Ngày hôm qua, vị Chủ tịch nước gần dân đã về với đất mẹ!

Sáng sớm 3/5, dù trời đổ cơn mưa nặng hạt nhưng những dòng người lặng lẽ xếp hàng vào viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh ngày một đông. Không chỉ ở nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội) mà tại Hội trường Thống Nhất TPHCM và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - quê hương của cố Chủ tịch nước, rất đông các đoàn đến viếng bày tỏ sự tiếc thương vô hạn…

Công an, bộ đội và người dân hai bên đường tiễn đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi linh xa rời Nhà tang lễ. Ảnh: Hà Linh

Công an, bộ đội và người dân hai bên đường tiễn đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi linh xa rời Nhà tang lễ. Ảnh: Hà Linh

Vị Chủ tịch nước gần dân

Có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia, ông Lê Bá Cải, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ cho biết, ông đến để bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đối với nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh.

Từng có thời gian làm việc, phục vụ nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh từ năm 1992 đến 1995, ông Lê Bá Cải cảm nhận sâu sắc rằng, ở nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh luôn toát lên phong thái rất bình dị, cởi mở, hòa đồng, là tấm gương tận tụy, hết mình phấn đấu, lao động vì dân, vì đất nước. Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh là người công minh, chính trực, có những đóng góp lớn cho hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước, đặc biệt là đóng góp lớn vào việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc. Trước đó, trong cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà cầm quân tài ba, quyết đoán và thường đưa ra các quyết định sáng suốt.

Qua những lần tiếp xúc, làm việc, ông Lê Bá Cải nhận thấy, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh là người thân mật, cởi mở. Ông luôn quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa” và đã đề xuất phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông thường căn dặn các cấp ủy, chính quyền phải hết sức chăm lo công tác này. “Ai cũng phải tuân theo quy luật sinh tồn của tự nhiên. Tuy nhiên, sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh để lại những tiếc thương đối với Đảng, Nhà nước, gia quyến và nhân dân ta”, ông Lê Bá Cải xúc động nói.

Đại úy Phạm Xuân Hương (77 tuổi, cựu binh của Đoàn tàu không số) có mặt từ sớm tại Nhà tang lễ Quốc gia để đợi vào viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh. Người cựu binh nhớ lại, tháng 10/1964, ông Hương làm thợ máy trên chuyến tàu xuất phát từ Hải Phòng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là chuyến tàu khó quên đối với ông Hương, bởi trên tàu lúc đó có tướng Lê Đức Anh cùng 3 cán bộ cao cấp khác.

“Lúc đó, tôi không biết đó là đồng chí Lê Đức Anh, mà chỉ thấy ông là cán bộ rất cao lớn, giản dị. Sau này, khi Đại tướng Lê Đức Anh giữ cương vị cao trong Quân đội và Nhà nước, tôi mới nhận ra đó là lãnh đạo đã đi cùng chuyến tàu không số năm xưa. Chuyến đi gian khó nhưng rất tự hào”, ông Hương chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Quốc, cựu binh của Đoàn tàu không số cho biết thêm, trong thời gian chống Mỹ cứu nước, Đoàn tàu không số có nhiệm vụ vận tải hàng hóa và đưa cán bộ, chiến sỹ vào miền Nam chiến đấu. Đường đi rất gian nan, nguy hiểm, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng với quyết tâm cao, niềm tin chiến thắng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các chuyến tàu đã vượt qua mọi thử thách, đến bến an toàn. Đại tướng Lê Đức Anh luôn có sự chỉ đạo sâu sắc, kịp thời đối với Đoàn tàu không số, giúp Đoàn tàu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Đối với thế hệ chúng tôi, những vị lãnh đạo như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Đức Anh… là những tấm gương sáng, là niềm tin để cán bộ, chiến sỹ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào việc giải phóng đất nước. Hôm nay, chúng tôi đến viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh với tấm lòng trân trọng, kính mến và tình cảm chân thành nhất”, ông Quốc xúc động cho biết.

