Ngày hội Số hóa Siemens: Hỗ trợ chuyển đổi số tại Việt Nam

Ngày 10/8/2018, tại ngày Hội số hóa tại Việt Nam lần thứ nhất, Siemens đã giới thiệu và trình diễn một số công nghệ tiên tiến nhất của Tập đoàn trong các lĩnh vực điện khí hóa, tự động hóa và số hóa. Siemens cũng chính thức ra mắt tại Việt Nam MindSphere – hệ điều hành mở dựa trên công nghệ điện toán đám mây và nền tảng Internet Vạn vật của Tập đoàn.

Siemens và VinFast tiến hành ký hai hợp đồng quan trọng định hướng sự phát triển của xe buýt điện nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng đô thị bền vững tại Việt Nam.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Ngày hội Số hóa Siemens bao gồm nhiều hoạt động với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, khách hàng, đối tác của Siemens, đại diện các cơ quan báo chí và lãnh đạo cấp cao của Siemens toàn cầu và khu vực.

Trong bài phát biểu khởi động sự kiện, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam Phạm Thái Lai nêu rõ sự hỗ trợ và những đóng góp của Siemens đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường trong 25 năm qua. Giám đốc khu vực của Siemens Armin Bruck cũng đã chia sẻ về cách Siemens có thể hỗ trợ đẩy mạnh quá trình số hóa tại Việt Nam.

Thảo luận các giải pháp chuyển đổi Số hóa của Việt Nam

Tại phiên thảo luận về chủ đề ”Chuyển đổi số tại Việt Nam” với sự tham gia của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tổ chức UNDP tại Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Công ty Phần mềm FPT và Siemens, các đại biểu đã trao đổi về tác động của tiến trình số hóa đối với nền kinh tế cũng như vai trò của chính phủ và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Chính thức ra mắt Hệ điều hành MindSphere

Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả hơn tiến trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam, Siemens đã chính thức giới thiệu hệ điều hành MindSphere tại Việt Nam. Hệ điều hành mở MindSphere, dựa trên nền tảng Internet Vạn vật và công nghệ điện toán đám mây, là nền tảng quan trọng trong chiến lược số hóa của Siemens. Hệ điều hành này giúp biến dữ liệu thành tri thức, biến tri thức thành thành công của doanh nghiệp và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. MindSphere cũng có thể được sử dụng làm Hệ Điều hành cho các thành phố.

Các đại biểu tham gia sự kiện đã chứng kiến lễ ký kết hai hợp đồng giữa Siemens Việt Nam và VinFast về việc cung cấp công nghệ và linh kiện để sản xuất tại chỗ các hệ thống truyền động điện sẽ được sử dụng cho các xe buýt điện (eBus) của Vin Fast trong bối cảnh xe buýt điện đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống giao thông công cộng đô thị bền vững. Siemens rất vui mừng được mang tới công nghệ và kinh nghiệm cùng với Vin Fast giúp định hình xu hướng này tại Việt Nam.

Trải nghiệm thực tế ảo.

Một hoạt động nổi bật khác tại sự kiện Ngày Số hóa Siemens tại Việt Nam là những trải nghiệm số đặc biệt tại khu vực triển lãm. Khách mời có thể tham quan trung tâm thực tế ảo (VR) tại gian hàng Năng lượng Số và tham gia chuyến đi ảo trong nhà máy sản xuất tua bin khí hay trải nghiệm các dịch vụ điều khiển từ xa được ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ tòa nhà với sự hỗ trợ của kính thực tế ảo tăng cường (AR). Khách tham quan cũng có thể theo dõi các chuyên gia của Siemens từ Sing-ga-po trình diễn các chương trình phần mềm ứng dụng chạy trên nền tảng hệ điều hành MindSphere.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Siemens Việt Nam Phạm Thái Lai cho rằng“Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng và số hóa là cơ hội để Việt Nam nhảy vọt và nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp. Tập đoàn Siemens đi tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo số hóa, đã phát triển nhiều giải pháp thích hợp giúp các thành phố hoạt động hiệu quả, bền vững và an toàn hơn. Siemens cam kết luôn là đối tác được khách hàng Việt Nam lựa chọn và cam kết hỗ trợ Việt Nam trên con đường chuyển đổi số”,.

P. Vi

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/ngay-hoi-so-hoa-siemens-ho-tro-chuyen-doi-so-tai-viet-nam-20180811110417160p33c339.htm