Ngày tàn của B-1B Lancer sắp điểm?

Lực lượng không quân Mỹ đình chỉ các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược B-1B, sau những sự cố nghiêm trọng liên tiếp xảy ra.

B-1B liên tiếp gặp sự cố nghiêm trọng

Vào ngày 23 tháng 4, trang web AirForceTimes tham chiếu nguồn tin từ Bộ Chỉ huy các cuộc tấn công toàn cầu của Không quân Hoa Kỳ đăng tải thông tin về một tuyên bố đình chỉ các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Không quân Mỹ.

Các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer của Mỹ bị đình chỉ do các vấn đề kỹ thuật được xác định trong hệ thống nhiên liệu của một chiếc máy bay loại này.

Theo ghi nhận, vào đầu tháng, sau vụ hạ cánh khẩn cấp của chiếc máy bay B-1B mang số hiệu 86-0104 tại căn cứ không quân Ellsworth ở Nam Dakota, người ta đã phát hiện thấy vết rò rỉ nghiêm trọng trong ống bơm nhiên liệu, bộ phận đảm bảo máy bay ném bom dùng hệ thống đốt sau.

Liên quan đến vấn đề này, Không quân Mỹ đã ra quyết định đình chỉ bay và tiến hành khảo sát kỹ thuật và bảo trì dự phòng cho toàn bộ phi đội máy bay ném bom, bao gồm 57 chiếc.

Quyết định tạm dừng các chuyến bay được đưa ra từ ngày 20 tháng 4, hiện vẫn chưa có ngày cụ thể nào máy bay có thể hoạt động trở lại.

Cũng mới hồi giữa tháng này, Không quân Mỹ cũng phải thừa nhận về vụ tai nạn hiếm có với 1 trong 4 chiếc B-1B Lancer được lực lượng này triển khai đến Na Uy nhằm thị uy trước Nga.

Chiếc B-1B gặp nạn là 1 trong 4 chiếc máy bay tầm xa loại này được Không quân Mỹ điều đến Na Uy hồi tháng 2/2021 'nhằm tăng cường ổn định khu vực trước động thái hung hăng của Nga'.

Trang Drive dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Không đoàn ném bom số 7 không quân Mỹ David Scott-Gaughan hôm 16/4 cho biết, một chiếc oanh tạc cơ B-1B đã bị nổ động cơ trong chuyến triển khai đến Na Uy.

Việc sử dụng quá mức khiến B-1B bị hỏng hỏng cấu trúc khung thân

Việc sử dụng quá mức khiến B-1B bị hỏng hỏng cấu trúc khung thân

Không đoàn 7 không đưa thêm bình luận về thông tin này mà chỉ nhấn mạnh rằng, một nữ chỉ huy tại căn cứ Dyess đã bị cách chức vì cấp trên mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo đơn vị của bà.

Vào mùa hè năm ngoái, tờ The Drive đăng một bài báo nói rằng máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer có thể gây ra "vấn đề nghiêm trọng" cho lực lượng quân sự của Nga.

The Drive tiết lộ rằng, trong quá trình các chuyến bay hồi tháng 5 với đồng minh trên Biển Đen, các máy bay ném bom đã sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C để tiêu diệt các mục tiêu của kẻ thù tiềm tàng. Những chuyến bay như vậy trình diễn khả năng của máy bay có thể "gây ra vấn đề đặc biệt nghiêm trọng cho hạm đội Nga".

Mỹ sắp loại biên toàn bộ số B-1B

B-1B là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh có cánh xuôi biến đổi. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu chiến lược của đối phương bằng cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường.

Hiện nay, máy bay ném bom siêu âm B-1B vẫn đang là xương sống trong lực lượng không quân chiến lược của Mỹ, bởi số lượng B-2 Spirit là quá ít, B-52 Stratofortress còn già hơn cả B-1B và máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider vẫn chưa được sản xuất hàng loạt.

Nếu không có những chiếc Lancer, Mỹ không có cách nào để đưa bom và tên lửa đến các khu vực xung đột.

Tuy nhiên, trước khi những sự cố liên tiếp xảy ra, Không quân Mỹ cũng đã buộc phải ra một quyết định đầy khó khăn là cho ngừng hoạt động các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer, sau hàng loạt vấn đề liên tiếp xảy ra vào những năm trước.

Những chiếc máy bay thế hệ mới B-21 Raider vẫn chưa được sản xuất hàng loạt

Ở giai đoạn đầu, họ sẽ loại biên gần một phần ba số máy bay hiện có. Lầu Năm Góc dự kiến sẽ thay thế chúng bằng dòng máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider, nhưng, những chiếc máy bay này vẫn còn lâu mới được sản xuất hàng loạt.

Không quân Hoa Kỳ hiện có khoảng 60 máy bay ném bom B-1B Lancer. Vào cuối năm nay, dự kiến sẽ có tới 17 máy bay B-1B sẽ được Mỹ cho ngừng hoạt động, đây là những phương tiện lâu đời nhất, không còn có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Lầu Năm Góc lưu ý, các hoạt động hỗ trợ liên tục cho máy bay ném bom B-1 Lancer trong 20 năm qua đã làm hỏng cấu trúc khung thân do khai thác quá mức, các máy bay này đã được sử dụng tích cực trong các chiến dịch quân sự, đã thực hiện hàng nghìn lần xuất kích, chủ yếu là ở Trung Đông, mà những chiếc Lancer không phù hợp với các điều kiện khí hậu ở đó.

Nếu muốn tiếp tục sử dụng, chúng cần phải được hiện đại hóa và sửa chữa lớn với chi phí rất cao. Theo ước tính của giới quân sự Mỹ, việc bảo dưỡng những chiếc máy bay già cỗi nhất cần từ 10 đến 30 triệu USD. Do đó, loại biên những chiếc máy bay này là hợp lý nhất.

Tháng 3 vừa qua, chiếc Lancer đầu tiên đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở Nam Dakota bay đến Nghĩa địa máy bay ở căn cứ quân sự Davis-Monthan, bang Arizona.

Hàng nghìn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đã ngừng hoạt động đang nằm rỉ sét ở nghĩa địa này. Nếu cần thiết, một số máy bay có thể được đưa trở lại hoạt động, một số thiết bị nằm đó chờ bán sắt vụn hoặc tháo dỡ những bộ phận nào còn sử dụng được.

Sau khi loại biên một số chiếc máy bay, Không quân Mỹ sẽ sử dụng kinh phí tập trung bảo dưỡng, duy tu cho 45 máy bay chiến lược còn lại, nâng cấp từng nhóm máy bay theo đợt niên hạn sử dụng. Và chiếc B-1 cuối cùng dự định sẽ ngừng hoạt động vào năm 2036.

Những sự cố liên tiếp xảy ra với B-1B từ năm ngoái đến năm nay, dường như càng củng cố quyết tâm loại biên một số lượng lớn máy bay loại này của Lầu Năm Góc, thậm chí là với tiến độ nhanh hơn trước. Ngày tàn của những chiếc Lancer dường như đã sắp đến?

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/ngay-tan-cua-b-1b-lancer-sap-diem-3431171/