Ngay khi chỉ ở trong nhà, người dân thành phố cũng có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp

Theo BS Trần Ngọc Thanh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, qua khảo sát khoảng 100 ngôi nhà thuộc năm kiểu gồm chung cư, nhà ống, nhà trọ, nhà ổ chuột, nhà nông thôn tại TP.HCM cho thấy: nhà trọ là loại nhà có nhiều nguy cơ đối với sự phát triển của bệnh hô hấp mạn tính.

Nhóm nghiên cứu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các trường đại học Vương quốc Bỉ vừa công bố kết quả nghiên cứu về các nguyên nhân gây ra căn bệnh mạn tính đường hô hấp. Đây là bệnh lý thường gặp phổ biến hiện nay, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thương tật và tử vong trên toàn thế giới.

Theo đó, kết quả chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân phổ biến là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, ăn uống, đặc thù nghề nghiệp,... thì kiểu nhà ở cũng là nguyên nhân gây ra căn bệnh nguy hiểm này.

Theo BS Trần Ngọc Thanh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, qua khảo sát khoảng 100 ngôi nhà thuộc năm kiểu gồm chung cư, nhà ống, nhà trọ, nhà ổ chuột, nhà nông thôn tại TP.HCM cho thấy: nhà trọ là loại nhà có nhiều nguy cơ đối với sự phát triển của bệnh hô hấp mạn tính.

Nguyên nhân được chỉ ra là do các kiểu nhà này thường chật chội, sống đông đúc, không khí bị ô nhiễm. Đây chính là tác nhân gây ra căn bệnh mạn tính đường hô hấp.

Trong đó, nhóm nghiên cứu đã xác định được tác nhân gây dị ứng, mẫn cảm nhiều nhất, thường gặp ở Việt Nam là con mạt bụi nhà và con gián. Nguy cơ dị ứng với con mạt bụi nhà xảy ra ở thành thị cao hơn nông thôn. Đồng thời, kết quả nguyên cứu còn chứng minh được những người dân sống ở nông thôn di chuyển đến sống ở thành thị thì khả năng dị ứng, mẫn cảm tăng lên rất nhiều.

Mạt bụi nhà là loài vi sinh vật rất nhỏ bé, chỉ khoảng 0,3mm và không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể khiến bạn mắc bệnh về đường hô hấp

Theo các chuyên gia, mạt bụi nhà là loài vi sinh vật rất nhỏ bé, chỉ khoảng 0,3mm và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong 1 gram bụi có thể chứa lên đến 100.000 con ve bụi. Chúng thích sống ở nơi tối và có ẩm cao, vì vậy những nơi như giường chiếu, đệm, gối, thảm trải nhà, đồ vải và các đồ đạc bám bụi bẩn là nơi trú ẩn lý tưởng và kiếm ăn của chúng. Và chúng ta không thể ngờ rằng, trên giường của mình có thể chứa tới 100.000 – 10 triệu con mạt bụi nhà. Triệu chứng của phản ứng dị ứng do mạt bụi có thể dao động từ hen suyễn, viêm mũi, sốt, ngứa, đau đầu, mệt mỏi,...

GS BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố với khoảng 13 triệu dân, mật độ dân cư đông đúc gây nên nhiều nguy cơ bệnh tật. Ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chủ động dự phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh hô hấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán năm 2030, bệnh hô hấp mãn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba (chỉ sau tim mạch và ung thư). Hơn 90% trường hợp tử vong hoặc tàn phế vì bệnh hô hấp xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam.

PGS TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: “Ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến bệnh lý mạn tính đường hô hấp để sớm phát hiện bệnh, phòng ngừa bệnh sớm và có phương án điều trị đạt hiệu quả cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Từ năm 2012 đến nay, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM hợp tác với Vương quốc Bỉ triển khai thực hiện Dự án “Đánh giá nguy cơ và dự phòng những bệnh lý mạn tính đường hô hấp tại khu vực phía nam Việt Nam” – gọi tắt là chương trình PIC.

Mục tiêu của Dự án hợp tác Việt – Bỉ này là đánh giá tần suất của bệnh lý, những yếu tố nguy cơ gây bệnh và dự phòng bệnh với 5 công trình nghiên cứu khoa học để xác định những chỉ số tiên đoán bệnh lý mạn tính đường hô hấp cho người dân Việt Nam; đánh giá những đặc điểm, mối tương quan giữa bệnh lý với ô nhiễm môi trường; đánh giá tình trạng, phân loại những kiểu nhà ô nhiễm tại Việt Nam và xác định nguyên nhân bệnh lý từ những kiểu nhà này, qua đó đưa ra những khuyến nghị cải thiện điều kiện môi trường sống để dự phòng sớm bệnh.

Theo mục tiêu của Dự án, các nhóm nghiên cứu đề xuất cần can thiệp, cải tạo chất lượng không khí như cải thiện những vật dụng tiện nghi gia đình tạo không khí thoáng mát, lắp đặt quạt hút, máy hút khói trong nhà bếp, … hướng đến giảm nồng độ khí CO, CO2, đặc biệt là vào những giờ cao điểm sinh hoạt trong nhà.

Sau kết quả này, GS.Olivier Michel, Điều phối viên chính Dự án của Vương quốc Bỉ cho biết: Vương quốc Bỉ tiếp tục hợp tác với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM phát triển Dự án trong 5 năm tiếp theo (2017 – 2022). Dự án mới này sẽ tập trung hướng vào những nghiên cứu về việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh ở tuyến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; đánh giá vai trò của các ký sinh trùng liên quan đến bệnh lý mạn tính đường hô hấp và đưa ra những chiến lược điều trị của hệ thống tuyến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trong dự phòng bệnh ở Việt Nam

Ngô Đồng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/nguy-co-mac-benh-duong-ho-hap-vi-loai-sinh-vat-nho-xiu-an-cu-ngay-trong-nha-ban_46769.html