Ngày nhà giáo Việt Nam: Đến với học sinh vùng cao từ bó hoa, chiếc phong bì và tấm lòng

Thày giáo trẻ ở Hà Nội đã viết status: Hãy tặng chúng tôi thật nhiều 'phong bì' nhân ngày 20/11, Đừng tặng hoa, tặng quà mà tặng thật nhiều phong bì. Cô giáo đã nghỉ hưu âm thầm đến đặt vấn đề với chủ tiệm hoa tươi, nhờ mua lại những bó hoa mà cô được tặng.

Mới nghe câu chuyện có thật ở trên, hẳn không ít người phản ứng, thậm chí còn chỉ trích lời kêu gọi tặng thật nhiều " phong bì" trên facebook của thày giáo Đào Tuấn Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội)- được báo chí đưa tin là phản cảm.

Lời kêu gọi tặng "phong bì" đầy ý nghĩa của thày giáo Đào Anh Đạt

Nhưng nếu đọc hết dòng chia sẻ đó, mới thấy ý nghĩa của lời kêu gọi tặng nhiều "phong bì" của thày giáo Đào Tuấn Đạt. "Chúng tôi muốn nhân dịp này, dùng toàn bộ số tiền trao tặng, cùng với số tiền chúng tôi gây quỹ được, bằng cách dạy thêm, bán hàng, hát ở Bờ Hồ...để mua chăn tặng các thày, cô giáo và các em học sinh trường tiểu học xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa...".

Thày giáo Đào Tuấn Đạt chia sẻ trên Dân Việt: Việc từ thiện ở trường mình đã diễn ra từ lâu và cứ đều đặn. Vào ngày 20.11 thường mình nghĩ đến các đồng nghiệp của mình và các em học sinh ở vùng sâu vùng xa. Hiện mình ở Hà Nội như thế này, mọi điều kiện vật chất đều rất tốt, nhưng khi nhìn lại về phía các thầy cô giáo ở trên đó thì mình muốn có 1 chút chia sẻ.

Khi mình đăng dòng trạng thái đó lên các giáo viên trong trường và các em học sinh đã bắt tay vào làm ngay chứ không chờ đến lúc có một cuộc họp bàn nào cả. Status đó chỉ là một lời phát động, nó có nghĩa là đang cần chuẩn bị để gây quỹ. Nó tự nhiên thôi.

Mình đã phải tính ra và phải hoạt động bằng được. Mình kêu gọi từ thứ 2 ngày 12/11 thì đến ngày 16/11, bọn mình đã đủ tiền để mua 656 chiếc chăn rồi. Số tiền khoảng gần 90 triệu. Và khi đã đủ bọn mình ngưng nhận và hẹn mọi người đến một dịp khác.

Thực ra, không chỉ có tiền ủng hộ của mọi người mà đó còn là tiền các mình và các thầy cô dạy thêm ngày Chủ nhật, tiền các em học sinh ngoài giờ học bán hàng, đi làm thêm. Thiếu thì mình bỏ tiền ra không sao cả. Tất nhiên số tiền này chỉ trong nội bộ biết, còn tiền mọi người ủng hộ thì mình phải có danh sách, số lượng cụ thể để gửi thư cảm ơn. Số tiền mọi người gửi cho thì mọi người cũng cần phải biết là bao nhiêu và để làm cái gì.

Tôi cũng đã có những đêm không ngủ. Đó là đêm qua (19/11) tình cờ được nghe cô chủ hàng hoa kể rằng, cô rất xúc động khi thấy một người phụ nữ đã lớn tuổi, dè dặt mãi mới đặt vấn đề, là cô giáo được phụ huynh, học sinh tặng hoa, vàì ngày hoa héo thì phí quá.

Cô giáo muốn nhờ cô hàng hoa mua lại, giá bao nhiêu cũng được, số tiền này cô mua những chiếc áo len, đôi giày, cái khăn, quyển vở gửi cho các em học sinh vùng cao, nơi mà cô giáo đã dạy học ở huyện miền núi xa xôi: Mường Tè (Lai Châu)

Tôi gặp cô giáo khi cô đem những bó hoa đến trao cho cô chủ hàng hoa. Trò chuyện, cô giáo chỉ cười: Nhóm chúng tôi là mấy cô giáo về hưu, về Hà Nội ở với con, gop góp được chút gì để chia sẻ với đồng nghiệp ở miền núi thôi.

Tôi đã từng đến điểm trường Tổng Ngoài ( Xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Đêm nằm trên những tấm ván nhỏ ghép lại cho trò ngủ, gió lùa lạnh buốt, nghĩ đến cảnh hai cô giáo "cắm bản" nằm bên kia đầu hồi ngôi nhà gỗ nhỏ.

