Ngày này năm xưa: Thế giới Hồi giáo nổi cơn cuồng nộ

Ngày 30/9/2005, một trong những nhật báo bán chạy nhất của Đan Mạch đăng 12 bức tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed, khiến người Hồi giáo trên toàn thế giới cảm thấy bị xúc phạm.

Các bức tranh đi kèm một bài xã luận chỉ trích việc tự kiểm duyệt sau khi nhà văn Đan Mạch Kare Bluitgen phàn nàn, ông không thể tìm được tranh minh họa cho một cuốn sách trẻ em của mình về Nhà tiên tri Mohammed.

Nhật báo Jyllands-Posten tuyên bố, việc đăng loạt tranh biếm họa trên là nhằm góp phần vào cuộc tranh luận về chỉ trích đạo Hồi và tự kiểm duyệt.

Tuy nhiên, những bức tranh – vốn mô tả nhà tiên tri Mohammed trong đủ tình huống hài hước và châm biếm, gồm cả bức nhà tiên tri giấu một quả bom bên trong chiếc khăn xếp, đã khiến người Hồi giáo ở khắp thế giới nổi giận.

Theo BBC, các tín đồ đạo Hồi cho rằng các bức tranh biếm họa là chủ ý xúc phạm, thể hiện sự thù địch của phương Tây với người Hồi giáo. Và rằng, việc mô tả nhà tiên tri Mohammed cũng như người Hồi giáo nói chung là quân khủng bố được coi là cực kỳ xúc phạm. Họ còn coi các bức tranh biếm họa mà nhật báo Đan Mạch đăng tải là cuộc tấn công nhằm vào niềm tin và văn hóa của người Hồi giáo.

Chính phủ nhiều nước Hồi giáo cũng đã gửi thư phản đối tới chính phủ Đan Mạch và thậm chí còn đóng cửa đại sứ quán tại nước này. Ngay trong tháng 10/2005 đại sứ 10 quốc gia Hồi giáo và đại diện Palestine tại Đan Mạch đòi được gặp Thủ tướng Anders Fogh Rasmussen để phản đối việc đăng các bức tranh biếm họa.

Trong đạo Hồi, việc mô tả nhà tiên tri bị nghiêm cấm và các tranh biếm họa ông bị coi là báng bổ đạo Hồi. Các tổ chức Hồi giáo ở Đan Mạch đã phản đối mạnh mẽ và thậm chí còn gửi đơn kiến nghị chống nhật báo Jyllands-Posten lên tòa án. Tuy nhiên, đơn kiến nghị của họ đã bị bác bỏ vào tháng 1/2006.

Ngày 2/2/2006, Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen xuất hiện trên truyền hình Arabic TV xin lỗi vì các bức tranh khiến người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn bảo vệ tự do báo chí.

Hàng loạt cuộc tuần hành và biểu tình người đã diễn ra ở nhiều quốc gia Hồi giáo khắp thế giới sau đó. Nhiều văn phòng ngoại giao của Đan Mạch sau đó bị phóng hỏa và phá hoại. Làn sóng tẩy chay hàng hóa Đan Mạch diễn ra khiến lượng hàng xuất khẩu của nước này bị sụt giảm. Họa sĩ vẽ loạt tranh biếm họa trên bị dọa giết.

Tranh biếm họa trên sau đó được nhiều báo ở Pháp, Italia, Đức, Tây Ban Nha và Áo tái đăng tải nhằm thể hiện sự đoàn kết báo chí.

Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen mô tả vụ việc gây tranh cãi này là sự kiện ngoại giao quốc tế tồi tệ nhất của nước này kể từ Thế chiến 2. Vụ tranh biếm họa xảy ra vào thời điểm căng thẳng chính trị và xã hội đang tăng cao giữa các nước Hồi giáo và phương tây, sau khi phương Tây hứng chịu vài vụ khủng bố của quân Hồi giáo, gồm cả sự kiện 11/9.

Lê Nguyễn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/ngay-nay-nam-xua-the-gioi-hoi-giao-noi-con-cuong-no-480472.html