Bà Mai Thị Nhật (83 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bà đã từng được diện kiến nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh và thấy đây là vị tướng, người lãnh đạo luôn vì dân, gần gũi và tình cảm với nhân dân. “Đại tướng hỏi han rất ân cần về đời sống sinh hoạt, cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người dân trong lần tiếp xúc cử tri cách đây đã mấy chục năm”, bà Nhật chia sẻ.

Ông Phan Cao Phong cũng đến viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh với tư cách là một người lính Trường Sơn. Ông Phong nhớ Đại tướng Lê Đức Anh với những công lao to lớn khi đóng góp cho đất nước, các cuộc kháng chiến chống giậc ngoại xâm, nhưng lại rất gần gũi, đời thường khi tiếp xúc với cấp dưới, người dân. Khi còn là bộ đội, hoạt động ở Quân khu 7, ông Phong rất vui được Đại tướng quan tâm đến cuộc sống của bộ đội. “Đại tướng có tài thao lược, là người dám làm, dám chịu để mang lại thắng lợi cho đất nước”, ông Phong nhấn mạnh.

“Chúng con chào ba, ba về bên mẹ và bạn bè thời khói lửa”

Sau lời điếu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Lê Mạnh Hà - con trai nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh thay mặt gia đình có lời đáp từ. Ông cảm ơn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, cảm ơn đồng đội, người thân, bạn bè đã ở bên nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh trong suốt thời gian qua và cùng tổ chức lễ tang trọng thể này. Ông cũng gửi lời cảm ơn những người thầy thuốc đã chăm sóc sức khỏe cha ông trong nhiều năm.

“Thưa ba, ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc kháng chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thực sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi”, ông Lê Mạnh Hà nói lời đáp từ, giọng nghẹn ngào.

Về “gia tài” người cha kính yêu để lại cho con cháu, ông Hà nói đó là một “gia tài thật đồ sộ và quý giá”, là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha, nhân hậu. “Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba, chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời kỳ khói lửa và thời bình yên. Vĩnh biệt ba!”, ông Hà chia sẻ trong trong tiếng nấc nghẹn.

Bên dưới, gia quyến nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều người dự tang lễ không cầm được nước mắt. Lễ truy điệu kết thúc, mọi người chậm rãi đi vòng quanh lĩnh cữu nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh như muốn cố níu giữ những thời khắc cuối cùng bên ông.

Trưa 3/5, đoàn xe đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh rời khỏi Nhà tang lễ Quốc gia để về nơi án tang tại nghĩa trang TPHCM. Nhiều người dân Thủ đô đứng xếp hàng hai bên đường để từ biệt ông. Các cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cũng nghiêm trang giơ tay chào vị Đại tướng tài ba.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng tháng 5/1938.

Từ tháng 9/1992-12/1997, ông giữ cương vị Chủ tịch nước. Sau đó, ông giữ vai trò là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4/2001, rồi chính thức nghỉ hưu.

Sau một thời gian lâm bệnh, do tuổi cao bệnh nặng, đại tướng đã từ trần hồi 20h10 ngày 22/4 (tức ngày 18/3 năm Kỷ Hợi) tại số nhà 5A Hoàng Diệu, hưởng thọ 99 tuổi.

Đại tướng Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Nhiều đoàn ngoại giao cũng đã tới viếng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh và viết sổ tang. Ghi sổ tang, bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM gửi lời chia buồn sâu sắc và cho biết, nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã đóng góp một phần quan trọng vào quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ ngoại giao và hiểu biết lẫn nhau trong nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton vào năm 1995.

Ông Im Heng, Tổng Lãnh sự Campuchia tại TPHCM bày tỏ sự thương tiếc và cảm ơn ngài Lê Đức Anh, người chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng Pol Pot, giúp Campuchia hiện nay phát triển trong cộng đồng quốc tế. Chính phủ và nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, xin gửi lời chia buồn sâu sắc.

Cao Tuân – Lê Bảo

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ngay-hom-qua-vi-chu-tich-nuoc-gan-dan-da-ve-voi-dat-me-20190503182222705.htm