Điểm trường Tống Ngoài (Túc Đán, Trạm Tấu, Yên Bái)

Và đã được Quỹ Xây trường vùng cao xây mới, đang hoàn thiện

Đến cái thùng nhựa đựng nước cho cả cô và trò cũng không có, chỉ có hai cái xô nhỏ hứng nước từ suối, lúc có nước thì dùng, lúc không thì đành chờ. Không điện, điện thoại cũng không có sóng... dù chỉ cách thị xã Nghĩa Lộ hơn 20km, nhưng đến được Tổng Ngoài duy nhất chỉ có đi bộ, có đoạn chỉ đủ hai xe máy tránh nhau.

Trung thu, lần đầu tiên những đứa trẻ ở Tống Ngoài được rước đèn, được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Cầm chiếc bánh mà không dám đưa lên miệng cắn, chỉ nhấm nháp chút một...cố giáo đã có thùng nhựa to đựng nước, học sinh thêm chiếc chăm ấm, áo mới...

Tôi lặng người khi đọc bài báo của nhà báo Mai Thanh Hải đăng trên báo Thanh niên: Hoa trên đá.

Bài báo viết về cô giáo Trần Thị Hiển(33 tuổi), quê ở Hà Quảng (Cao Bằng), giáo viên mần non điểm trường Xà Phìn ( Bát Đại Sơn, Quảng Bạ, Hà Giang). Một mình cô giáo Hiền sống trên đỉnh núi cao gần 2.000 mét, trong căn nhà lúp xụp, không điện, không sóng điện thoại.

Mỗi tuần phải đi bộ 4 tiếng đồng hồ xuống trung tâm xã mua thức ăn, đồ dùng. Và cô giáo Hiền đã ở lại với học trò nhỏ vì một lẽ:

"Người dân Tà Phìn ở trên núi đá, quanh năm ăn mèm mén (bột ngô). Thu nhập chỉ trông vào mấy con gà đen, hãn hữu lắm mới đem xuống chợ, bán lấy tiền mua dầu, muối, áo quần.

Thi thoảng, bọn trẻ kéo em vào góc lớp, móc túi lấy ra quả trứng gà bé tí nhét vào tay bảo "cho cô giáo này". Chúng nó như con mình, vất vả, thiếu thốn vậy vẫn chăm đi học. Mình phải cố gắng để dựng ước mơ đổi đời cho bọn trẻ.

Ước mơ của dân bản và thày, cô là điểm trường Xà Phìn được dựng lại khang trang, để không lo nhà cũ đổ và nhất là không phải đi tắm và vệ sinh ngoài rừng".

Nơi ở của cô giáo cắm bản vùng cao

Trên facebook của anh Đặng Như Quỳnh- trưởng nhóm "Quỹ Xây trường vùng cao" đã chia sẻ "Dựng ước mơ, đổi đời cho trẻ" của cô giáo Trần Thị Hiền, nhân vật trong bài báo "Hoa trên đá", với lời kêu gọi " Quà 20/11 là đây chứ đâu- Hãy chung tay cả nhà nhé".

Quỹ Xây trường vùng cao của nhóm anh Quỳnh, là những người bạn quen biết, kinh phí từ "mỗi người một chút" tự nguyện. Nhóm của anh ngoài đem quà tặng đồng bào Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Nam khi bị thiệt hại do lũ lụt, còn đến với đồng bào La Hủ (Mường Tè, Lai Châu )với những con dê để làm kế sinh nhai, vùng xa tỉnh Bắc Kạn, Sơn La...

Hơn 500 chiếc bánh chưng, gà rán, xúc xích, quần áo ấm...từ Hà Nội, các anh chị mang đến với học sinh tận Sốp Cộp (Sơn La) giáp biên giới Lào, để các cháu học sinh có bữa tất niên vui vẻ, những đêm hội trung thu ở Tống Ngoài (Túc Đán, Trạm Tấu, Yên Bái), Mù Cang Chải...

Và 3 điểm trường đã được xây dựng từ nguồn kinh phí tự nguyện của những người bạn nhóm "Quỹ Xây trường vùng cao". Đó là điểm trường ở Bản Mùi, Khoen On ( Than Uyên, Lai Châu), kinh phí hơn 450 triệu đồng; điểm trường Nậm Luông (Yên Minh, Hà Giang), kinh phí hơn 500 triệu đồng và điểm trường Tống Ngoài (Túc Đán, Trạm Tấu, Yên Bái) kinh phí gần 250 triệu đồng.

Điểm trường Nậm Luông (Lũng Hồ, Yên Minh, Hà Giang) cũ và mới, được Quỹ Xây trường vùng cao xây dựng

Học sinh điểm trường Nậm Luông trong phòng học mới

Và điểm trường, ước mơ của cô giáo Hiền, hy vọng cũng là nơi "Quỹ Xây trường vùng cao" sẽ đến.

Huyền Lê

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/giao-duc/ngay-nha-giao-viet-nam-den-voi-hoc-sinh-vung-cao-tu-bo-hoa-chiec-phong-bi-va-tam-long/20181120094533582