Ngày mai (2/7): Khai tòa dàn lãnh đạo Ngân hàng MHB

Sau khi nhận bản cáo trạng, bị cáo Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng MHB đã gửi thư giải trình và kêu cứu tới chủ tọa phiên tòa.

Nguyên chủ tịch MHB Huỳnh Nam Dũng sẽ hầu tòa vào ngày mai 2/7.

Ngày mai (2/7), TAND TP.HCM bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MBHS), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) theo Quyết định số 589 của NHNN ngày 25/4/2015 về việc sáp nhập MHB vào BIDV và các cổ đông của MHBS.

Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Thanh Lâm sẽ giữ vị trí chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến ngày 6/7.

Cáo trạng nêu, từ năm 2007 đến năm 2010, giữa MHBS và MHB ký và thực hiện nhiều hợp đồng ký quỹ mua bán trái phiếu chính phủ (TPCP). Từ năm 2011 đến 2014 chuyển sang hình thức lý các thỏa thuận hợp tác đầu tư với nội dung: MHBS môi giới cho Sở Giao dịch (SGD) MHB đầu tư các loại TPCP. MHBS được hưởng tiền phí môi giới là 0,1% trên tổng giá trị mua được, lãi suất trong trường hợp không môi giới thành công TPCP từ 0,5 đến 2,4%/năm.

Tài liệu điều tra xác định: cá nhân ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên chủ tịch MHB có số vốn góp tại MHBS là 13,8 tỷ đồng, chiếm 8,12% vốn (được đứng tên Huỳnh Thị Minh Trí, chị gái của ông Dũng); Nguyễn Phước Hòa có số vốn góp là 2,7 tỷ đồng, chiếm 1,9% vốn (đứng tên Nguyễn Thành Tín, con trai của ông Hòa).

Để thực hiện, ông Dũng, Chủ tịch MHB kiêm Chủ tịch MHBS và ông Hòa, Tổng giám đốc MHB thông qua Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản có (Hội đồng ALCO) của Ngân hàng MHB thống nhất chủ trương cho phép SGD MHB chuyển vốn vào tài khoản của SGD mở tại MHBS để chờ đầu tư TPCP nhưng thực chất là MHB chuyển vốn cho MHBS để gửi các kỳ hạn tại các chi nhánh MHB hưởng chênh lệch lãi suất và mua bán TPCP cũng cho MHB quản lý.

Trong các năm 2011, 2012 và 2014, SGD MHB đã chuyển 4.975 tỷ đồng cho MHBS. Trong đó, sử dụng 3.357 tỷ đồng đem gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh trong hệ thống MHB để hưởng lãi suất số tiền hơn 45 tỷ đồng. Từ 2011 đến 2015, MHBS hoàn trả được cho SGD MHB là hơn 18,3 tỷ đồng, gây thiệt hại cho MHB hơn 26,86 tỷ đồng.

Sử dụng hơn 1.588 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu, trong đó sử dụng hơn 966 tỷ đồng để ký các thỏa thuận hợp tác đầu tư môi giới mua bán TPCP thông qua các công ty gồm Công ty Huy Khánh do Lê Nguyên Ngọc làm TGĐ, Công ty Đại Phong Nguyên do Lê Việt Hùng làm TGĐ và Công ty Econ Plus do Đoàn Hồng Ngọc làm TGĐ để thực hiện các giao dịch mua bán TPCP theo phương thức sử dụng chính nguồn tiền của MHB, tạm ứng tiền cho các công ty này để thực hiện việc mua bán TPCP của MHB sau đó bán lại cho MHBS, MHB để các công ty trung gian này và MHBS hưởng lợi.

Trong đó, riêng việc mua bán 6 triệu TPCP trong năm 2011 của chính MHB, Công ty MHBS gây thiệt hại cho MHB số tiền là hơn 48 tỷ đồng. Năm 2012, MHB bị thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng và để công ty trung gian gồm Công ty Huy Khánh và Econ Plus được hưởng lợi số tiền này trong việc mua bán 4 triệu TPCP của MHB.

Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền Ngân hàng MHB bị thiệt hại là hơn 349 tỷ đồng (bao gồm các khoản tiền gốc không có khả năng thanh toán là 272 tỷ đồng + 26,86 tỷ đồng + 48 tỷ đồng + 2,2 tỷ đồng). Trong đó các bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Lữ Thị Thanh Bình, Trương Thanh Liêm, nguyên Phó giám đốc khối ngân hàng đầu tư MHBS là những người chịu trách nhiệm chính.

Các bị cáo Trần Mỹ Linh, nguyên Kế toán trưởng MHBS, Lê Nguyên Ngọc, Phan Ngọc Nhân, Phó TGĐ Công ty Huy Khánh, Lê Việt Hùng và Đoàn Hồng Ngọc, phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Cáo trạng xác định, thông qua hành vi trên bị cáo Dũng hưởng lợi 460 triệu đồng; Lê Nguyên Ngọc hưởng lợi 568 triệu đồng, Nhân hưởng lợi 930 triệu đồng, Hùng hưởng lợi 151 triệu đồng, Đoàn Hồng Ngọc hưởng lợi 131 triệu đồng và Liêm hưởng lợi 280 triệu đồng.

Nguyên chủ tịch MHB kêu cứu

Sau khi nhận bản cáo trạng, ông Huỳnh Nam Dũng đã gửi thư giải trình và kêu cứu tới chủ tọa phiên tòa Vũ Thanh Lâm.

Nguyên chủ tịch MHB cho biết, Hội đồng ALCO không ban hành chủ trương cho phép chuyển 4.975 tỷ đồng cho MHBS để chờ đầu tư TPCP theo như cáo trạng đề cập và chủ trương mua TPCP tại thị trường thứ cấp của ALCO hoàn toàn phù hợp với nhu cầu quản lý thanh khoản hệ thống của MHB và việc thông qua chủ trương này cũng đã được giá định viên của NHNN khẳng định là không vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng.

Ông Dũng giải trình, giai đoạn từ 2011 đến 2014, không có bất kỳ một tài liệu, chứng cứ nào thể hiện một thông báo, chỉ đạo cụ thể nào của ALCO gửi cho SGD MHB để yêu cầu SGD phải chuyển tiền sang MHBS để chờ mua TPCP. Việc chuyển tiền hoàn toàn phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện của Ban TGĐ và SGD của MHB.

Ông Dũng nêu trong suốt thời gian từ 2011 đến 2014 chỉ có 3 cuộc họp của ALCO vào ngày 4/4/2011, 4//10/2012 và 6/1/2014 có liên quan đến chủ trương cho phép MHB mua TPCP tại thị trường thứ cấp nhằm quản lý thanh khoản cho hệ thống của MHB.

Cụ thể, cuộc họp lần 1 ngày 4/4/2011, ALCO đã họp và chỉ quyết định “trước mắt MHB chủ động thực hiện linh hoạt việc mua bán TPCP…” không có bất kỳ nội dung nào yêu cầu hay cho phép SGD phải chuyển tiền cho MHBS đề chờ đầu tư TPCP.

Tuy nhiên, từ ngày 8/4/2011 đến 4/10/2012, SGD của MHB đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác đầu tư TPCP với MHBS để sử dụng dịch vụ môi giới TPCP của MHBS và chuyển tiền chờ đầu tư TPCP vào tài khoản của SGD mở tại MHBS. Theo Kết luận điều tra số 06 ngày 11/1/2017 của CQĐT thì từ ngày 4/4/2011 đến trước ngày 4/10/2012, SGD đã nhiều lần chuyển tiền cho MHBS để chờ mua TPCP với tổng tiền 4.115 tỷ đồng.

Ở cuộc họp lần 2 ngày 4/10/2012, dựa trên tờ trình của giám đốc SGD trình TGĐ của MHB theo đó đề xuất xem xét chấp thuận cho thực hiện phương án mua 510 tỷ đồng TPCP thông qua môi giới là MHBS. Hội đồng Alco xét thấy phương án này phù hợp nên thống nhất đồng ý.

