Ngày Phục sinh buồn ở Sri Lanka

Ít nhất 290 người đã thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương trong 9 vụ tấn công đúng ngày Phục sinh ở Sri Lanka. Đây được xem là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc 10 năm trước.

Mạng lưới quốc tế?

Chuyên gia phân tích tội phạm của Chính phủ Sri Lanka Ariyananda Welianga cho hay, các vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời ở 3 nhà thờ và 3 khách sạn trong và quanh thủ đô Colombo hôm 21-4 đã được thực hiện bởi 7 kẻ đánh bom liều chết. Chuyên gia này nêu rõ, 2 phần tử liên quan vụ tấn công khách sạn Shangri-La, trong khi 5 vụ tấn công ở các khách sạn Cinnamon Grand và Kingsbury, nhà thờ St. Anthony ở Colombo, nhà thờ St. Sebastian ở thành phố Negombo và nhà thờ Zion ở thành phố Batticaloa là do 5 phần tử khác thực hiện.

Những đối tượng nói trên đều là người địa phương, song cơ quan điều tra vẫn đang tìm hiểu xem liệu chúng có “liên hệ với nước ngoài hay không”. Rõ ràng, nếu chỉ là người địa phương, các đối tượng này khó có thể làm nên các vụ tấn công chấn động như vậy.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22-4, Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Rajitha Senaratne khẳng định: “Chúng tôi không tin rằng, các vụ tấn công này được tiến hành bởi một nhóm người giới hạn trong nước (Sri Lanka). Có một mạng lưới quốc tế... các cuộc tấn công trên sẽ không thể thành công nếu thiếu mạng lưới này”.

Bộ trưởng Senaratne cho biết, một nhóm vũ trang địa phương tên là National Thowfeek Jamaath (NTJ) phải chịu trách nhiệm về loạt vụ đánh bom liều chết nói trên. Ông nhấn mạnh, dù nhóm NTJ là nhóm trong nước nhưng nghi ngờ vẫn có các mối liên hệ ở nước ngoài.

Mặc dù còn quá sớm để kết luận nhưng chuyên gia phân tích chính trị và địa chiến lược Javed Rana nhận định, rõ ràng, giới chức Sri Lanka hoàn toàn không được chuẩn bị cho loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Trả lời phỏng vấn kênh RT, chuyên gia này cho rằng giới chức Sri Lanka hoàn toàn “mất cảnh giác” trước loạt vụ đánh bom được lên kế hoạch kỹ càng ngày 21-4, bởi “đây là những điều họ không nghĩ sẽ xảy ra sau năm 2009, khi làn sóng nổi dậy của lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) chấm dứt”.

Theo ông Rana, Chính phủ Sri Lanka yên tâm rằng chủ nghĩa khủng bố đã không còn ở quốc gia này. Theo chuyên gia này, hình thức của vụ tấn công cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể là thủ phạm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng LTTE đã gây ra vụ tấn công. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng lên nhận tiến hành loạt vụ đánh bom.

Lực lượng an ninh và điều tra Sri Lankan tại hiện trường vụ đánh bom.

Lực lượng an ninh và điều tra Sri Lankan tại hiện trường vụ đánh bom.

Hành trình không đơn độc

Các quốc gia trên thế giới ngay lập tức có những động thái bày tỏ sự sẻ chia với đất nước Sri Lanka đồng thời lên án loạt vụ đánh bom đẫm máu này. Rõ ràng, nguy cơ an ninh phi truyền thống - khủng bố luôn là trăn trở của nhiều quốc gia để mỗi vụ việc đau lòng như này xảy ra là một nỗi buồn sâu thẳm của không ít các nhà lãnh đạo đang nỗ lực chung tay diệt “con virus” khủng bố. Trước những nỗ lực tìm ra kẻ thủ ác, nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố, chắc chắn, Sri Lanka không đơn độc.

Từ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng “các nhóm khủng bố” đang tiếp tục âm mưu thực hiện các vụ tấn công tiềm tàng ở Sri Lanka, sau khi hơn 290 người thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương trong các vụ nổ ở nhà thờ và khách sạn sang trọng cùng ngày tại đảo quốc ở Ấn Độ Dương này.

Theo thông báo, mục tiêu tiềm ẩn bao gồm các địa điểm du lịch, trung tâm vận tải, trung tâm mua sắm, khách sạn, các địa điểm thờ cúng, sân bay và các khu vực công cộng khác. Đồng thời, cảnh sát thành phố New York của Mỹ đã tiến hành các biện pháp an ninh nghiêm ngặt sau vụ tấn công ở Sri Lanka. Mỹ đã cử một nhóm đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đến Sri Lanka hỗ trợ điều tra, tỏ ý sẵn lòng giúp đỡ nhà chức trách địa phương để khám nghiệm thiết bị nổ và chia sẻ thông tin trong cơ sở dữ liệu

“Thực sự kinh hoàng” là lời Thủ tướng Anh Theresa May thốt lên trong dòng Twitter khi nhắc tới vụ tấn công mà trong đó một số công dân Anh cũng là nạn nhân. “Những hành động bạo lực nhằm vào các nhà thờ và khách sạn tại Sri Lanka thực sự kinh hoàng và tôi chia sẻ sự cảm thông sâu sắc nhất tới tất cả những người bị ảnh hưởng trong thời điểm bi kịch này”, bà viết.

“Thật kinh sợ và buồn rầu khi tôi về các vụ đánh bom tại Sri Lanka cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Tôi gửi lời chia buồn chân thành tới các gia đình nạn nhân, những người đã tụ họp để đi lễ một cách hòa bình hoặc những người tới thăm quốc gia xinh đẹp này”, thông điệp đến từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) Jean-Claude Juncker.

Về phía Nga, trong bức điện chia buồn gửi tới người đồng cấp Sri Lanka, Tổng thống Putin khẳng định Nga vẫn là “một đối tác tin cậy của Sri Lanka trong cuộc chiến chống khủng bố”. Nga sẵn sàng hỗ trợ quốc đảo này tìm ra những kẻ đứng sau các vụ tấn công và điều tra nguyên nhân các vụ nổ gây chết người. Thông điệp này cũng được Thủ tướng Đức Merkel khẳng định. Bà nhấn mạnh, chính phủ và người dân Đức sẽ luôn sát cánh và sẵn sàng giúp đỡ Sri Lanka vượt qua thảm kịch này.

Phát biểu trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng quốc gia láng giếng - Ấn Độ, Narendra Modi nhấn mạnh những hành động bạo lực vô nghĩa nhằm vào người dân vô tội như vậy không có chỗ trong xã hội văn minh và bày tỏ một lòng đoàn kết với Sri Lanka.

Chính phủ Sri Lanka đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, có hiệu lực từ nửa đêm 22-4. Văn phòng tổng thống cho biết Tổng thống Maithripala Sirisena cũng đề nghị sự hỗ trợ của nước ngoài nhằm truy tìm các manh mối liên quan loạt vụ đánh bom trên.

Trước đó, chiều 22-4, lực lượng an ninh Sri Lanka đã phát hiện 87 kíp nổ tại một trạm xe buýt ở thủ đô Colombo. Một xe tải cũng phát nổ gần nhà thờ St Anthony, một trong những địa điểm bị tấn công, trong lúc đội rà phá bom mìn tìm cách vô hiệu hóa khối chất nổ bên trong.

Hà Phương (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ngay-phuc-sinh-buon-o-sri-lanka-542399/