Ngày này năm xưa: Hơn 350 người chết đuối ngoài khơi Indonesia

Ngày 19/10/2001, một con tàu chở hơn 400 người tị nạn đã bị chìm ở ngoài khơi Indonesia, khiến hơn 350 người chết đuối.

Trước đó một ngày, một tàu cá nhỏ dài 19,4m, rộng 4m của Indonesia đã khởi hành từ Bandar Lampung, Indonesia tới đảo Christmas của Australia. Trên tàu chở 421 hành khách, đa số đều là người tị nạn Iraq, còn lại là người Iran, Afghanistan, Palestine và Algeria.

Con tàu bị chìm trong bão. (Ảnh minh họa: sievx.com)

Con tàu bị chìm trong bão. (Ảnh minh họa: sievx.com)

Ngày 19/10, con tàu đã bị chìm trong một trận bão cách đảo Java khoảng 70km về phía nam. Khu vực này thuộc vùng biển quốc tế nhưng vẫn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) và khu vực chịu trách nhiệm tìm kiếm và cứu nạn của Indonesia do quốc tế chỉ định. Nó cũng nằm trong khu vực giám sát bảo vệ biên giới tạm thời của Australia, quanh lãnh thổ bên ngoài của đảo Christmas (nằm cách lục địa Australia khoảng 1.700km). Khu vực này do giới chức Australia lập ra để ngăn nạn buôn người, không có giá trị pháp lý và không có trách nhiệm theo luật quốc tế.

Các nạn nhân cố bám trụ trên chiếc xuống cứu hộ. (Ảnh minh họa: sievx.com)

Khoảng 146 trẻ em, 142 phụ nữ và 65 đàn ông đã thiệt mạng. Ngày 20/10, 44 người sống sót đã được tàu cá Indah Jaya Makmur của Indonesia cứu. Người thứ 45 được tàu Surya Terang cứu khoảng 12 tiếng sau đó. Trước đó, hơn 20 người đã từ chối lên tàu trước khi nó rời đảo Sumatra vì cảm thấy quá nguy hiểm.

"Nó giống như trong phim Titanic", một nhân chứng nói với Guardian. "Khi sự cố xảy ra, con tàu lập tức chìm".

Clip vụ chìm tàu chở người tị nạn đến đảo Christmas vào tháng 12/2010:

Những người sống sót bị gãy chân hoặc bị san hô cứa đã được đưa tới bệnh viện Bogor, phía nam Jakatar để điều trị.

"Khoảng 14 người đã cố gắng bám vào một tấm gỗ", Musa, một công dân Iraq nói. "Sau đó, từng người một từ từ buông tay và chìm xuống biển. Tôi đã uống nước lẫn xăng và lênh đênh trên biển 20 tiếng đồng hồ. Chúng tôi không hy vọng nhưng vẫn cầu nguyện".

Một phụ nữ đau khổ khi mất đi người thân. (Ảnh minh họa: sievx.com)

Trong số những người sống sót có cậu bé Hussein 8 tuổi, người Iraq. Hussein cho biết, cậu sống sót vì đã cùng với cha và anh trai ở phía trên boong tàu. Phụ nữ bị nhồi ở bên dưới nên có rất ít người sống sót.

Sadeeq Razak, một nhà buôn Iraq, đã cứu được cô con gái Kautsar 2 tuổi nhưng lại không cứu nổi vợ mình. "Tôi đặt con gái trên vai và cố giữ tay vợ tôi. Nhưng khi một con sóng đánh vào, tôi đã mất cô ấy. Con gái tôi là em bé duy nhất sống sót trong số 50 đứa trẻ có mặt trên tàu".

Chỉ có 45 người sống sót. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hầu hết những người sống sót đều đổ lỗi cho những kẻ trung gian. Những người này đã nhận rất nhiều tiền để đưa những người tị nạn rời bỏ quê hương nhưng không hề quan tâm tới sự an nguy của họ.

"Đây là một thảm kịch do quá tải. Con tàu chỉ được thiết kế để chở 150 người", Bộ trưởng Nhập cư Australia Philip Ruddock nói với NZ Herald.

Trong khi đó, tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết đã dự đoán được những thảm kịch như vậy vì "cách mà những kẻ buôn người nhồi nhét người tị nạn trên những con tàu này".

Mỗi năm có hàng ngàn người di cư đã mạo hiểm tính mạng, ngồi lên những con tàu quá tải với hy vọng có thể đến được những miền đất hứa như Australia.

Hàng cột tưởng niệm hơn 350 người xấu số. (Ảnh: Wordpress)

Năm 2003, nhà văn người Australia Steve Biddulph đã vận động để xây dựng đài tưởng niệm cho các nạn nhân và những người sống sót cho vụ chìm tàu hôm 19/10/2001. Ngày 15/9/2006, một đài tưởng niệm tạm thời được dựng lên ở công viên Weston, Canberra. Đài tượng niệm này gồm 353 cột màu trắng do các nhóm cộng đồng trên khắp Australia trang trí.

Sầm Hoa

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ngay-nay-nam-xua-hon-350-nguoi-chet-duoi-ngoai-khoi-indonesia-483955.html