Ngày Pháp luật Việt Nam giúp cho mọi công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn

Kể từ khi chính thức công bố, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được nhân rộng và phổ biến thực hiện ở các địa phương trên cả nước, các cơ quan Nhà nước...

Cách đây 71 năm, ngày 9/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946. Kể từ đó, ngày 9/11 đã chính thức trở thành ngày lịch sử của dân tộc, một ngày đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam .

Tiếp đó, ngày 9/11 lại được khẳng định giá trị hơn nữa đối với lịch sử lập pháp của Việt Nam, khi chính thức được ghi nhận trong luật bởi sáng kiến và sự tham mưu của ngành Tư pháp về “Ngày Pháp luật Việt Nam – ngày 9 tháng 11”.

Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - luật Phổ biến giáo dục pháp luật và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013, luật Phổ biến giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một chương trình hưởng ứng "Ngày Pháp luật".

Tại Điều 8 của Luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Kể từ khi chính thức công bố cách đây 4 năm, Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo đã được áp dụng như mô hình “Ngày hội pháp luật”, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật định kỳ tại các trường học, “Tuần lễ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí”, “Hành trang pháp lý cho người khởi nghiệp” hay các cuộc thi tìm hiểu về các Bộ luật diễn ra sôi nổi, tích cực trên khắp cả nước.

Ngày Pháp luật tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với các tỉnh thành, địa phương và các bộ, ban ngành trong cả nước ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động gắn với Ngày Pháp luật Việt Nam, tại các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nghề nghiệp cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hành nghề gắn với “Ngày Pháp luật” .

Đoàn luật sư các tỉnh thành và các tổ chức hành nghề luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức một chuỗi các hoạt động, trong đó phát động tháng trợ giúp pháp lý mà tiêu điểm là trợ giúp pháp lý miễn phí cho mọi đối tượng tại tất cả các tổ chức hành nghề luật sư vào đúng ngày 10/10.

Đồng thời, các đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư trên cả nước cũng đã xây dựng nhiều chương trình phổ biến, tư vấn giáo dục pháp luật như: Giao lưu giữa luật sư và các em học sinh tại các trường với các nội dung phổ biến giáo dục, tuyên truyền chính là: Tệ nạn học đường, bạo lực học đường và tuổi chịu tránh nhiệm hình sự; trợ giúp pháp lý miễn phí cho các thầy giáo, cô giáo và cán bộ, nhân viên nhà trường; luật Giao thông đường bộ; lồng ghép các hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào các huyện, xã khó khăn với hoạt động tuyên truyền, tư vấn phổ biến pháp luật cụ thể tại các tỉnh: Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái…

Thông qua Ngày Pháp luật Việt Nam giúp cho mọi tổ chức, cá nhân công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau.

Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp…

Khánh Ngân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ngay-phap-luat-viet-nam-giup-cho-cong-dan-tuan-thu-phap-luat-hon-a346131.html