Ngày Nhà giáo Việt Nam, làm sao để không bị 'nhạt nhòa'?

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã cận kề, thế nhưng với nhiều giáo viên, ngày này lại đầy trăn trở về nghề bởi ứng xử của phụ huynh, xã hội với nghề 'chèo đò'. Với cảm nhận của nhiều người, trong nhịp sống hiện đại đã dẫn đến tình cảm thiêng liêng thầy – trò có phần nhạt nhòa, thay vào đó là những hình thức nhuốm màu vật chất.

Để kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam ý nghĩa, cần tấm lòng tri ân nhà giáo chứ không phải những món quà đắt tiền. Ảnh minh họa: Q.Anh

Bao giờ được như… ngày xưa?

Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 20/11, song với nhiều phụ huynh, câu chuyện tặng cô món gì, quà hay hoa và phong bì là mối lo thường trực mỗi dịp như thế này. Có những phụ huynh trân trọng tình cảm với giáo viên hiện tại, thậm chí là giáo viên cũ của con vẫn gọi điện, đến nhà thăm hỏi, chúc mừng, cảm ơn người giáo viên đã dạy dỗ con em mình. Nhưng với nhiều phụ huynh, chuẩn bị sẵn cho con chiếc phong bì “lì xì”, mua tạm bông hoa ngoài cổng trường rồi qua quýt dặn con vào tặng, nhân ngày Tết của thầy cô.

Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, chỉ ra một thực tế trong việc “đi” giáo viên dịp 20/11, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, truyền thống “tôn sư trọng đạo” vốn tốt đẹp và được lưu giữ từ thời xa xưa đến nay. Thời ấy, không có ngày 20/11 như bây giờ, nhưng vào dịp Lễ, Tết nhiều phụ huynh đến thăm hỏi thầy, cô với tấm lòng thành kính, biết ơn công lao dạy dỗ con em mình khôn lớn. Món quà khi ấy cũng rất giản dị, chỉ là nải chuối, vài cân gạo hay là chục trứng gà… nhưng hết sức thành tâm.

“Ngày nay, nhất là ở những thành phố lớn, văn hóa tốt đẹp ấy đang dần mai một và có xu hướng “phong bì”, nhiều phụ huynh coi dịp này để lấy lòng giáo viên, để cô quan tâm đến con, cho điểm cao… Còn đối với giáo viên, có một bộ phận chấp nhận “văn hóa phong bì” ấy, không dũng cảm từ chối những món quà đắt tiền, thậm chí chờ đợi chuyện quà cáp. Như vậy, ngày truyền thống đã không còn ý nghĩa như trước đây, mất đi hình ảnh đẹp và trong sáng giữa thầy và trò, phụ huynh và giáo viên”, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Theo một số phụ huynh tại Hà Nội, mỗi dịp 20/11 đến trường của con như sống lại thuở còn được cắp sách đến trường, cả lớp mua sổ, chậu nhôm, khăn để tặng cô… Dù món quà nhỏ, nhưng ai cũng hào hứng được mang đến tặng cô, được cô chuẩn bị sẵn kẹo, phát cho học sinh vừa ăn vừa nói chuyện huyên náo cả căn nhà đơn sơ. Bây giờ, cuộc sống đầy đủ, vì lo con vất vả ra ngoài đi lại để mua quà, nên nhiều phụ huynh chuẩn bị hoa, quà để con tặng thầy cô trên lớp.

Đề nghị được “tặng” phong bì làm việc thiện

Dù vẫn còn nhiều tranh cãi trong chuyện “phong bì” ngày 20/11, song dạo qua một số diễn đàn dành cho giáo viên phổ thông trên mạng xã hội cho thấy, nhiều tâm tư, tình cảm nhà giáo trước ngày kỷ niệm quan trọng trong năm đối với nghề nghiệp. Hầu hết các giáo viên bày tỏ mong muốn vào ngày đặc biệt ấy được phụ huynh, xã hội ghi nhận, động viên với sự nghiệp “trồng người”, không phải ai cũng mong muốn có vật chất trong ngày đó, bởi vẫn còn nhiều giáo viên vùng cao, chưa bao giờ biết “phong bì” là gì, quà của học sinh chỉ là những bông hoa rừng các em hái tặng.

Vào ngày 20/11, nhiều thầy cô cũng đã bỏ tiền ra tự mua bánh kẹo, tự tổ chức hoạt động trong lớp học đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa để vun đắp thêm tình cảm thầy trò nơi vùng đất nghèo khó. Thậm chí, nhiều địa phương cũng đã đưa ra chủ trương không nhận hoa, quà vào dịp 20/11, thay vào đó là những tấm thiếp điện tử chúc mừng… Không ít trường tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân dịp này bằng những chương trình “đặc biệt”.

Cụ thể như, thông điệp trên trang cá nhân của thầy Đào Tuấn Đạt - lãnh đạo Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cũng như trên fanpage nhà trường khiến nhiều người bất ngờ bởi lời đề nghị: Đừng tặng hoa, đừng tặng quà mà hãy tặng chúng tôi thật nhiều phong bì nhân ngày 20/11! Chúng tôi muốn nhân dịp này, dùng toàn bộ số tiền các bạn trao tặng, cùng với số tiền chúng tôi gây quỹ được bằng cách dạy thêm, bán hàng, lau nhà, dọn cửa hàng, hát ở bờ hồ... để mua chăn tặng các thầy cô giáo và các em học sinh ở trường tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Giải thích về lời đề nghị này, thầy Đào Tuấn Đạt cho biết: “Món quà không lớn, nhưng là một chút ấm áp của chúng tôi gửi tới các đồng nghiệp và các em học sinh ở Pù Nhi nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự sẻ chia không lớn, nhưng là chút động viên tinh thần nho nhỏ trước bao khó khăn mà các thầy, cô và các em học sinh trải qua hàng ngày ở nơi miền núi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, nơi tiếp giáp với Lào. Chính các thầy cô giáo, các em học sinh, các anh Bộ đội Biên phòng và bà con ở nơi đây ngày ngày bước chân trên những nẻo đường biên giới, ghi những bước chân son giữ chủ quyền đất nước một cách tự nhiên, không đòi hỏi, không khẩu hiệu. Bằng tất cả tấm lòng, chúng ta biết ơn họ”.

Sở GD&ĐT TP HCM vừa có văn bản đề nghị được nhận thiệp điện tử chúc mừng từ các cơ quan, đơn vị chức năng trong địa bàn thành phố. Văn bản nêu rõ: Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành GD&ĐT thành phố bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các cấp, những bậc phụ huynh và các đơn vị, cá nhân trong thời gian qua đã quan tâm hỗ trợ trong sự nghiệp trồng người. Năm nay, Sở xin được nhận những tình cảm tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị bằng thiệp chúc mừng điện tử tại địa chỉ email vanphong.sotphohochiminh@moet.edu.vn. Đây sẽ món quà ý nghĩa nhất đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ngay-nha-giao-viet-nam-lam-sao-de-khong-bi-nhat-nhoa-20181114220000316.htm