Ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc qua ký ức người đương thời

Hôm ấy, Hà Nội rực đỏ màu cờ cùng với đèn, hoa. Biểu ngữ bằng đủ thứ tiếng Việt, Pháp, Hoa, Anh, Nga được giăng khắp các con phố với nội dung 'Nước Việt Nam của người Việt Nam'.

Đã qua 74 năm kể từ lần đầu tiên Quốc khánh được tổ chức tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, ký ức và giá trị của ngày lễ Độc lập đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam thì vẫn vẹn nguyên. Thế hệ hôm nay, dù không được sống trong không khí thiêng liêng của gần ba phần tư thế kỷ trước, vẫn có thể hình dung và tự hào về ngày Độc lập qua hồi ức của những người đương thời, dạo ấy…

Hà Nội đỏ rực cờ hoa

Nhà thơ Cù Huy Cận trước đó cùng với ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại (lễ thoái vị diễn ra chiều 30/8/1945). Sáng hôm sau, đoàn lên xe về Hà Nội để kịp báo cáo với Chính phủ trước lễ Tuyên bố độc lập.

Không khí ngày 2/9 không được nhà thơ của Tràng giang kể lại, nhưng ý nghĩa của ngày Độc lập trong Hồi ký song đôi của ông vẫn còn để lại đôi dòng: “Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở quảng trường Ba Đình chiều ngày 2/9/1945. Nhân dân cả nước rạo rực, phấn khởi - chính quyền nhân dân địa phương được thiết lập từ Nam chí Bắc”.

Lúc ấy, Huy Cận là thành viên của Chính phủ lâm thời với vị trí Bộ trưởng không bộ.

Quang cảnh quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Quang cảnh quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Cũng là thành viên Chính phủ dạo ấy với tư cách Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, trong Hồi ký Trần Huy Liệu, tác giả họ Trần ghi chép lại ấn tượng của ông về ngày lễ Độc lập dẫu khá ngắn gọn: “Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Tôi cũng báo cáo về phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch”.

Việc báo cáo sự kiện thoái vị ở Huế của vua Bảo Đại như ông Trần Huy Liệu nêu là một trong những nội dung của buổi lễ Độc lập tại Ba Đình sẽ được nói tới ở phần dưới của bài viết này.

Trong hồi ký Tiếp bước chân cha viết về cha mình - GS Nguyễn Văn Huyên - bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh cho hay năm 1968, khi phát biểu trên đài Tiếng nói Việt Nam, GS Huyên đã nhắc tới cảm xúc của ông về ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam mới như một ấn tượng sâu sắc: “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc của mình khi đứng trên quảng trường Ba Đình lịch sử nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Không phải đến lúc đó tôi mới nghe mấy tiếng “Độc lập, Tự do”, nhưng cũng chỉ từ phút đó và qua kháng chiến tôi mới càng thấm thía ý nghĩa sâu sắc hai tiếng đó”.

Ngày 2/9/1945, trong ký ức của Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp (thời điểm tháng 9/1945) qua hồi ức Những năm tháng không thể nào quên (do Hữu Mai thể hiện), có thể nói là rất sâu đậm và sống động, phản ánh được cơ bản không khí lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc sau khi thoát ách Pháp - Nhật.

Theo đó, ngày hôm ấy, Hà Nội rực đỏ màu cờ cùng với đèn, hoa. Biểu ngữ bằng đủ thứ tiếng Việt, Pháp, Hoa, Anh, Nga được giăng khắp các con phố với nội dung “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”… Ngày đó, nhà máy, cửa hiệu, công sở, chợ búa đều không làm việc, “đồng bào thủ đô già, trẻ, gái, trai đều xuống đường. Mọi người đều thấy mình cần phải có mặt trong ngày hội lớn đầu tiên của đất nước”.

Tâm điểm của ngày lễ Độc lập chính là vườn hoa Ba Đình. Mọi người tụ họp về, nào những người thợ, nào nông dân ngoại thành, nào các cụ già, cô gái trẻ, rồi cả các em thiếu nhi cho đến nhà sư, cố đạo cũng “xuống đường, xếp thành đội ngũ đến dự ngày hội lớn của dân tộc”.

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Bắt đầu buổi lễ, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hồ Chí Minh xuất hiện với dáng gầy gò, trán cao, mắt sáng, râu thưa, bận trang phục ka-ki cao cổ, đội chiếc mũ đã cũ, chân đi dép cao su trắng. Một tâm sự mà Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp tiết lộ, ấy là dạo đó không nhiều người biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, “cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào”.

Bản Tuyên ngôn độc lập được vang lên giữa Ba Đình qua giọng đọc phảng phất chất Nghệ, “Lời của Bác điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng. Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp kể lại:

Đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nửa chừng, Bác dừng lại và bỗng dưng hỏi:

- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?

Một triệu con người cùng đáp, tiếng dậy vang như sấm:

- Co.o.ó!

Từ giây phút đó. Bác cùng với cả biển người đã hòa làm một”.

Kết thúc buổi lễ là những lời thề độc lập với nội dung: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu đồ xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng; và nếu Pháp quay lại xâm lược thì “Không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp”.

Tiến trình tiến hành lễ Độc lập

Tác giả Hoàng Hà, trong bài viết “Cuộc mít-tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ ngày Độc lập” đăng trên báo Cứu quốc số 36, ra ngày 5/9/1945 đã tường thuật chi tiết quang cảnh buổi lễ Độc lập. Ngoài khung cảnh được nói tới qua Những năm tháng không thể nào quên ở trên, ta biết được tiến trình tiến hành lễ Độc lập đại lược là:

1. Lễ thượng cờ với cờ đỏ sao vàng được kéo lên, bài Tiến quân ca được vang lên với tư cách Quốc ca của nước Việt Nam mới độc lập;

2. Các thành viên Chính phủ lên kỳ đài, ra mắt quốc dân;

3. Đại biểu ban tổ chức Nguyễn Hữu Đang thông qua chương trình buổi lễ, giới thiệu Chính phủ lâm thời;

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập;

5. Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân;

6. Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp giãi bày tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ;

7. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu tường trình việc nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại ở Huế;

8. Đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng thuật lại cuộc tranh đấu giành độc lập, kêu gọi quốc dân ủng hộ Chính phủ;

9. Quốc dân tuyên thệ;

10. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm vài lời với quốc dân;

11. Kết thúc lễ, quốc dân hát Tiến quân ca và các đoàn thể biểu tình qua các con phố.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập.

Đọng lại trong ngày vui chung của toàn dân tộc - Ngày Độc lập - Ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngoài không khí buổi lễ, ngoài tình cảm lãnh tụ với dân nước, thì trên hết và có giá trị cao hơn hết thảy, đó chính là nội dung của bản Tuyên ngôn độc lập. Bản tuyên ngôn ấy đã khẳng định những lẽ phải không ai chối cãi được về quyền dân tộc, quyền con người: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do […] Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Bản tuyên ngôn đã khái lược lịch sử hơn 80 năm đau thương, mất mát của dân tộc trước ách thực dân, đế quốc và phong kiến cùng sự vùng lên của nhân dân giành quyền độc lập, để rồi kết thúc bằng lời tuyên bố trịnh trọng với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Vang vọng trong chiều thu lộng gió của thủ đô 74 năm trước, giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 vẫn vẹn nguyên đến hiện tại, và cả tương lai.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngay-quoc-khanh-dau-tien-cua-dan-toc-qua-ky-uc-nguoi-duong-thoi-post982138.html