Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) 26-4: Tôn vinh doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) năm 2021 có chủ đề: 'Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ - mang ý tưởng của bạn đến với thị trường'. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái nặng nề do đại dịch Covid-19, đưa ra thông điệp này, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) muốn tôn vinh các doanh nghiệp nhỏ và vừa như một lực lượng bền bỉ, sáng tạo, năng động, tạo ra lợi nhuận cho chính mình và duy trì tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vai trò quan trọng trong việc đưa các ý tưởng đến với thị trường. Trong ảnh: Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty TNHH Tâm Hợp (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nhật Nam

Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Năm nay, trong bối cảnh toàn cầu đang phải nỗ lực đương đầu với đại dịch Covid-19, ảnh hưởng mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia, khi hầu hết các nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái nặng nề, thông điệp cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đã được lựa chọn: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ - mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, đóng một vai trò quan trọng trong duy trì tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP), 31% tổng thu ngân sách. Trưởng phòng Tư vấn quản lý đầu tư Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Phan Thị Diễm Ngọc cho biết, trong 4 năm gần đây, mỗi năm Hà Nội có từ 25.000 đến 28.000 doanh nghiệp thành lập mới. Qua khảo sát tại các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp của Hà Nội cho thấy, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là những chủ thể quan trọng, linh hoạt, năng động, góp phần tạo ra những đổi mới đột phá và sáng tạo. Các ý tưởng, phương thức kinh doanh hiệu quả sẽ trở thành một tài sản trí tuệ có thể dẫn hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận cho chính mình, góp phần phục hồi nền kinh tế, đem lại những giá trị lớn lao cho xã hội. Sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là niềm cảm hứng, khuyến khích các chủ thể khác của nền kinh tế cùng góp sức tạo ra những thành tựu kinh tế đáng tự hào.

Ý nghĩa nhân văn của thông điệp

Trải qua các đợt dịch Covid-19 liên tiếp trong hơn một năm qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phải chịu nhiều thiệt hại. Theo “Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố tháng 3-2021, có gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh với nhiều hệ lụy. Nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm hoạt động. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ được khả năng thích ứng và đột phá không chỉ trong tăng trưởng về doanh thu, mà còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả bằng các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến của mình. Họ là những nhân tố bền bỉ, vững vàng, có sức đề kháng mạnh mẽ trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần giúp cho nền kinh tế đất nước đứng vững và có bước tăng trưởng.

Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tinh thần “khó khăn gấp hai, phải nỗ lực, cố gắng gấp ba”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”..., nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, như: Chuyển hướng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng mới...

Theo một khảo sát mới nhất, 47% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam được hỏi cho rằng, việc áp dụng kỹ thuật số là chìa khóa để đưa doanh nghiệp phát triển sau đại dịch. Khi đề cập đến chiến lược phục hồi, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, ba lĩnh vực chính hỗ trợ việc phục hồi bao gồm: Tiếp cận các khoản tài trợ và cho vay; đổi mới sản phẩm và dịch vụ; hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường tiêu dùng.

Tôn vinh các doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng trong khó khăn, nắm bắt cơ hội để thành công và có sự quyết tâm mang các ý tưởng sáng tạo đến với thị trường, thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay bao hàm những giá trị nhân văn và mang ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/997354/ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-ip-day-26-4-ton-vinh-doanh-nghiep-nho-va-vua