Ngày này năm xưa 27/11: Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, Nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế

Ngày này năm xưa 27/11 là Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, ngày ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự kiện trong nước

Ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất có Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 (tên quen gọi là Đoàn 36 và từ năm 1969 là Liên đoàn Địa chất 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đây là tổ chức Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam; tiền thân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) ngày nay.

Những kết quả khảo sát nghiên cứu về dầu khí của Đoàn thăm dò dầu lửa tại Đồng bằng sông Hồng và trên toàn miền Bắc trong thập niên 60 thế kỷ trước là tiền đề để ngày 9/10/1969 Chính phủ ra Quyết định số 203/CP về việc thành lập Liên đoàn Địa chất 36 trên cơ sở mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của Đoàn thăm dò dầu lửa, nhằm đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc.

Có thể nói, hoạt động của Đoàn thăm dò dầu lửa mà tiếp theo là Liên đoàn Địa chất 36 trong giai đoạn này đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là "cái nôi" cung cấp nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu.

61 năm qua, Petrovietnam - hạt nhân nòng cốt của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi Công nghiệp Dầu khí

61 năm qua, Petrovietnam - hạt nhân nòng cốt của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi Công nghiệp Dầu khí

Từ truyền thống đó, ngày 20/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1034/QĐ-TTg về việc lấy ngày 27/11 hằng năm là ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.

61 năm qua, Petrovietnam - hạt nhân nòng cốt của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi Công nghiệp Dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, đến hạ nguồn. Hoạt động của ngành Dầu khí hiện nay đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là động lực phát triển tại nhiều vùng, địa phương. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như điện, phân đạm, xăng, dầu, khí... đang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước, tạo nền tảng cho nhiều ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển.

Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về Hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, những quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong quá trình hội nhập là: Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc; an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”.

Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; trong quá trình hội nhập cần phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tùy theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể; vừa phải đề phòng tư tưởng trì trệ, thụ động, vừa phải chống tư tưởng giản đơn, nôn nóng…

Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do

Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do ở cả cấp độ song phương và đa phương, qua đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.

Ngày 27/11/2009, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 5999/QĐ-BCT về việc chuyển Viện Năng lượng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương.

Ngày 27/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón.

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo.

Ngày 27/11/2015, Bộ Công Thương ban hành Công văn số 12153/BCT-TTTN về việc triển khai Quyết định số 23/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ trướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ngày 27/11/2012, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7157/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Vùng Trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngày 27/11/2015, Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật phê chuẩn Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Ngày 27/11/2015, Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật phê chuẩn Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13. Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Ngày 27/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự.

Ngày 27/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngày 27/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngày 27/10/2010, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - SABECO đã đạt mốc 1 tỷ lít bia các loại.

Ngày 27/11/1929 (ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ): Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ông sinh nǎm 1862 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sự kiện quốc tế

Ngày 27/11/1843, Bain - người Anh đã đăng ký phát minh “Phương pháp thu được các ảnh ở xa nhờ điện”. Theo đó, hệ thống tái tạo một ảnh cố định ở xa là hệ thống báo trước của máy truyền ảnh và truyền hình.

Năm 1924, phòng thí nghiệm Bell đã truyền bằng điện những tấm ảnh từ xa. Đến năm 1925, nhà nghiên cứu Pháp Bơlanh đã chế ra loại máy truyền ảnh.

Nhà phát minh Thụy Điển Alfred Nobel, người sáng lâp ra giải Nobel

Ngày 27/11/1895, tại Paris, Alfred Nobel ký di chúc cuối cùng của mình, trong đó dành tài sản của bản thân để lập ra giải Nobel sau khi qua đời.

Nobel là nhà bác học nổi tiếng thế giới về nghiên cứu và chế tạo thuốc nổ ở thế kỷ 19. Ông sở hữu 355 hạng mục bản quyền sáng chế phát minh và trên 100 xí nghiệp về thuốc nổ ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ông được mệnh danh là “vua thuốc nổ”. Những năm cuối đời, Alfred Bernhard Nobel (1833-1896) đã viết 3 bản Di chúc vào các năm 1889, 1893, 1895 về việc xử lý số tài sản của ông sau khi ông qua đời. Bản cuối cùng là bản Di chúc chuẩn được ông gửi vào một ngân hàng ở Stockholm.

