Ngày hội Robothon và WeCode hướng tới trang bị kỹ năng cần thiết trong thời đại 4.0 cho học sinh Việt Nam

Là một sân chơi công nghệ dành cho trẻ em, qua 9 lần tổ chức, Ngày hội Robothon và WeCode được kỳ vọng sẽ góp phần trang bị cho học sinh Việt Nam những kỹ năng sống cần thiết trong thời đại cách mạng 4.0, giúp các em hiểu hơn về thế giới tương lai.

Ngày hội Robothon và WeCode quốc gia 2019 chủ đề “FoodEffect 2050” tại Hà Nội thu hút sự tham gia tranh tài của 115 thí sinh ở nội dung Robotics và 52 thí sinh thi lập trình WeCode.

Ngày hội Robothon và WeCode quốc gia 2019 chủ đề “FoodEffect 2050” tại Hà Nội thu hút sự tham gia tranh tài của 115 thí sinh ở nội dung Robotics và 52 thí sinh thi lập trình WeCode.

Hôm qua, ngày 27/10, Ngày hội Robothon và WeCode quốc gia 2019 chủ đề “FoodEffect 2050” (Công nghệ Nông - Lương 2050) đã được tổ chức tại Hà Nội, thu hút sự tham gia tranh tài của 115 thí sinh ở nội dung Robotics và 52 thí sinh thi lập trình WeCode. Trước đó sự kiện này đã được Công ty cổ phần DTT-EDUSPEC phối hợp với Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc - Bộ KH&CN cùng các trường Tiểu học, Trung học cơ sở lần lượt tổ chức tại Cần Thơ, Đà Nẵng và TP.HCM.

Chia sẻ thêm về mục đích của Ngày hội Robothon và WeCode, ông Nguyễn Thế Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty DTT, Trưởng ban Giám khảo Ngày hội Robothon và Wecode 2019 cho biết: “Khi nói về thời đại 4.0, chúng ta đang nói việc thế giới mà thế hệ tương lai sẽ sống trong khoảng 10, 20 năm tới. Các bạn trẻ Việt Nam cần kỹ năng sống cho giai đoạn đó, giống như trước đây chúng ta cần tiếng Anh để hội nhập. Đó chính là lý do chúng tôi tổ chức những hoạt động giáo dục STEM mang tính giao lưu này. Qua đây, học sinh biết được rằng trong tương lai, thế giới sẽ không chỉ có những bộ máy cơ giới như hiện nay mà hầu hết là máy móc thông minh, là robot, là những bộ máy được nói chuyện bằng ngôn ngữ lập trình chứ không phải ngôn ngữ của người với người”.

Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM, ông Trung phân tích, giáo dục STEM giúp các công dân tương lai có kỹ năng khi ứng dụng vào cuộc sống mang lại hiệu quả. Trong thế giới tương lai, dù là nghề gì, mỗi người cũng cần có tư duy tương tác với cỗ máy thông minh bao gồm tư duy logic, tư duy lập trình, tư duy máy tính và biết ngôn ngữ của những cỗ máy thông minh như thế nào. Đó là lý do phải triển khai giáo dục STEM từ bây giờ, chứ không phải đợi 10-20 năm nữa.

“Một điều quan trọng là, trong bối cảnh giáo dục hiện nay của Việt Nam, các cháu dễ bị thu hút bởi hoạt động không thực sự có lợi như chơi game, xem tivi, nhưng chúng ta cũng không thể đưa các cháu về môi trường cũ, đóng cửa đọc sách, không tương tác.

Giáo dục STEM tận dụng các thế mạnh của công nghệ mới: Internet, máy tính, máy tính bảng, robot … để các cháu tìm ra niềm vui, không mất thời gian vào game. Ngoài ra, giáo dục STEM giúp chính các thầy cô có thể nhìn thấy học sinh của mình tiềm năng lớn, có thể giải quyết được nhiều vấn đề, phát huy được tính sáng tạo chứ không chỉ học thuộc và làm lại”, ông Trung chia sẻ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc trang bị những kỹ năng sống cần thiết trong thời đại 4.0 cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Công ty DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng cần triển khai giáo dục STEM ngay từ bây giờ, không phải đợi 10 - 20 năm nữa (Ảnh minh họa: DTT)

Tại Ngày hội Robothon và WeCode 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, với ý tưởng ứng dụng tự động hóa và robot để giải bài toán thiếu hụt lương thực khi dân số tăng mà đất canh tác không mở rộng, nội dung môn thi Robotics tập trung vào kỹ năng lập trình với mục tiêu giành được số điểm cao nhất bằng cách thu hoạch quả, gieo hạt giống chính xác vào ô, xác định và vận chuyển các máy hỏng tới Trung tâm sửa chữa, vận chuyển các kiện hàng và hoa quả tới khu vực silo hoặc đưa chúng lên kho hàng.

