Ngày Quốc tế Phụ nữ và sáng kiến 'Khi đàn ông lên tiếng' của Thụy Điển

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, lần đầu tiên Sáng kiến #globalguytalk (Khi đàn ông lên tiếng) của Thụy Điển được tổ chức tại Việt Nam để khuyến khích nam giới nói về những điều họ hiếm khi nói tới.

Chiều ngày 8/3, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, với sự hợp tác của Viện Thụy Điển và tổ chức phi lợi nhuận Make Equal, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đã tổ chức ra mắt sự kiện #globalguytalk tại Việt Nam.

Thụy Điển được xếp hạng là một trong những quốc gia bình đẳng giới nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong năm quốc gia có chính sách đối ngoại nữ quyền. Công tác bình đẳng giới từ lâu đã trở thành cuộc đấu tranh của phụ nữ và các tổ chức của phụ nữ.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: An Lê)

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: An Lê)

Do đó, sứ mệnh quan trọng của Thụy Điển là thu hút nam giới và trẻ em trai tham gia vào công việc vì các xã hội bình đẳng giới, chẳng hạn bằng cách thực hiện các sáng kiến thúc đẩy các hình thức nam tính tích cực. Sự tham gia của nam giới là yếu tố then chốt trong việc xóa bỏ các thái độ văn hóa và xã hội cơ bản ủng hộ sự bất bình đẳng giới.

Ra mắt lần đầu vào năm 2016, sáng kiến bình đẳng giới “Khi đàn ông lên tiếng” của Thụy Điển đã thu được nhiều thành công.

Ông Johan Alvin, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thụy Điển cho biết, sáng kiến này là điểm khởi đầu của ý tưởng có tên “bữa tối của đàn ông” của tổ chức bình đẳng Make Equal. Kể từ đó, vô số bữa tối của đàn ông đã được tổ chức trên khắp Thụy Điển: trong Quốc hội, trong các câu lạc bộ bóng đá và tại nhà riêng, với những người tham gia chia sẻ kinh nghiệm của họ về mọi khía cạnh, từ tình yêu, tình dục đến lòng tự trọng và những điều tổn thương.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe bày tỏ sự hào hứng khi chương trình này được tổ chức tại Việt Nam. Mục đích của sự kiện là để nam giới có cơ hội tham gia vào các cuộc trò chuyện và là cách thức họ có thể đóng góp để tạo ra một xã hội bình đẳng hơn".

Đại sứ Ann Måwe nhấn mạnh: "Mục tiêu tổng thể của bình đẳng giới là một xã hội trong đó phụ nữ và nam giới được hưởng các cơ hội, quyền và nghĩa vụ như nhau trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Một yếu tố giúp đạt được điều đó chính là khi nam giới hiểu được cơ hội của mình, là một phần của sự thay đổi tích cực, để phản ánh hoàn cảnh của chính họ. Tôi tin rằng cần có một mối quan hệ gia đình lành mạnh mà đàn ông nói chuyện với nhau và vượt qua tâm lý gia trưởng phổ biến là không chia sẻ cảm xúc".

#globalguytalk có thể được xem là phần tiếp theo của triển lãm ảnh “Những ông bố Thụy Điển” được đánh giá cao của nhiếp ảnh gia Johan Bävman - được trình chiếu tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này đã truyền cảm hứng cho khá nhiều sáng kiến tương tự ở Việt Nam trong vài năm gần đây, điển hình là “Những ông bố Việt Nam” và “Những gia đình bình đẳng Việt Nam”.

Hình ảnh trưng bày tại triển lãm "Khi đàn ông lên tiếng". (Ảnh: An Lê)

Với #globalguytalk, Ban tổ chức mong muốn xây dựng dựa trên kinh nghiệm từ các ông bố Thụy Điển để thúc đẩy công việc với nam giới và trẻ em trai để ủng hộ một xã hội bình đẳng giới. Và triển lãm “Khi đàn ông lên tiếng” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong những hoạt động có ý nghĩa như vậy.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân cho biết bà rất ấn tượng và thấy nội dung triển lãm này thực sự thú vị, bởi tại Việt Nam chưa có nhiều diễn đàn để nam giới có cơ hội được nói lên suy nghĩ của mình. Và chính điều đó cho chúng ta thấy rằng bình đẳng đôi khi không đến từ những gì to tát, mà nó bắt nguồn từ sự hòa hợp, lắng nghe để thấu hiểu tâm tư, tình cảm và mong muốn từ hai phía, từ đó, cùng chung tay, cam kết và nỗ lực để xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.