Ngày 27/11/1953: Eugènc Gladtone O'Neill - một trong những nhà viết kịch lớn nhất của Mỹ qua đời. Ông sinh ngày 16/10/1888.

Ngày 27/11/2001, HD 209458 b (biệt danh là Osiris) được phát hiện. Đây là một hành tinh ngoài Hệ mặt trời, trong chòm sao Phi Mã, cách Hệ mặt trời khoảng 159 năm ánh sáng. Hành tinh này được phát hiện bởi kính viễn vọng Hubbles.

Osiris là hành tinh ngoài Hệ mặt trời đầu tiên được phát hiện có bầu khí quyền. Bầu khí quyển của Osiris được phát hiện hình thành chủ yếu từ khí hydro, ngoài ra còn có oxi và carbon. Đến năm 2007, người ta còn phát hiện ra hơi nước ở khí quyển của Osiris.

Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ

Ngày 27/11/1945, trước những âm mưu ly gián giữa người Việt và người Hoa xuất hiện trong xã hội có thể tạo nên những kẽ hở để kẻ thù lợi dụng gây chia rẽ đoàn kết, Bác đưa ra lời kêu gọi "Hoa Việt tinh thành đoàn kết" được đăng trên báo Cứu Quốc: "Ngoài công việc ủng hộ kháng chiến ở Nam, giúp giải quyết nạn đói ở Bắc, sắp sẵn cuộc đại tuyển cử khắp các nơi, các bạn lại có một nhiệm vụ rất quan trọng nữa. Đó là giúp sức để hoàn toàn thực hiện chính sách đối với Hoa kiều... Chúng ta phải tìm mọi phương pháp để gây dựng nên phong trào Hoa Việt tinh thành hợp tác".

Ngày 27/11/1946, Bác ra "Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương" (một loại quỹ truyền thống của nông dân góp thóc để cứu đói cho cộng đồng) nêu lên 4 điều lợi: "1. Để dành thì mình khỏi lo đói; 2. Để dành không mất đi đâu mà lại có lãi; 3. Để dành đã ích riêng cho mình, lại ích chung cho đồng bào; 4. Chỉ để dành một năm mà cả đời khỏi lo đói".

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ (năm 1954)

Ngày 27/11/1950, báo Sự Thật đăng 4 bức thư Bác gửi "đồng bào Hòa Bình", "đồng bào Lào Cai", "Chiến sĩ và cán bộ Lào Cai" và "Chiến sĩ và cán bộ Hòa Bình".

Với các bức thư "gửi đồng bào" hai tỉnh, Bác căn dặn "1. Phải thực hành đại đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc. 2. Phải thi đua tăng gia sản xuất cho mọi người được no ấm. 3. Phải ra sức giúp đỡ Chính phủ, ủng hộ bộ đội để góp phần vào công việc trường kỳ kháng chiến, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi".

Còn trong các bức thư gửi "các chiến sĩ và cán bộ" hai tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Bác yêu cầu những việc cần phải làm ngay như: Việc xét khen thưởng, tổng kết kinh nghiệm, canh phòng cẩn mật, giúp địa phương ổn định sản xuất, thi hành đại đoàn kết...

Cùng ngày, báo Sự Thật đăng bài trả lời phỏng vấn báo chí của Bác sau Chiến thắng Biên giới: "Sau thắng lợi này, một điều mà quân và dân ta phải giữ là tuyệt đối không được vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Trái lại, chúng ta phải cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, kiên quyết hơn nữa...";

Còn với những yếu kém, khuyết điểm, Bác yêu cầu: "Chúng ta cố gắng sửa chữa những khuyết điểm đó - mà việc này các báo chí phải gánh một phần trách nhiệm - thì thi đua ái quốc chắc sẽ có những thành tích tốt đẹp gấp bội".

Ngày 27/11/1954, tại Thủ đô Hà Nội mới giải phóng, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề đàm phán kinh tế với Pháp, Bác chỉ đạo: "Phải nắm vững là ta lấy kinh tế và văn hóa để làm chính trị. Nguyên tắc của ta là "có đi có lại". Văn hóa "khoan hồng" hơn kinh tế. Kinh tế "khoan hồng" hơn chính trị...".

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-2711-ngay-truyen-thong-nganh-dau-khi-viet-nam-nghi-quyet-ve-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-228342.html