Ngày hội STEM 2018: Khi học sinh được 'chạm' vào những điều mình thích

Ngày hội STEM 2018, có tên gọi 'Chạm o o o o – Touch o o o o', sẽ mang tới cơ hội thực hành những thí nghiệm thú vị và thách thức khả năng sáng tạo của học sinh nhằm hướng tới giải quyết những vấn đề của thời đại Cách mạng công nghệ 4.0.

Khi học sinh trở thành trung tâm của khám phá khoa học

PGS.TS Vũ Hoàng Linh, phó hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội – Trưởng ban tổ chức ngày hội năm nay- nói: Tôi xin được bắt đầu bằng một câu nói của TS Đỗ Quốc Tuấn, người vừa vinh dự được giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học trẻ: “Được nghiên cứu cái mình thích là hạnh phúc nhất”, còn đối với trẻ em phổ thông, “học cái mình thích là hạnh phúc nhất”.

Đúng với ý nghĩa để học sinh trở thành trung tâm của những trải nghiệm, những khám phá, tại họp báo giới thiệu về ngày hội STEM 2018, hai học sinh Phan Trường Anh Khôi và Nguyễn Công Huy, học sinh lớp 8H, Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành nhân vật “hot” nhất khi trình diễn trước báo giới một sáng chế đậm chất STEM- cánh tay robot điều khiển bằng suy nghĩ - của mình!

Hai học sinh trường THCS Trưng Vương gây bất ngờ trong buổi họp báo về ngày hội STEM 2018 khi thể hiện sáng chế của bản thân liên quan đến việc điều khiển cánh tay robot bằng suy nghĩ

Hai học sinh trường THCS Trưng Vương gây bất ngờ trong buổi họp báo về ngày hội STEM 2018 khi thể hiện sáng chế của bản thân liên quan đến việc điều khiển cánh tay robot bằng suy nghĩ

Mới chỉ học lớp 8, hai học sinh đã chứng tỏ khả năng đam mê và hiểu biết khoa học vượt bậc khi có kỹ năng tiếp cận mã nguồn mở, sử dụng những thuật toán khó trong lập trình. Đó là những điều hoàn toàn thú vị mà những lớp học, giờ học, CLB STEM đã mang đến cho các em.

Tạo điều kiện trải nghiệm về không gian thí nghiệm tại một trường đại học

Trước khi tham gia tổ chức Ngày hội STEM 2018, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã tổ chức ngày hội Open Day và có sự hỗ trợ của Liên minh STEM. Xa hơn nữa, trường đã có ý tưởng và đã tổ chức các hoạt động labtour cho các học sinh phổ thông đến thăm các phòng lab hiện đại, chạm vào máy móc, nghe các giảng viên giới thiệu về công việc nghiên cứu. Bởi với học sinh Việt Nam, cơ hội được trải nghiệm không gian ở một trường Đại học khi còn ngồi ghế phổ thông không nhiều.

TS. Đào Sỹ Đức, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết, trong khuôn khổ ngày hội STEM 2018 trường có các hoạt động Labtour.

Học sinh sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế tại các phòng thí nghiệm của trường ĐHKH Tự nhiên -ĐHQG Hà Nội

Nhà trường đã chọn lựa một số phòng thí nghiệm phù hợp với các em học sinh như: Phòng thí nghiệm của Khoa Vật lý sẽ cho học sinh trải nghiệm một số thiết bị như thiết bị gia tốc, kính hiển vi điện tử quét phóng đại những hiện vật rất bình thường, ví dụ như chân con kiến.

Phòng thí nghiệm của khoa Sinh học sẽ chuẩn bị các thí nghiệm rất gần gũi với các học sinh như quan sát trực tiếp vi sinh vật qua các tiêu bản. Phòng thí nghiệm về môi trường của Khoa Môi trường cho phép học sinh sẽ tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng nguồn nước. Bảo tàng địa chất của Khoa Địa chất cho học sinh tham quan các bộ sưu tập đá, đá quý.

Ngoài ra, trường cũng biểu diễn một màn kịch hóa học, tiết mục nằm trong sự kiện phát động cuộc thi tìm hiểu về Bảng Tuần hoàn hóa học sẽ giới thiệu một số thí nghiệm thú vị như tạo mưa trong ống nghiệm…

Cơ hội mở rộng đối với mọi học sinh muốn “chạm” và “nổ” với khoa học

Theo TS. Đặng Văn Sơn, người sáng lập Học viện sáng tạo S3, thì ngày hội STEM 2018 có những nét mới: Một thông tin rất đáng vui mừng của năm 2018 là nhiều trường phổ thông trong cả nước đã tự tổ chức được Ngày hội STEM.

Trước đó chỉ lác đác có vài trường tổ chức được, năm nay thì trường THPT An Dương là một trường cấp huyện ở Hải Phòng, hay các trường ven đô như Thụy Phương cũng tổ chức được Ngày hội STEM cho riêng mình. Những điều đó cho thấy sự lan tỏa của Ngày hội STEM.

Ngày hội STEM đã dần trở thành hoạt động thường xuyên được rất nhiều học sinh yêu thích và tham dự

Điểm mới của Ngày hội STEM 2018 là sẽ có sự tham gia của các trường THPT An Dương, khối chuyên thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Chuyên Hưng Yên; các CLB STEM của các trường phổ thông (trước đây chưa có CLB STEM thuộc các trường) và đặc biệt là sự tham gia của các trường cao đẳng nghề sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em.

Hai bài giảng đại chúng: Bài giảng của GS Hồ Tú BảoViện trưởng Viện John Von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM về trí tuệ nhân tạo, một trong những vấn đề rất quan trọng của CMCN 4.0 và của PGS. TS. Nguyễn Quang Huy, Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN giảng về “An toàn Sinh học với thực phẩm biến đổi gene”.

Trong các bài giảng đại chúng này, những vấn đề rất cao siêu sẽ được giảng bằng ngôn ngữ giản dị để đối tượng người nghe đa dạng có thể nắm bắt được.

Ngoài ra, không thể thiếu được những trình diễn khoa học, các em sẽ được trải nghiệm các hoạt động “Chạm”, những thí nghiệm thú vị về “nổ” để hiểu hơn bản chất của nhiều hoạt động thú vị trong thực tế.

STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.

Giáo dục STEM rất phổ biến ở các nước hiện đại và tại Việt Nam, các ngày hội STEM đã được tổ chức liên tục trong bốn năm qua và ngày càng thu hút sự tham gia của các địa phương khác nhau ở phía Bắc.

Tham gia tổ chức các hoạt động của Ngày hội STEM năm nay có Đại học Khoa học Tự nhiên (HUS), Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Kidscode, PoMath, và Long Minh.

T.Fan

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ngay-hoi-stem-2018-khi-hoc-sinh-duoc-cham-vao-nhung-dieu-minh-thich-115039.html