Ngày hội kéo lửa thổi cơm thi làng Thị Cấm

Hằng năm, cứ vào ngày mùng 8 tháng Giêng, ở đình làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại diễn ra lễ hội thổi cơm thi. Đây là một phong tục độc đáo của làng mỗi dịp xuân về, để cầu chúc cho dân làng một năm mới ấm no, hạnh phúc, mọi nhà bình yên.

Cụ Bùi Đình Trung, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm xuân Kỷ Hợi 2019 cho hay: “Hội thi kéo lửa thổi cơm là lễ hội dân gian đã có từ lâu đời của làng Thị Cấm được tổ chức vào mùng 8 Tết hàng năm để tưởng nhớ công ơn Thành hoàng của làng là Phan Tây Nhạc. Tương truyền, vào đời vua Hùng thứ 18, vợ chồng Tướng tiên phong Phan Tây Nhạc và Hoa Dung khi trẩy quân qua làng Thị Cấm để dẹp giặc Thục xâm lược nước ta thì dân làng xin đi theo. Tướng quân cho mở hội thi nấu cơm để chọn người nuôi quân giỏi. Sau khi vợ chồng Tướng quân mất, dân làng tôn thờ làm Thành hoàng”.

Đình làng Thị Cấm trong ngày Hội thổi cơm truyền thống

Đình làng Thị Cấm trong ngày Hội thổi cơm truyền thống

Hội thổi cơm thi có 3 phần chính là thi chạy lấy nước, thi kéo lửa và thi thổi cơm, giã thóc thành gạo. Trên sân đình 4 đội thổi cơm thi đại diện cho 4 giáp. Mỗi đội có hơn 10 người nam và nữ với sự phân công nhiệm vụ cho mỗi người rất chặt chẽ.

Đúng 11 giờ trưa, trai làng cường tráng kéo lửa thi thổi cơm. Ai ai cũng thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo để bùi nhùi của đội mình bốc khói trắng lên trước. Mồi lửa đầu tiên bén rơm cũng là lúc không khí trong sân đình làng náo nhiệt hơn bao giờ hết. Mọi người bắt đầu đổ về chăm chút cho niêu cơm của mình.

Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, người phụ trách nồi cơm đốt vun nhiều đống tro rơm buộc người chấm phải mất công tìm kiếm. Chỉ trong phút chốc, sân đình làng mịt mù khói trắng. Không gian đình làng Thị Cấm vang dội tiếng trống chiêng, tiếng người dân hò reo cổ vũ nhễ nhại mồ hôi.

Cụ Bùi Đình Trung, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm xuân Kỷ Hợi 2019

Thời gian dành cho quá trình thi thổi cơm từ lúc kéo lửa cho đến nấu thành cơm chỉ diễn ra trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ. Sau đó các cụ trong Ban tổ chức sẽ gõ trống và đi tìm các nồi cơm trong các đống tro rơm trên sân đình. Sau khi đã tìm thấy toàn bộ 4 nồi cơm của 4 đội, các cụ trong ban Khánh tiết sẽ chấm điểm nồi cơm đạt giải nhất và dâng mâm cơm vào cửa Thánh.

Hội thi kéo lửa thổi cơm của dân làng Thị Cấm trải qua bao nhiêu năm, đến nay vẫn giữ được nét văn hóa cổ truyền độc đáo. Đông đảo người dân và du khách thập phương tấp nập đến xem hội tạo nên không khí sôi động, hào hứng trong những ngày đầu xuân năm mới.

Một số hình ảnh trong lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm xuân Kỷ Hợi 2019:

Những đống lửa cháy, khói rơm mù mịt bay khắp sân đình làng Thị Cấm trong ngày Hội thổi cơm truyền thống

Các cụ thành viên ban tổ chức kiểm tra bộ dụng cụ đánh lửa của các giáp tham gia thi.

Bốn chiếc cối đá cùng chày giã thóc là những vật dụng truyền thống của lễ hội vẫn được nhân dân Thị Cấm gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Trong khi Ban tổ chức công bố thể lệ thi thì người của các đội bắt tay vào chuẩn bị lấy lửa.

Đúng 11 giờ, phần thi chạy diễn ra, mỗi giáp dự thi cử ra một thiếu niên tham dự chạy thi lấy nước từ giếng làng về nấu cơm.

Ở phần thi kéo lửa, mỗi đội cử ra 4 thanh niên khỏe mạnh. Dụng cụ bao gồm: Rơm nhóm lửa, đoạn tre đực già dùi sẵn những khe nhỏ và một que giang luồn vào khe đánh lửa. Khi có khói lên thì dừng lại và thổi lửa bùng lên, chuyển lửa đó sang vị trí nấu cơm.

Nhóm nào phát khói tạo ra lửa sớm nhất sẽ giành chiến thắng trong phần thi kéo lửa. Sau đó mồi lửa được chuyển sang bếp chuẩn bị sẵn của đội mình để nấu cơm.

Ngay khi có nước lấy từ cuộc thi chạy và lửa mới kéo xong, các đội bắt tay vào đun nước sôi trong niêu đồng để chờ gạo.

Thóc của ban tổ chức phát sẽ được các thành viên chung tay giã thóc bằng chày gỗ và cối đá. Họ phải giã thật khéo léo để làm sao hạt gạo không bị vỡ.

Sau đó, sàng sẩy bớt những hạt thóc lép và cùng nhau nhặt bỏ những hạt trấu, sạn… lẫn trong gạo.

Gạo được vo nhiều nước cho sạch tấm và cho hạt gạo trắng trước khi nấu.

Nét độc đáo nhất của hội thi là phần thi thổi cơm. Theo tục lệ, dân làng nấu cơm bằng niêu đặt trên chiếc kiềng ba chân và nhóm lửa rơm, củi, sau đó niêu được vùi trong tro bếp đợi chín.

Để kéo dài thời gian cho cơm chín nục, mỗi giáp dự thi phải tạo ra nhiều đống tro "ảo" nhằm nghi binh và đánh lừa ban giám khảo.

Các vị bô lão trong làng là ban giám khảo, sẽ đi vòng quanh sân đình tìm những niêu cơm được vùi trong các đống tro tàn.

Những niêu cơm khi tìm thấy được lau chùi sạch sẽ, phủi sạch tro tàn và mang vào đình làm lễ dâng lên nhà Thánh.

Ban giám khảo Hội thi gồm các cụ có uy tín trong làng, công tâm, trung thực, thẳng thắn khách quan. Cơm của đội nào dẻo, thơm nhất, chín đều sẽ giành giải nhất của làng.

Cơm của các Giáp sau khi thổi được dâng lên ban thờ báo cáo với Đại vương Phan Tây Nhạc.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ngay-hoi-keo-lua-thoi-com-thi-lang-thi-cam-527791.html