Ngày khai giảng hạnh phúc

Đối với những cô cậu học sinh đi học và cả những bậc phụ huynh từng có tuổi hoa niên bao kỷ niệm, ngày đầu tiên khai giảng năm học mới 5/9 là ngày tràn đầy cảm xúc bồi hồi, để nhớ mãi cái nắm tay đầu tiên cô giáo đưa vào lớp, rạo rực niềm vui được gặp bạn bè, thầy cô hay cảm động sẻ chia ấm áp tình người… Những tình cảm lấp lánh đó đã dệt nên một ngày khai giảng hạnh phúc của học sinh trên khắp dải đất hình chữ S.

Thầy cô giáo tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chạy đua với công tác dọn dẹp trường lớp sau lũ để học sinh kịp đón năm học mới

Thầy cô giáo tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) chạy đua với công tác dọn dẹp trường lớp sau lũ để học sinh kịp đón năm học mới

Dù rất bận với công việc, nhưng ngày khai giảng năm học nào lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội… đều dành thời gian để chung vui, chúc mừng học sinh và thầy cô giáo cả nước đón chào năm học mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt: Mỗi bước đi của các nhà trường, của ngành Giáo dục đều có sự đồng hành hỗ trợ của các vị lãnh đạo chủ chốt của đất nước, để các thầy cô giáo, học sinh tự tin thi đua đổi mới sáng tạo, nỗ lực dạy thật tốt, học thật tốt.

Trước đó, các ban/ngành/đoàn thể đã cùng đồng lòng chăm lo cho nhà trường được đầy đủ cơ sở vật chất, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; ngay như vấn đề nhà vệ sinh trường học, nước sạch học đường cũng được quan tâm nhắc nhở, chỉ đạo từ thời gian đầu hè. Cả xã hội cùng quan tâm chăm lo cho giáo dục để đối với học sinh, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, để cha mẹ học sinh yên tâm gửi gắm con em đến trường.

Giữa những cờ hoa rực rỡ ngày khai giảng năm học mới, ở Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, nơi mất bản, nơi mất đất vì thiên tai, trường học bị ngập lụt trong bùn đất thầy cô xa gia đình, bám trụ trực trường trong ngập chìm nước lũ với nhiệm vụ đặt ra: Mau chóng khắc phục khó khăn để tổ chức khai giảng cho học sinh đúng ngày 5/9, sớm đưa học sinh đến trường.

Hỏi một thầy giáo ở Mai Sơn nguyện vọng cho năm học mới, thầy tay cầm xẻng không ngơi vạt bùn đất ở sân trường, khẽ đề đạt mong có được đường sá tốt, trường học kiên cố để học sinh đến trường đỡ khổ. Nghe thầy nói mà thấy nghẹn lòng, vì có cơ hội mà thầy chỉ “xin” cho học trò, không nghĩ gì đến những vất vả muôn phần của bản thân - những thầy cô giáo cắm bản vùng cao.

Ngay những ngày đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kịp thời có mặt tại huyện Mai Sơn (Sơn La) – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt mưa lũ, lội đường bùn đất đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nà Ớt để có những chỉ đạo kịp thời, động viên thầy cô giáo, học sinh và nhân dân, để lại sự xúc động lớn lao.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, hàng trăm bộ sách giáo khoa, trang thiết bị giáo dục cùng số tiền ủng hộ từ Bộ GD&ĐT đã được gửi đến các nhà trường, giúp cho học sinh bị lũ cuốn trôi sách vở, đồ dùng học tập có đầy đủ sách giáo khoa đến trường, giúp các giáo viên có thêm nguồn sức mạnh tinh thần để vượt khó, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm tổ chức lại việc học tập và kịp cho ngày khai giảng năm học mới.

Trường Tiểu học Trung Sơn - Thanh Hóa (cùng không ít trường học khác ở vùng mưa lũ) có nhiều phòng học đổ sập và ngập bùn đất. Nhà trường tổ chức lễ khai giảng chung tại khuôn viên một trường THCS. Sau ngày khai giảng, các thầy cô lại di chuyển bàn ghế còn dùng được ở trường cũ lên địa điểm một công ty lấy chỗ cho học sinh học tập.

Lễ khai giảng này diễn ra rất nhanh. Các thầy cô dành nhiều thời gian để hỏi thăm học sinh, động viên các em ngày hôm sau nhớ dậy sớm đi học, đi trên đường nhớ những kỹ năng thầy cô dạy ở trường, ở lớp trước đây để biết bảo vệ bản thân, phòng sạt lở, lũ quét. Ngày hôm sau, những cuốn vở được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tận tay gửi tặng sẽ được các học sinh vùng mưa lũ lật giở những trang đầu tiên, được viết nắn nót những dòng chữ về tình yêu thương, về lòng nhân ái…

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ngay-khai-giang-hanh-phuc-3948460-b.html