. Rủ rê thêm mấy bạn tù, gã lập băng mới, lần này, chúng hoạt động trên khắp bước đường lang bạt chứ không cố định địa bàn nào.

Việc ấy giúp gã trốn tránh sự kiềm tỏa của luật pháp đối với kẻ không chịu hoàn lương. Không chỉ nhanh, khéo và lì lợm, gã còn giỏi “đọc” tâm lý người bị hại. Vụ gây án năm 2000 ở Trúc Sơn huyện Chương Mỹ) cho thấy gã ngày càng hoàn thiện kỹ năng nguy hiểm này.

Bấy giờ, trên địa bàn có một cửa hàng thu mua phế liệu khá lớn. Hàng chục năm bám nghề, có thể nói người chủ lọc lõi đủ loại mánh khóe bán buôn. Vậy mà anh ta vẫn bị Công “ninja”dàn trận đưa vào bẫy. Sau này kể lại vụ việc, dù cay cú, anh ta cũng phải khâm phục thủ đoạn tinh vi của gã giang hồ.

Hôm ấy khoảng giữa trưa, cửa hàng xuất hiện vị khách ăn mặc như thợ điện. Vị khách cứ nhìn trước nhìn sau, dáng vẻ có gì đó lén la lén lút. Được hỏi, vị khách hạ giọng thì thào: “Anh có mua đồng lõi dây điện không”. Nghề phế liệu chẳng chê món nào, chủ hàng gật đầu, vị khách “sô” hàng luôn: “Tôi có hơn tấn dây điện 3 pha, đồng vẫn nguyên trong lõi, giá cả thế nào?”.

Đến đây thì chủ hàng vỡ lẽ. Nhìn dáng vẻ khách, hoàn toàn dễ hiểu dây điện đó ở đâu ra. Đúng là cùng thời điểm, trên địa bàn có nhiều công trình thi công điện cao thế. Vị khách cũng không định giấu giếm: “Nói thẳng với anh, lương công nhân thấp quá, anh em tôi lợi dụng sơ hở, “thuổng” được số dây này. Bán giá phải chăng thôi, đôi bên cùng có lợi”. Sau này kể lại, chủ hàng thú nhận: “Lúc ấy, tôi cũng nổi máu tham.

Nếu đúng dây 3 pha nguyên thì tôi có “cửa” bán theo giá dây điện, trong khi chỉ phải mua giá đồng nát.Như vậy, có lãi lớn”. Vậy là vì chút máu tham, chủ hàng đã đồng ý mua đồ gian. Nhưng màn kịch mới chỉ bắt đầu. Chừng nửa tiếng sau, đúng hẹn, vị khách quay lại cùng chiếc xe tải nhỏ, thùng xe bịt kín mít. Anh ta nhảy xuống, dáng vẻ còn cuống quýt hơn cả lúc trước, luôn miệng giục chủ hàng lên xe xem.

Đúng là cả tấn dây vẫn cuốn nguyên vào “lô” gỗ, chỗ đầu dây thò ra 3 lõi đồng sáng chóe. Tuy nhiên, dù “tham mờ mắt”, chủ hàng vẫn muốn mang ra ngoài kiểm tra kỹ hơn. Lúc này, vị khách tỏ vẻ cáu, thậm chí bật ra tiếng chửi thề.

Anh ta bảo: “Tôi đã nói với ông đây là dây trộm từ công trình ra. Đồ ăn cắp còn cứ mang ra mang vào, bị phát hiện thì tôi rũ tù chứ đâu phải ông”. Cuối cùng, vị khách “chốt” câu quyết định: “Thôi, ông không mua thì tôi tìm chỗ khác. Lằng nhằng rách việc”.

Sợ mất món hời, chủ hàng vội đồng ý, trả tiền không cần kiểm tra nữa. Nhận tiền xong xuôi, vị khách vẫn chưa hết cảnh giác. “Giờ tôi cho đánh đuôi xe vào vườn, hạ vội dây xuống. Anh chờ một thời gian, thấy êm êm hãy mang đi bán nhé”.

Vụ mua bán hoàn tất, chủ hàng có nằm mơ cũng không nghĩ vừa bị nhận quả đắng. Vài tuần sau, đúng lời dặn, chủ hàng mới sờ đến đống dây, để rồi tá hỏa phát hiện ngoài mấy đầu đồng, trong lõi 3 pha toàn là cát.

Người bi hại bật cười khi nhớ lại: “Dù cay cú nhưng tôi tâm phục khẩu phục. Hắn ta diễn quá giỏi và nắm bắt được tâm lý tham lam của tôi. Bị đẩy vào thế mua đồ ăn cắp, cuối cùng kẻ cắp lại gặp bà già”. Đến đây, độc giả hẳn đã đoán được gã đóng giả thợ điện là ai. Công “ninja” tái xuất giang hồ toàn bằng những độc chiêu như vậy.

“Tham thì thâm”

Thời điểm sau khi ra tù, băng Công “ninja” vừa trộm cắp vừa lừa đảo, tìm thấy mồi ở đâu thì ra tay ở đấy, không cố định. Đáng chú ý, càng về sau, các phi vụ do Công “đạo diễn” càng tinh vi, cả về cách thức và thủ đoạn.

