Ngày hội đua tài của người thợ cạo mủ cao su vùng biên giới

Khi trời còn tờ mờ sáng, cái lạnh của vùng biên giới Gia Lai chưa kịp tan, hàng trăm công nhân, người lao động và bà con địa phương đã có mặt tại vườn cao su của đội 14 thuộc làng Lân, xã Ia O, huyện biên giới Ia Grai (Gia Lai) để cổ vũ và tham gia Hội thi 'Thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2018'. Mọi người gặp nhau tay bắt, mặt mừng, những cái bắt tay như nắm chặt thể hiện tình đoàn kết, quyết tâm để giành kết quả cao nhất.

Phát biểu tại khai mạc hội thi, Trung tá Hà Trọng Bảo, Giám đốc Công ty 715 nhấn mạnh: Những năm qua mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty luôn hướng về đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động, giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định cuộc sống; duy trì và thực hiện phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” và phương châm: “Vững lý thuyết, giỏi thực hành”, phát triển sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất. Hội thi “Thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2018” là điều kiện để 60 tuyển thủ xuất sắc đại diện cho 1.160 thợ cạo của các đội sản xuất và hàng ngàn người lao động gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật cạo, nâng cao nhận thức và hiểu biết về trồng, khai thác, chế biến mủ cao su. Đây cũng là dịp để đơn vị tôn vinh những người thợ cạo, bám vườn cây, làm xanh thêm vùng biên giới và tuyển chọn những tuyển thủ xuất sắc tham gia dự thi cấp Binh đoàn.

Đặc biệt các tuyển sau khi về với các đội sản xuất sẽ hướng dẫn lại cho người lao động, đặc biệt đối tượng là con em đồng bào dân tộc thiểu số những kỹ thuật khai thác, chế biến mủ cao su hiệu quả hơn, giúp họ gắn bó với vườn cây, với đơn vị.

 Cán bộ đơn vị động viên tuyển thủ trước lúc vào dự thi.

Cán bộ đơn vị động viên tuyển thủ trước lúc vào dự thi.

Đến với hội thi năm nay, tuyển thủ Rơ Châm Krinh (32 tuổi, dân tộc Giơ Rai) công nhân của Đội 1, ở làng Tung Breng, xã Ia Krai (Ia Grai) đem theo một thành tích đáng khâm phục. Mới làm công nhân cạo mủ được 7 năm, nhưng Krinh đã trồng và nhận khoán trên 4 ha cao su, đã giành được giải “bàn tay vàng” cấp cơ sở. Krinh cho biết: “Mình cũng như bao nhiêu người dân của làng, khi nghe nói san đất để trồng cây cao su, đi khai thác mủ từ 2-3 giờ sáng…thì sợ lắm! Vì truyền thống người Giơ-rai mình đi làm khi mặt trời gần ngang bằng với ngọn cây, đến chiều về khi mặt trời chưa tắt nắng. Tuy nhiên, khi nghe bộ đội hướng dẫn, tuyên truyền…thấy đúng, thế là mọi người nghe theo. Bây giờ thì tốt hơn rồi, thu nhập hằng tháng ổn định từ 6-7 triệu đồng. Mừng cái bụng quá, khi mình được lãnh đạo đơn vị chọn đi hội thi”.

Cùng tâm trạng, tuyển thủ Hoàng Văn Thống, đến từ Đội 14, bộc bạch: Đã 5 lần tham gia hội thi, nhưng đến hội thi năm nay sao em vẫn thấy rất hồi hộp, có chút gì đó lo lắng. Trước khi tham gia, bạn bè trong đơn vị rất tin tưởng và kỳ vọng vào em, và em quyết tâm đạt giải cao, để được dự thi cấp Binh đoàn thời gian sắp tới. Nói rồi Thống cười rất vui và kiểm tra lại dụng cụ chuẩn bị vào phần thi thực hành cạo mủ trên cây.

Cũng như dân làng vùng biên giới, ông Rơ Châm Tin (63 tuổi) ở Tung Breng đến xem và cổ vũ cho Hội thi “Bàn tay vàng” rất sớm. Không giấu niềm vui trên khuôn mặt, ông Tin bộc bạch: Tôi và dân làng ở đây từ bao đời nay rồi, nhưng đây là lần đầu tiên đi xem hội thi. Xem các cô, các chú bộ đội hát, múa hay quá! Cứ như đi xem Văn công diễn ở xã. Rồi được xem cả người lao động dân làng mình đua tài cạo mủ trên thân cây cao su… Không khí ngày hội của công nhân, người lao động trên vùng biên giới tưng bừng phấn khởi quá. Ước chi năm nào Công ty 715 cũng tổ chức Hội thi ở đây để bà con mình được đến xem, cổ vũ và hòa mình vào niềm vui chung với mọi người.

Một hồi còi dài cất lên, báo hiệu thời gian phần thi thực hành cạo mủ cao su của Hội thi “Thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2018” bắt đầu. Ngay sau tiếng còi cất lên, tất cả 60 tuyển thủ nhanh chóng nhập cuộc. Các tuyển thủ cạo hết cây này lại chạy vội sang cây khác…và cứ thế họ tập trung toàn bộ sức lực và kinh nghiệm vào từng đường cạo, từng dăm cây, mạch mủ. Từng con số hiện lên trong tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người xung quanh: 50- 70…90 và cuối cùng là 100 cây với thời gian từ 17 đến 20 phút. Với số điểm tuyệt đối trên 4 nội dung thi, tuyển thủ Hoàng Văn Thống được Ban tổ chức trao danh hiệu “Bàn tay vàng” của hội thi năm nay.

Kết thúc hội thi, Thượng tá Nguyễn Thế Bích, Bí thư Đảng ủy Công ty 715 cho biết: “Để hội thi đạt kết quả cao, chúng tôi làm công tác chuẩn bị rất cụ thể, chi tiết. Trước hết, ban tổ chức kiểm tra và chọn vườn cây phù hợp theo yêu cầu, kế hoạch thời gian. Điểm đặc biệt của hội thi năm nay là trong số 60 tuyển thủ về dự thi thì các tuyển thủ là người dân tộc thiểu số tăng, chất lượng tốt. Đây là con số đáng mừng, cho thấy nhận thức và chất lượng, kỹ thuật cạo mủ cao su của người lao động địa phương được nâng lên rõ rệt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế, thu hút và giải quyết tốt việc làm cho người lao động, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng biên giới, trong thời gian tới, chúng tôi vẫn duy trì diện tích vườn cây cao su; đầu tư và vận dụng tốt khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, trong đó kỹ thuật khai thác mủ cao su, thu hoạch cà phê được chú trọng và quán triệt tới từng người công nhân, nhằm tăng năng suất, hiệu quả, bảo đảm tốt đời sống cho bà con…”.

Bài, ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/ngay-hoi-dua-tai-cua-nguoi-tho-cao-mu-cao-su-vung-bien-gioi-553697