Ngày mai nắng lên...

Thực ra, câu chuyện về bà Trần Thị Lựu (1956, trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cưu mang, giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn, bất hạnh điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-nhi Đà Nẵng không còn xa lạ với nhiều người.

Thực ra, câu chuyện về bà Trần Thị Lựu (1956, trú P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cưu mang, giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn, bất hạnh điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-nhi Đà Nẵng không còn xa lạ với nhiều người. Bởi, cách đây hai năm bà đã được vinh danh trên diễn đàn giao lưu "Gương điển hình phụ nữ sống đẹp" do UBND Q. Ngũ Hành Sơn tổ chức. Thế nhưng, tôi vẫn muốn kể tiếp câu chuyện này, vì với bà Lựu, việc làm thiện nguyện không bao giờ có điểm dừng. Bà luôn tâm niệm rằng, cuộc đời ai cũng có giai đoạn khó khăn, nên hãy cứ giúp đời, giúp người khi còn có thể, rồi ngày mai nắng sẽ lên...

Bà Lựu lưu giữ cẩn thận Kỷ niệm chương do UBND Q. Ngũ Hành Sơn tặng tại chương trình vinh danh gương phụ nữ sống đẹp.

Bà Lựu lưu giữ cẩn thận Kỷ niệm chương do UBND Q. Ngũ Hành Sơn tặng tại chương trình vinh danh gương phụ nữ sống đẹp.

Đến Bệnh viện Phụ sản-nhi hỏi "bà Hai nước chè", ai cũng biết vì đó là tên gọi thân mật của bà Lựu. Sở dĩ người ta quen gọi như vậy là vì bà từng bán nước chè xanh ở bệnh viện và cũng từ đây bà có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh nên đồng cảm. "Bản thân tôi đã khó khăn, chật vật mưu sinh qua ngày còn chưa đủ sống nhưng thấy nhiều hoàn cảnh còn lâm li bi đát hơn. Những lần bệnh nhân cần giúp đỡ, tôi không có gì nhiều nhưng vẫn muốn sẻ chia, cùng họ dìu nhau qua cơn hoạn nạn", bà Lựu trải lòng. Những món quà của bà Lựu không lớn, khi là chai nước chè xanh, khi là trái bắp, hộp cơm... nhưng đối với bệnh nhân khó khăn, nó quý giá vô cùng. Bà Lựu kể, cuộc sống của bà trước đây cũng nhiều thiếu thốn, được chính quyền hỗ trợ vay tiền làm ăn nên năm 2011, khi Bệnh viện Phụ sản -nhi thành lập, vợ chồng bà mở một quán nước chè buôn bán qua ngày cùng với việc cho thuê giường xếp.

"Lúc đó, ngày nào tôi cũng mang nước chè vào bệnh viện bán nên chứng kiến nhiều cảnh đời chông chênh lắm. Có trường hợp bệnh nhi mất, đưa vào nhà xác rồi nhưng bố mẹ nghèo quá không có tiền thuê xe đưa cháu về quê chôn cất. Trong ví tôi cũng không có được mấy đồng nhưng lương tâm muốn giúp đỡ họ. Không còn cách nào khác, tôi đi quanh một vòng bệnh viện quyên góp và rất mừng vì mọi người thấu cảm nên chung tay ủng hộ", bà Lựu nghẹn ngào. Cứ thế, hễ có trường hợp cần giúp đỡ là bà lại tổ chức quyên góp. Vì uy tín cũng như tấm lòng của bà được mọi người nhìn thấu nên mọi việc diễn ra trôi chảy. Hỏi bà Lựu kỷ niệm nào nhớ nhất, bà tâm sự, đó là trường hợp cháu bé 12 tuổi trú H. Tây Giang (Quảng Nam) bị sốt không cứu chữa được. Cháu mất, đưa vào nhà xác chờ mang về quê nhưng chi phí thuê xe đến 3 triệu đồng. Bố mẹ cháu dù thương con nhưng không biết làm gì ngoài việc ngồi khóc bên ngoài nhà xác vì không có tiền. Thấy cảnh này, bà chẳng nói chẳng rằng, âm thầm đi kêu gọi các tấm lòng hảo tâm. Một lát sau bà mang 6 triệu đồng đến trao tận tay bố mẹ cháu bé, họ rớm lệ cúi đầu nhận, cảm ơn không ngớt. "Câu chuyện này vô tình đến tai lãnh đạo bệnh viện nên lần đó bệnh viện hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê xe đưa cháu bé về. 6 triệu đồng kia bố mẹ dành để lo mai táng chu toàn cho cháu bé kém may mắn", bà Lựu bộc bạch.

Ngoài ra, những lần gặp các sản phụ sinh non, dù không ruột rà máu mủ nhưng bà Lựu sẵn sàng hỗ trợ hết mình. Ví như chuyện của một phụ nữ tên Bảy (trú Quảng Ngãi) sinh non khi thai nhi mới 25 tuần tuổi. Cháu bé sinh ra yếu ớt chỉ nặng chưa đầy 1 kg. Thế là, suốt 6 tháng sản phụ nằm điều trị tại bệnh viện, bà Lựu ngày đêm lui tới chăm nom bất kể nắng mưa, tự tay nấu cháo mang tặng. Trước ngày xuất viện, sản phụ đến nhà, ôm bà Lựu vào lòng nói lời tri ân bà như người mẹ thứ hai của mình. Có những trường hợp người nhà bệnh nhân không có chỗ ở, bà lại đưa về nhà tá túc mà chẳng lấy đồng nào... Chị Hồ Thị Hương (trú Quảng Ngãi) từng nhận được sự giúp đỡ của bà Lựu trong những tháng ngày nằm tại bệnh viện, cho hay: "Dù nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với bà Lựu, nhiều lần mời bà đến nhà chơi để vợ chồng tôi có cơ hội đáp đền nhưng bà từ chối. Có thể với bà, được cho đi là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và bà không mong nhận lại bất cứ điều gì. Dẫu vậy, những người từng nhận được sự giúp đỡ của bà như tôi vẫn luôn khắc sâu tấm lòng thơm thảo ấy, sẵn sàng giúp đỡ nếu bà gặp khó khăn".

Hiện nay, việc bà Lựu làm thiện nguyện đã lan truyền khắp các phòng, khoa ở Bệnh viện Phụ sản-nhi. Nhiều tổ chức từ thiện cũng tìm đến bà nhờ làm đầu mối liên lạc với các bệnh nhân khó khăn, bất hạnh để giúp đỡ. Bên cạnh đó, bà Lựu cũng từng tham gia tích cực vào các hoạt động đoàn thể từ Hội chữ thập đỏ, Hội LHPN đến Hội Nông dân, Hội Từ thiện và bảo vệ trẻ em... tại địa phương. Hơn cả vật chất, tấm lòng ấm áp của bà Lựu dành cho những người yếu thế trong cuộc sống giúp họ nhận ra, xung quanh vẫn còn nhiều người tốt, sẵn sàng sát cánh, đồng hành cùng họ vượt qua những truân chuyên, trở ngại của cuộc đời.

Thành Danh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_205100_ngay-mai-nang-len.aspx