Như vậy đến cuộc họp lần 2 ALCO mới phê duyệt cho SGD được sử dụng MHBS môi giới cho MHB tiến hành đầu tư mua bán TPCP và cho phép SGD chuyển tiền cho MHBS chờ đầu tư TPCP. Tuy nhiên thực tế thì SGD của ngân hàng đã thực hiện ký kết và thực hiện 9 thỏa thuận hợp tác đầu tư TPCP, thỏa thuận cuối cùng ký ngày 20/9/2012, tức trước khi ALCO họp lần 2.

Ở cuộc họp lần 3 ngày 6/1/2014, ALCO thông qua kế hoạch mua TPCP trong năm 2014, dựa trên tình hình thực tế và đề xuất của các phòng ban liên quan. ALCO không tự đưa ra đề xuất và tự họp để thông qua các đề xuất này.

“ALCO không vi phạm pháp luật khi thông qua chủ trương mua TPCP thì chủ tịch ALCO như tôi tại sao lại bị truy cứu trái nhiệm hình sự vì đã cùng với các thành viên khác thông qua chủ trương này tại ALCO?”, thư của ông Dũng nêu.

Nguyên chủ tịch MHB cũng cho rằng việc ký kết, thực hiện các hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư, môi giới mua bán TPCP không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hơn 349 tỷ đồng như cáo trạng đề cập. Nguyên nhân thực sự của các thiệt hại trong vụ án là các hành vi sai phạm xảy ra tại MHBS từ năm 2010 trở về trước.

Cụ thể, ông Dũng nêu theo kết quả của Báo cáo tài chính kiểm toán 2015, chỉ riêng các hành vi sai phạm xảy tại tại MHBS từ tháng 10/2010 trở về trước được kiểm toán phát hiện đã gây thiệt hại cho MHBS tính tới thời điểm 31/12/2014 là khoảng gần 230 tỷ đồng (gồm cho khách hàng chậm thanh toán tiền mua chứng khoán sai quy định, thiệt hại ước tính là hơn 133 tỷ đồng; thực hiện cho vay mua chứng khoán (margin) không đúng quy định thiệt hại khoảng gần 26 tỷ; cố ý làm trái quy định của nhà nước, giả mạo chữ ký của cán bộ nhân viên với thiệt hại là hơn 53 tỷ đồng…) cùng với các khoản phải thu của khách hàng lên đến hơn 400 tỷ đồng.

Theo đó, MHBS đã sử dụng hết tiền bán trái phiếu cho ACB để bù lỗ (chưa kể đến việc sử dụng 170 tỷ đồng vốn chủ sở hữu). Và khi cần mua lại trái phiếu ACB thì không còn tiền, nên MHBS đã sử dụng trái phép tiền của những ngân hàng gửi tiền chờ mua TPCP (trong đó có MHB) để mua lại số trái phiếu này. Khi đến hạn phải trả cho các ngân hàng, MHBS đã dùng tiền của ngân hàng này trả cho ngân hàng kia.

Về số tiền cáo trạng xác định ông Dũng hưởng lợi 460 triệu đồng trong vụ án, ông Dũng cho rằng số tiền 460 triệu đồng chi phí cho hoạt động của HĐQT giai đoạn 2007-2010 đã được hạch toán vào chi phí hoạt động doanh nghiệp và đã được quyết toán hàng năm.

“Nếu cho là tôi có nhận thì cũng đã phát sinh từ giai đoạn 2010 trở về trước và đã được hạch toán đầy đủ, hợp lệ. Trong khi việc MHB chuyển tiền cho MHBS má cáo trạng đang truy cứu lại nằm ở giai đoạn từ 2011 đến 2014, tức thuộc về hai giai đoạn khác nhau hoàn toàn”, văn bản giải trình của nguyên Chủ tịch MHB đề cập.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/ngay-mai-27-khai-toa-dan-lanh-dao-ngan-hang-mhb-3457377.html