“Là đơn vị trực thuộc và kênh truyền thông của Hội LHPN Việt Nam, bên cạnh việc gìn giữ và giới thiệu di sản của phụ nữ Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn nhận thức rõ sứ mệnh và thực hiện nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về vấn đề bình đẳng giới. Điều này thể hiện qua các trưng bày phản ánh các vấn đề xã hội mà Bảo tàng đã và đang thực hiện, cũng như các sự kiện phối kết hợp với các tổ chức quốc tế về những chủ đề có lăng kính đa chiều đậm chất giới”, bà Nguyễn Hải Vân nói.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng bình đẳng giới không phải câu chuyện từ một phía nam giới hay nữ giới mà là cùng làm việc và cùng chia sẻ. Ông kêu gọi nam giới, đặc biệt các bạn trẻ Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia #globalguytalk.

“Một trong những yếu tố làm giảm sự tự tin của nam giới khi tham gia vào quá trình bình đẳng giới là việc chúng ta thiếu các hình mẫu tích cực của nam giới trong xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, lo ngại rằng việc nam giới tham gia các chiến lược bình đẳng giới có thể cản trở việc trao quyền cho phụ nữ là một trở ngại bổ sung. Để đạt được sự bình đẳng trong xã hội, tôi tin rằng chúng ta sẽ chỉ thành công khi có sự tham gia của cả nữ giới và nam giới", ông Đặng Hoa Nam khẳng định.

Mục đích của sự kiện là để nam giới có cơ hội tham gia vào các cuộc trò chuyện và là cách thức họ có thể đóng góp để tạo ra một xã hội bình đẳng hơn. (Ảnh: An Lê)

Gửi chia sẻ qua màn hình video, ông David O. Kronlid - Phó Giáo sư tại Đại học Uppsala, Thụy Điển cũng khuyến khích đàn ông trong gia đình và công sở nói lên tiếng lòng của chính mình. Theo Phó Giáo sư David O. Kronlid, hiện nay đang xảy ra tình trạng nam giới né tránh thổ lộ những vấn đề tế nhị hoặc che giấu cảm xúc.

“Chúng ta luôn được dạy đàn ông phải mạnh mẽ, không được khóc... Thế nhưng, thông qua giao tiếp thẳng thắn và chân thành, chúng ta sẽ thấu hiểu nhau và chia sẻ với nhau thường xuyên hơn”, ông David O. Kronlid nói.

Swedish Dads (Những ông bố Thụy Điển) là một trong những triển lãm được đánh giá cao nhất của Viện Thụy Điển với sức ảnh hưởng to lớn ở 76 quốc gia. Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia Johan Bävman có chân dung của 25 ông bố chọn nghỉ phép để ở nhà với con cái trong ít nhất sáu tháng. Triển lãm nhằm thể hiện những tác động tích cực mà hệ thống bảo hiểm hào phóng dành cho cha mẹ có thể có đối với cá nhân và xã hội. Trong nhiều trường hợp, triển lãm đã được bổ sung các bức tranh và cuộc trò chuyện địa phương về bảo hiểm của cha mẹ, vai trò giới tính và sự hủy hoại nam tính. Make Equal là các chuyên gia về bình đẳng tập trung vào giải pháp, những người làm việc với các phương pháp và chiến lược cho công việc bình đẳng thực tế. Các chiến dịch của họ đã tiếp cận hơn 100 triệu người trên toàn thế giới. #Guytalk được thành lập bởi Ida Östensson và Make Equal vào năm 2016 và nhanh chóng lan rộng khắp Thụy Điển. #Guytalk là một phương pháp để bắt đầu các cuộc trò chuyện về các chủ đề khác nhau về cảm giác trở thành đàn ông và dựa trên ý tưởng rằng cuộc đối thoại về bình đẳng giới cũng cần được làm chủ bởi nam giới và trẻ em trai, không chỉ phụ nữ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-quoc-te-phu-nu-va-sang-kien-khi-dan-ong-len-tieng-cua-thuy-dien-138701.html