Vụ việc năm 2003 ở tiệm vàng K.T (phố Hàng Than, quận Ba Đình) là một ví dụ. Đây là hiệu vàng khá nổi tiếng trên địa bàn, lúc nào cũng tấp nập kẻ mua người bán. Vụ này Công xuất hiện như một dân chơi, ăn mặc chải chuốt, tác phong sành điệu. Trong khoảng mộttháng, hầu như ngày nào gã cũng mua vàng rồi vài bữa lại bán. Các hiệu vàng đều thích loại khách này. Giá vàng mua vào bán ra chênh lệch, mua bán càng nhiều thì cửa hàng càng nhanh có lãi.

Công tất nhiên đã trở thành khách quen. Có lúc gã còn nán lại tâm sự cùng quản lý cửa hàng, than rằng mình làm về cờ bạc, kiếm ăn ngày càng khó. Một ngày, gã đến mua liền mấy chục “cây” vàng, toàn loại nhẫn trơn, nói hôm nay làm vụ lớn.

Rồi vài hôm sau, chọn lúc đông khách nhất, gã mới xuất hiện. Vẻ mặt ra vẻ thất thần, gã bán lạisố vàng, than số mình đen đủi, giục cửa hàng xử lý nhanh để còn về trả tiền cho khách. Cần biết rằng, hiệu vàng nào cũng có kí hiệu riêng trên trang sức,thể hiện đặc trưng của cửa hàng.Vàng K.T cũng vậy, khắc chữ K.T ở lòng trong chiếc nhẫn.

Lúc ấy đông khách lại thấy khách quen, người giao dịch chỉ kiểm tra ký hiệu chứ không thử vàng. Nhận tiền xong, Công một đi không trở lại. Phải vài ngày sau, khi kiểm kê, cửa hàng mơítá hỏa phát hiện,toàn bộ số nhẫn là giả.

Vụ này, Công đã sử dụng đến cả kỹ năng chế tác vàng của một thợ kim hoàn biến chất. Nhẫn đều bằng chì với cân nặng tương đương, được mạ lớp vàng bên ngoài. Khéo léo hơn, đoạn nhẫn có kí hiệu K.T được nối vào đoạn nhẫn vàng giả một cách hoàn hảo. Kỹ xảo cùng với khả năng chọn thời điểm ra tay, giỏi “đọc” tâm lý, Công “ ninja” ngày càng nguy hiểm, khó nắm bắt. Thêm nữa, băng nhóm của gã hoạt động trên nhiều địa bàn,sử dụng nhiều thủ đoạn, ít lộ manh mối.

Có lẽ vì thế, dù gây ra nhiều vụ án nhức nhối, Công cùng đồng bọn vẫn lọt lưới pháp luật. Phải đến năm 2005, gây ra vụ trộm cực lớn ở Kim Liên (quận Đống Đa) khi lòng tham che mờ sự tinh quái, Công“ ninja” mới bó tay chịu trói. Mục tiêu của chúng là một công ty liên doanh với nước ngoài, đang làm ăn phát đạt. Thông qua điều nghiên và “chân gỗ” là người từng làm trong công ty, Công nắm được thời điểm tiền chuyển về trả lương cho công nhân.

Theo “chân gỗ”, số tiền lên tới hàng trăm nghìn USD cùng một lượng lớn tiền Việt. Công cùng đồng bọn ra tay vào lúc rạng sáng. Có mách nước từ “chân gỗ”, lại thêm là những kẻ trèo tường phá khóa chuyên nghiệp, chúng dễ dàng lọt vào phòng để két sắt. Đúng như báo trước, phá két xong, nhóm trộm hý hửng trước số tiền lớn.

Ngoài hơn 200 nghìn USD, còn rất nhiều tiền Việt, được đóng trong vài bao đựng vuông vức như xếp gạch. Mờ mắt vì tiền, Công quên hết mọi nguy cơ. Băng trộm khệ nê vác các bao tiền, vượt tường ra ngoài. Đen đủi cho chúng cũng là may mắn cho công ty kể trên, đi chừng vài trăm mét, băng trộm chạm mặt tổ tuần tra.

Nửa đêm nửa hôm bê vác đầy khả nghi, công an lập tức tiến hành xét hỏi. Băng trộm mạnh ai nấy chạy nhưng không kẻ nào trốn thoát. Sau đó, nhiều vụ án do băng Công “ninja” gây ra được làm rõ. Dân anh chị cho rằng vụ này gã đã quá tham.

“Cố đấm ăn xôi” vác bao tiền nghênh ngang trên phố như thế, không tra tay vào còng mới lạ. Nhưng xét đến cùng, du đãng xưa nay vẫn vậy, có bao giờ thấy tiền mà chê. Và cũng là luật trời công bằng, làm ác trước sau gì cũng trả giá. Công “ninja” lĩnh 20 năm tù, băng nhóm của gã bị xóa sổ!

Việt Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/ngay-tan-cua-nhom-trom-vac-bao-tien-nghenh-ngang-tren-pho-d101071.html