Ngày làm việc cuối trước khi phố ông đồ TP.HCM đóng cửa

Cứ mỗi dịp xuân về, Võ Thị Kiều Trâm lại đến phố ông đồ để cho chữ ngày Tết. Năm nay, cô chỉ làm việc ở đây tới 27 Tết.

Tôi là Võ Thị Kiều Trâm, sinh năm 1998. Tôi bắt đầu theo đuổi thư pháp từ cấp 2, chính thức cầm bút vào nghề hồi 17 tuổi và đã gắn bó với bộ môn này 6 năm.

Tôi là Võ Thị Kiều Trâm, sinh năm 1998. Tôi bắt đầu theo đuổi thư pháp từ cấp 2, chính thức cầm bút vào nghề hồi 17 tuổi và đã gắn bó với bộ môn này 6 năm.

Cứ dịp Tết đến, tôi lại bày giấy mực trên phố ông đồ để cho chữ. Một ngày của tôi bắt đầu từ sáng sớm. Vì đặc thù công việc, tôi dành hầu hết thời gian để viết thư pháp, tối muộn mới về nhà nghỉ ngơi.

Tôi bắt đầu một ngày mới bằng tách trà nóng. Từ lúc đam mê bộ môn thư pháp, thói quen này cũng dần được hình thành. Tôi đầu tư cả bộ ấm, bàn uống để có được một không gian thoải mái nhất.

Khoảng 8h, tôi tranh thủ chuẩn bị chút đồ ăn nhẹ trước khi đi làm.

Nhà tôi ở quận 9 nên đến phố ông đồ cũng khá xa, mất khoảng 30 phút chạy xe. Tuy nhiên, được làm công việc yêu thích, tôi thấy khoảng cách địa lý không phải vấn đề lớn.

Phố ông đồ tập trung nhiều gian hàng, mỗi người sẽ có một quầy riêng và tự trang trí. Khi đến nơi, tôi cùng anh Hưng, người phụ quầy, dọn dẹp. Hôm nay đã là 27 Tết, không khí thật rộn ràng.

Hôm nay tôi mặc chiếc áo dài màu xanh. Bày gian hàng xong, tôi tranh thủ trang điểm nhẹ và búi tóc gọn gàng để có ngoại hình chỉn chu nhất.

Khách đến đây đa dạng lứa tuổi. Hầu hết sẽ xin chữ lên giấy hoặc bao lì xì để làm quà tặng. “Bình an”, “thịnh vượng”, “hạnh phúc”... là những chữ mọi người hay xin nhất. Tôi cũng nhận viết lời chúc theo yêu cầu. Mỗi bức mất khoảng 5-10 phút nắn nót.

Công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Đối với một người trẻ như tôi, sự nhiệt huyết với nghề là điều quan trọng để giúp bản thân không nản chí.

Giờ nghỉ trưa của tôi không cố định. Thường vắng khách lúc nào tôi sẽ ăn cơm lúc đó.

Tôi thường tranh thủ buổi chiều chợp mắt lấy sức. Chỗ ngủ là góc nhỏ trong gian hàng, giữa các kệ gỗ, khá chật hẹp nhưng đủ để ngả lưng.

18h, cả con phố ông đồ lên đèn lung linh. Tôi nghĩ đây là nơi rộn ràng không khí Tết nhất của TP.HCM mỗi dịp năm mới.

Tôi ngồi ở đây đã được 5 năm. Một số khách hàng đam mê thư pháp đã quen mặt, năm nào cũng đến ủng hộ. Mỗi bức liễn tôi viết có giá từ 250.000 đồng, còn cặp câu đối dao động 350.000-500.000 đồng.

Được cho chữ mọi người là một niềm hạnh phúc. Tôi thấy công việc này không nhất thiết phải là nam hay nữ, miễn mọi người yêu thích và cảm thụ được sự tinh tế của từng nét chữ.

Nhiều bạn trẻ, em bé thích tới nói chuyện và nghe tôi giải thích ý nghĩa của những câu đối. Tôi rất vui vì điều đó chứng tỏ nghệ thuật thư pháp vẫn được giới trẻ quan tâm. Trước đây, tôi từng lo văn hóa cổ truyền sẽ bị lãng quên theo thời gian.

Tôi dự định làm việc ở đây đến ngày 29 Âm lịch rồi tiếp tục cho chữ ở Việt Nam Quốc Tự đến mùng 5 Tết, tuy nhiên do Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động công cộng của thành phố, trong đó có phố ông đồ, phải tạm dừng hoạt động từ ngày mai (tức 28 Tết). 21h, anh Hưng vội vã chuyển những bức liễn, đối, tranh chữ của tôi lên xe tải.

Tôi thấy khá tiếc vì nhiều người chưa kịp đến đây du xuân, xin chữ. Nhưng để đảm bảo an toàn, tôi nghĩ đây là biện pháp tốt nhất. Hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.

Không còn phố ông đồ, tôi sẽ về quê ở Vĩnh Long chờ tình hình dịch bệnh ổn định. Mong một năm mới sẽ luôn bình an.

Duy Hiệu - Phương Thảo - Phú Quí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-lam-viec-cuoi-truoc-khi-pho-ong-do-tphcm-dong-cua-post1182363.html