Còn với lập trình WeCode, nội dung thi hướng nhiệm vụ của thí sinh vào việc đưa được ra các giải pháp kiến tạo một tương lai thực phẩm bền vững đến năm 2050. Thí sinh có thể viết một trò chơi, một ứng dụng di động, hình hoạt họa hoặc viết một chương trình Windows, trong đó giới thiệu các thách thức của vấn đề lương thực tới năm 2050 và các giải pháp theo 3 hướng: Giảm nhu cầu về lương thực và các sản phẩm nông nghiệp; Tăng sản lượng lương thực mà không gia tăng đất nông nghiệp; Bảo vệ và gìn giữ hệ sinh thái tự nhiên bền vững.

Kết quả chung cuộc, ở nội dung lập trình WeCode, trong hạng mục Sơ cấp, cả 3 giải cao: Vô địch, Nhất, Nhì đều thuộc về các học sinh đến từ trường Tiểu học Xuân Đỉnh, trong đó giải Vô địch thuộc về Nguyễn Đạt Hiếu, học sinh lớp 3A15; giải Nhất thuộc về Nguyễn Việt Hưng, học sinh lớp 3A12; giải Nhì thuộc về các thí sinh Nguyễn Hoàng Anh Dũng lớp 4A9 và Nguyễn Hồng Minh, lớp3A8.

Ở hạng mục Trung cấp, giải Vô địch được trao cho thí sinh Đinh Vũ Tùng Lâm đến từ Học viện STEM; giải Nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Huy Hoàng trường Tiểu học Trung Văn; giải Nhì thuộc về thí sinh Nguyễn Phương Linh trường Tiểu học Xuân Đỉnh.

Với hạng mục cao cấp, hai thí sinh Nguyễn Thế Tân và Nguyễn Gia Huy cùng đến từ Học viện STEM đã lần lượt giành các giải Nhất, Nhì nội dung thi lập trình WeCode.

Ông Nguyễn Ngọc Khoa, đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) và ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Công ty DTT trao giải Vô địch hạng mục Trung cấp nội dung Robothon cho đội C6 của trường Xuân Đỉnh gồm 3 thí sinh Đậu Phúc Lâm, Nguyễn Việt Anh, Đỗ Trần Phi Long.

Còn trong nội dung thi Robothon, ở hạng mục Sơ cấp, ngôi Vô địch thuộc về đội C4 gồm 3 thí sinh Nguyễn Anh Thư, Nguyễn Công Thành và Đàm Gia Minh đến từ Tiểu học Nam Từ Liêm; giải Nhất thuộc về đội D1 cũng tới từ tiểu học Nam Từ Liêm với 3 thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Tô Phương Nam Khánh và Phạm Hoàng Dương; giải Nhì thuộc về đội C3 gồm Bùi Đức Hùng, Nguyễn Nam Khánh và Nguyễn Hải Phong tới từ trường Nam Từ Liêm.

Ở hạng mục Trung cấp, giải Vô địch được trao cho đội C6 của trường Xuân Đỉnh với 3 thí sinh Đậu Phúc Lâm, Nguyễn Việt Anh, Đỗ Trần Phi Long; giải Nhất thuộc về đội D6 trường Tiểu học Trung Văn gồm 3 thí sinh Khương Đình Huy, Nguyễn Huy Hoàng, Vũ Thanh Sơn; giải Nhì thuộc về đội D7 đến từ Tiểu học Trung Văn gồm 2 học sinh Trịnh Doãn Minh và Lê Việt Hoàng.

Ở hạng mục cao cấp, đội E3 gồm 2 học sinh Nguyễn Thế Tân, Dương Tuấn Minh và đội E4 gồm 2 thí sinh Đặng Quang Minh, Phạm Huy Chí Dũng cùng đến từ Học viện STEM đã lần lượt đoạt ngôi Vô địch và giải Nhì. Giải Nhất đã thuộc về đội E2 tới từ trường Trung Văn với 2 thí sinh Hoàng Đại Dũng và Nguyễn Đình Trường.

Căn cứ trên kết quả các đội dự thi tại Ngày hội Robothon và WeCode ở Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội, dự kiến trong tuần này, Ban tổ chức sẽ chọn 29 đội Robotics và 28 thí sinh thi WeCode đại diện học sinh Việt Nam dự Ngày hội Robothon và WeCode quốc tế 2019 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Vân Anh

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/ngay-hoi-robothon-va-wecode-huong-toi-trang-bi-ky-nang-can-thiet-trong-thoi-dai-4-0-cho-hoc-sinh-viet-nam-191913.ict